Phát triển Điện Biên trên tầm nhìn mới

09:45 - Thứ Ba, 19/03/2024 Lượt xem: 6514 In bài viết

ĐBP - Ngày 17/3/2024, UBND tỉnh Điện Biên đã tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để sớm hiện thực hóa quy hoạch, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng các nội dung cơ bản, cốt lõi của quy hoạch tới cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân, nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận về nhận thức, khát vọng phát triển và sự quyết tâm thực hiện hiệu quả các nội dung của quy hoạch.

Quy hoạch là cơ sở để triển khai đầu tư xây dựng các công trình, dự án.

Mục tiêu của quy hoạch tỉnh đến năm 2030, đưa Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc; là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế của vùng. Trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, có năng suất và chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, du lịch; kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong phát triển tỉnh; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại… Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10,51%/năm; tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều giảm còn dưới 8%.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Giám đốc Sở Xây dựng, quy hoạch tỉnh sau khi được phê duyệt là cơ sở để lãnh đạo tỉnh chỉ đạo, điều hành và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, hội nhập và đối ngoại. Đây là căn cứ quan trọng để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội. Ngoài ra, quy hoạch tỉnh có vai trò xác định tư duy tầm nhìn, mô hình, kịch bản, phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển. Quy hoạch cũng tạo ra cơ hội, tạo năng lực sản xuất và giá trị mới cho từng địa phương.

Quy hoạch tỉnh xác định du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn. Trong ảnh: Du khách tham quan di tích Đồi A1.

Việc sớm triển khai quy hoạch tạo định hướng phát triển cho các ngành, lĩnh vực, tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các ngành có lợi thế. Đồng thời, xác định các ngành lĩnh vực quan trọng để đưa ra phương hướng phát triển cụ thể (nông, lâm nghiệp là nền tảng; xây dựng là động lực; du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn). Cùng đó, quy hoạch tỉnh xác định rõ cấu trúc không gian phát triển mới với 3 vùng kinh tế, 4 trục động lực và 4 cực tăng trưởng.

Việc công bố quy hoạch tỉnh là cơ sở để các cấp, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, nhất là đối với việc quản lý xây dựng, trật tự đô thị, phát triển đô thị. Thời gian qua, việc phát triển đô thị của tỉnh, nhất là đô thị TP. Điện Biên Phủ đã có những chuyển biến rõ nét, dần khẳng định vị trí, vai trò đô thị là động lực, đầu tàu cho phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, toàn tỉnh có 7 đô thị, trong đó 1 đô thị loại III (TP. Điện Biên Phủ), 1 đô thị loại IV (TX. Mường Lay) và 5 đô thị loại V (thị trấn Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên Đông và Mường Chà).

Theo quy hoạch, Tủa Chùa được xác định là vùng kinh tế II tập trung phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp và công nghiệp chế biến, du lịch.

Tuy nhiên, việc phát triển đô thị còn nảy sinh nhiều bất cập. Đó là, đô thị hóa không đồng đều giữa các vùng, miền; tỉ lệ đô thị hóa không đạt mục tiêu đề ra (đạt 28%), thấp hơn nhiều so với mức trung bình cả nước. Đô thị phát triển theo chiều rộng là chủ yếu với mật độ thấp và phân tán, gây lãng phí về đất, hạn chế tích tụ kinh tế. Hệ thống đô thị phát triển không cân đối, thiếu sự liên kết, chưa có sự phân định và chia sẻ chức năng trong từng vùng và giữa các vùng. Đầu tư cho phát triển đô thị còn dàn trải, thiếu đồng bộ, chưa phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị cho phát triển đô thị.

Mục tiêu của tỉnh đến năm 2030, tỉnh có 11 đô thị, gồm 1 đô thị loại II, 2 đô thị loại IV và các đô thị loại V, với tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 32%. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, thời gian tới, Sở Xây dựng tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các đề án, chương trình, kế hoạch về phát triển đô thị. Phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế; nâng cao chất lượng quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị.

Sớm hiện thực hóa quy hoạch góp phần tạo động lực phát triển đô thị. Trong ảnh: Một góc đô thị TP. Điện Biên Phủ.

Trên cơ sở quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh đã chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hệ thống sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu, hồ sơ quy hoạch bảo đảm phù hợp và thống nhất. Tập trung chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư; đồng thời, chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, sở, ngành liên quan đã phối hợp với đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh và các sở, ngành, huyện, thành phố rà soát, điều chỉnh, bổ sung, lập mới các quy hoạch liên quan và cụ thể hóa nội dung quy hoạch tỉnh vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Đồng thời, triển khai các giải pháp quản lý về quy hoạch, kế hoạch và đầu tư phát triển bảo đảm sự đồng bộ, nhịp nhàng.

Quy hoạch là cơ sở để tỉnh phát huy thế mạnh, tiềm năng trong lĩnh vực nông nghiệp.

Công tác tuyên truyền được chú trọng nhằm cung cấp kịp thời thông tin về quy hoạch tỉnh; giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, các dự án ưu tiên của tỉnh để các nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân tìm hiểu, nắm bắt tư duy, tầm nhìn, không gian phát triển mới của tỉnh. Thông qua đó thúc đẩy thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực hiện thực hóa quy hoạch tỉnh; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao để thực hiện tốt quy hoạch tỉnh.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top