Thu ngân sách quý I-2024: Nhiều tín hiệu khả quan

06:27 - Chủ Nhật, 31/03/2024 Lượt xem: 5545 In bài viết

Quý I-2024, thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khả quan, bằng 31,7% dự toán, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, năm 2024 dự toán thu ngân sách ở mức cao. Vì vậy, thời gian tới, ngành Tài chính triển khai nhiều giải pháp nhằm hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này.

Thu thuế quý I-2024, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước là 33,7 nghìn tỷ đồng. Trong ảnh: Sản xuất máy tự động tại Công ty cổ phần Công nghệ thiết bị Tân Phát (huyện Thanh Trì).

Thu nội địa đạt kết quả tốt

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước quý I-2024 đạt 539,5 nghìn tỷ đồng, bằng 31,7% dự toán năm và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa đạt 467,5 nghìn tỷ đồng, bằng 32,4% dự toán năm và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước...

Về địa phương, theo Cục Thống kê thành phố Hà Nội, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 3 tháng đầu năm 2024 ước thực hiện 146,9 nghìn tỷ đồng, bằng 36% dự toán pháp lệnh năm và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa 140,7 nghìn tỷ đồng, đạt 37,2% dự toán và tăng 4,6%...

Một số lĩnh vực thu chủ yếu trong thu nội địa 3 tháng qua là: Khu vực doanh nghiệp nhà nước thực hiện 30,3 nghìn tỷ đồng, bằng 42,9% dự toán năm và tăng 8% so với cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước 33,7 nghìn tỷ đồng, bằng 42,8% và tăng 14,3%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 9,8 nghìn tỷ đồng, bằng 36,7% và tăng 12,3%; thu phí và lệ phí 5,7 nghìn tỷ đồng, bằng 29,3% và tăng 31,1%; thu tiền sử dụng đất 4,8 nghìn tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ năm trước...

Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh đánh giá, kết quả thu ngân sách quý I-2024 tương đối cao, đặc biệt khi đây là những tháng đầu năm. Đáng chú ý, thu nội địa đạt kết quả tốt cho thấy việc áp dụng hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu thanh toán với cơ quan thuế đang phát huy hiệu quả; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã tốt hơn; nền kinh tế tăng trưởng khả quan. Trong quý I-2024, các trụ cột của nền kinh tế như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều khá tốt; trong đó vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước đã phản ánh tình hình sản xuất, kinh doanh phục hồi ở nhiều ngành, lĩnh vực.

Còn theo Tổng cục Thuế, ngay từ những tháng đầu năm, ngành Thuế đã phát động phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024; triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người nộp thuế; chú trọng thanh tra, kiểm tra, gắn với tuyên truyền, đối thoại, giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp. Cơ quan thuế cũng đã đề ra các nhóm giải pháp quản lý nợ thuế thường xuyên, liên tục, tránh phát sinh rủi ro, hạn chế phát sinh nợ…

Người dân làm thủ tục thuế tại Chi cục Thuế quận Ba Đình. Ảnh: Nguyễn Quang

Cần đột phá trong thu ngân sách

Tuy nhiên, nhiệm vụ thu ngân sách trong thời gian tới không hề dễ dàng bởi dự toán thu ngân sách năm 2024 rất lớn, 1.700,9 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 5% so với dự toán và ước thực hiện năm 2023. Trong khi đó, kinh tế thế giới chưa khởi sắc, thị trường trong nước khó khăn, nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô hoặc ngừng hoạt động.

Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, ngành Thuế triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, chủ động tham mưu Bộ Tài chính, Chính phủ kịch bản, giải pháp chủ động trong điều hành thu ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, ngành Thuế tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân của Chính phủ, từ đó nuôi dưỡng nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.

Giải pháp khác được ngành Thuế và các đơn vị tập trung là thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch kết hợp với thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề chống thất thu trong các lĩnh vực có rủi ro cao về thuế như: Giao dịch liên kết, chuyển nhượng vốn, thương mại điện tử, hoàn thuế giá trị gia tăng, gian lận sử dụng hóa đơn điện tử, khai thác tài nguyên, khoáng sản, kinh doanh dịch vụ; tiếp tục quản lý thuế, rà soát, đôn đốc các nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế…

Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, từ đó tăng cường thu hút vốn của nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư tư nhân vào nền kinh tế. Cùng với đó là xem xét các cơ chế, chính sách tác động đến sản xuất, kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục tăng trưởng. "Sản xuất, kinh doanh phục hồi sẽ góp phần gia tăng nguồn thu cho ngân sách", ông Đinh Trọng Thịnh nói.

Với dự toán thu ngân sách ở mức cao, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, nếu không sáng tạo trong cách thu thì khó hoàn thành nhiệm vụ. Ngành Thuế đã sáng tạo trong thực hiện hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu, thu thuế bất động sản, thu thuế thương mại điện tử xuyên biên giới… song cần đột phá để quản lý hiệu quả hơn. Về lĩnh vực hải quan, yêu cầu tiếp tục nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top