Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường

08:29 - Thứ Năm, 14/03/2024 Lượt xem: 8064 In bài viết

ĐBP - Để phát triển chăn nuôi bền vững, thời gian qua, cùng với khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi tập trung, các cơ quan chuyên môn cũng tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân xử lý chất thải trong chăn nuôi. Qua đó, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, hướng đến phát triển chăn nuôi an toàn.

Người dân xã Hẹ Muông (huyện Điện Biên) được hướng dẫn kỹ thuật ủ phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chăn nuôi theo quy mô nông hộ chiếm tới 96%; chỉ có 4% là chăn nuôi theo quy mô trang trại. Vì vậy, áp lực về xử lý môi trường trong chăn nuôi là rất lớn. 70% lượng chất thải được thu gom và xử lý trong chăn nuôi chủ yếu là thực hiện trong chăn nuôi lợn theo hình thức nuôi nhốt.

Còn với đại gia súc, chăn nuôi chủ yếu theo hình thức thả rông và bán chăn thả nên chỉ có khoảng 18,7% lượng chất thải được xử lý tại các nông hộ, trang trại nuôi nhốt. Còn 81,3% lượng chất thải từ nuôi thả rông và bán chăn thả được xả thải trực tiếp ra môi trường tại các bãi chăn thả, trên nương rẫy, đồi, rừng... gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Nhiều người dân cho biết, do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên chưa quy hoạch khu chăn nuôi, khu vực chuồng trại đảm bảo hợp vệ sinh. Trong khi việc đầu tư thiết bị, hệ thống xử lý chất thải bằng biogas, máy ép tách phân... tốn nhiều chi phí nên vẫn còn tình trạng chăn nuôi ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Do điều kiện khó khăn nên đa phần các nông hộ chưa quy hoạch và đầu tư hệ thống thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 300 trang trại song chỉ có 2 trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, còn lại là các trang trại chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm quy mô vừa và nhỏ. Cũng chỉ có một số trang trại vừa, quy mô lớn áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi khép kín, xử lý triệt để chất thải chăn nuôi trước khi đưa ra môi trường theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn như: Trang trại chăn nuôi lợn thịt của gia đình ông Nguyễn Văn Quang, bản Hợp Thành, xã Núa Ngam với quy mô 4.500 lợn thịt/năm; trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Trần Ngọc Tùng, thôn Chế Biến, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên với quy mô 400 lợn thịt/năm.

Người dân xã Mùn Chung, huyện Tuần Giáo được tập huấn sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn, giữ vệ sinh môi trường.

Chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp hữu hiệu giúp xử lý chất thải, kiểm soát dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát đầu vào như: chuồng trại, con giống, thức ăn, nước uống, quản lý vật nuôi, vệ sinh thú y, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chuyển từ thả rông gia súc sang nuôi nhốt để giảm thiểu lượng chất thải phát sinh ra ngoài môi trường.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông và Giống cây trồng vật nuôi hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Đặc biệt, triển khai thực hiện sáng kiến về giải pháp mô hình ủ phân gia súc bằng chế phẩm vi sinh tạo nguồn phân hữu cơ vi sinh là giải pháp rất hữu ích đối với chăn nuôi nông hộ (đầu tư ít, dễ thực hiện). Sáng kiến này khắc phục những nhược điểm của các phương pháp ủ phân hữu cơ truyền thống; người dân có thể tự làm tại gia đình, giúp tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, giải pháp này giúp người chăn nuôi đạt được “lợi ích kép”: Vừa chủ động nguồn phân bón cho trồng trọt, vừa giảm chi phí sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường. Từ đó góp phần thực hiện hiệu quả Chiến lược Phát triển chăn nuôi, Đề án Phát triển bền vững chăn nuôi gia súc ăn cỏ, Đề án Cây ăn quả, Kế hoạch Cơ cấu lại ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Người dân sử dụng phân hữu cơ ủ từ phụ phẩm nông nghiệp để bón cho các loại cây trồng.

Với định hướng quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, thời gian tới ngành nông nghiệp tỉnh quy hoạch vùng chăn nuôi trâu, bò tập trung tại các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông, Mường Ảng, Tuần Giáo, Mường Chà; phát triển đàn lợn tại các huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng... Đồng thời đẩy mạnh thực hiện các mô hình chăn nuôi hữu cơ; phát triển kinh tế nông hộ theo hướng hợp tác, liên kết giữa các hộ dân, cơ sở sản xuất để tạo sản phẩm hàng hóa, bảo vệ môi trường.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top