Sớm gỡ vướng trong thực hiện, giải ngân chương trình mục tiêu quốc gia

08:42 - Thứ Sáu, 29/03/2024 Lượt xem: 4916 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã có nhiều nỗ lực trong triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG). Tuy nhiên, do một số nội dung của các chương trình chưa được hướng dẫn cụ thể hoặc chậm hướng dẫn nên tỷ lệ giải ngân vốn, nhất là nguồn vốn sự nghiệp đạt rất thấp, chưa bảo đảm yêu cầu đề ra.

Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra mô hình trồng cây gai xanh từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc các chương trình MTQG trên địa bàn xã Lao Xả Phình, huyện Tủa Chùa.

Thực hiện các chương trình MTQG, năm 2024 toàn tỉnh đã hoàn thành phân bổ chi tiết gần 2.006 tỷ đồng đạt 95,2% kế hoạch; trong đó, vốn đầu tư đã phân bổ 92,4%, vốn sự nghiệp đã phân bổ chi tiết 100%.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện các địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt đối với nguồn vốn sự nghiệp Chương trình Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Điển hình, tại huyện Điện Biên năm 2023, nguồn vốn sự nghiệp Chương trình Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chỉ giải ngân được 18%. Từ đầu năm 2024 đến nay, nguồn vốn sự nghiệp của cả 3 chương trình đều chưa thực hiện giải ngân.

Lãnh đạo huyện Điện Biên kiến nghị sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án hỗ trợ sản xuất thuộc các chương trình MTQG, tại hội nghị Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh tổ chức ngày 21/3 vừa qua.

Ông Bùi Hải Bình, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho biết: Hiện nay việc mua con giống hỗ trợ sản xuất theo quy định của Luật Chăn nuôi, theo quy trình sản xuất gặp nhiều vướng mắc và không thể thực hiện. Bên cạnh đó, Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 18/5/2023 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, hiện nay một số sở, ngành chưa có các hướng dẫn cụ thể. Đối với nguồn vốn Chương trình Giảm nghèo bền vững, huyện đang gặp vướng mắc liên quan đến Văn bản số 1516/TCGDNN-KHTC ngày 31/7/2023 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên không phải là cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nên huyện đang dừng lại, không phân bổ nguồn vốn thực hiện.

Lãnh đạo huyện Tủa Chùa kiểm tra việc hỗ trợ máy móc sản xuất nông nghiệp tại xã Sín Chải từ nguồn vốn chương trình giảm nghèo bền vững. (Ảnh CTV)

Huyện Tủa Chùa cũng gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện, giải ngân đối với các chương trình MTQG. Ông Nguyễn Minh Tuân, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đối với nguồn vốn đầu tư, trong 3 tháng đầu năm nay, Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân đạt 4,5%; Chương trình Giảm nghèo bền vững giải ngân 4,6%; đối với nguồn vốn sự nghiệp của 2 chương trình này đến nay đều chưa thực hiện. Riêng đối với Chương trình Xây dựng NTM, cả nguồn vốn đầu tư và vốn sự nghiệp đều chưa giải ngân.

Trong quá trình thực hiện không có các đơn vị, doanh nghiệp tạo chuỗi liên kết mà chủ yếu là hỗ trợ cộng đồng, dẫn đến khó triển khai các nội dung. Dự án hỗ trợ sản xuất, huyện gặp vướng mắc trong việc xác định tiêu chuẩn con giống. Bên cạnh đó, định mức kinh tế kĩ thuật áp dụng chung cho các chương trình MTQG chưa có nên quá trình triển khai thực hiện gặp khó. Chương trình Xây dựng NTM, cơ chế yêu cầu khắt khe về đất đai, quản lý. Do vậy, một số đơn vị được đề xuất hỗ trợ đã có đơn xin thôi không tham gia hỗ trợ.

Những quy định trong Luật Đấu thầu mới ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án và giải ngân vốn đầu tư các chương trình MTQG.

Không riêng huyện Điện Biên hay Tủa Chùa, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều vướng mắc trong quá trình thực hiện các chương trình MTQG, nhất là đối với nguồn vốn sự nghiệp. Do đó, trong 3 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh mới thực hiện giải ngân đạt 3,91% kế hoạch; trong đó vốn đầu tư phát triển giải ngân đạt 6,3% và vốn sự nghiệp giải ngân được 660 triệu đồng, đạt 0,08% kế hoạch.

Năm 2024, tỉnh Điện Biên quyết tâm phấn đấu thực hiện giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn, đặc biệt là nguồn vốn năm 2022 và 2023 kéo dài sang năm 2024. Tại hội nghị triển khai thực hiện các chương trình MTQG năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến đề nghị các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc; rà soát lại các đối tượng thụ hưởng, tránh chồng chéo giữa các chính sách dẫn đến không giải ngân được. Các ngành chức năng khẩn trương tham mưu UBND tỉnh cụ thể hóa Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội về cơ chế đặc thù thực hiện các chương trình MTQG. Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh ban hành định mức kinh tế kỹ thuật các dự án hỗ trợ sản xuất.

Hiện nay, vốn hỗ trợ dân tộc thiểu số ít người thuộc Chương trình phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa giải ngân. Trong ảnh: Một góc bản Púng Bon – bản người dân tộc Cống (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên).

Tỉnh cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn triển khai quy định tại Khoản 2, Điều 3 Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 “Đối với mua sắm cây trồng, vật nuôi và những hàng hóa dịch vụ do người dân trực tiếp sản xuất”. Hiện nay tổ chức đấu thầu, mua các sản phẩm như giống cây, con giống trên địa bàn tỉnh để thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất gặp rất nhiều khó khăn bởi trên địa bàn chưa có cơ sở đáp ứng được con giống trâu, bò đảm bảo theo quy định. Trong khi mua tại một số cơ sở ngoài tỉnh để đáp ứng được quy định của Luật Chăn nuôi thì giá con giống cao và khó thích nghi môi trường sống.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận
Back To Top