Đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài

21:49 - Thứ Ba, 02/04/2024 Lượt xem: 4987 In bài viết

ĐBP - Phát huy thế và lực của đất nước, đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển năm 2024, được tổ chức chiều ngày 2/4.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh.

Trong năm 2023, công tác phối hợp, ngoại giao kinh tế của Việt Nam có nhiều đổi mới, với nhiều hợp tác mới được ký kết, đã nâng tầng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 4 đối tác lớn như: Mỹ, Australia… Góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế; từng bước tiếp cận và phát triển kinh tế số, kinh tế xanh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Công tác ngoại giao, phát triển kinh tế phải hài hòa giữa lợi ích dân tộc quốc gia, hài hòa lợi ích với các đối tác. Hội nghị lần này có sự đổi mới về nội dung, số lượng, thành phần đại biểu. Thực hiện “3 cùng” (cùng chia sẻ, lắng nghe thấu hiểu; cùng nhận thức hành động; cùng làm, cùng thắng lợi). Các bộ ngành, địa phương, cơ quan doanh nghiệp cần quan tâm thực hiện 5 nhiệm vụ chính: Rà soát lại, nắm chắc tình hình thế giới và khu vực, tìm hiểu cung cầu của thế giới; khắc phục chuỗi sản xuất bị đứt gãy, thực hiện phát triển xanh, phát triển số; phối hợp hài hòa lợi ích trong nước và ngoài nước; tình hình thế giới luôn biến động do đó các doanh nghiệp, địa phương cần giữ thế cân bằng, củng cố thương hiệu, chất lượng, vận dụng sáng tạo linh hoạt điều hành tránh tình trạng tăng giá; các bộ ngành chủ động phát triển xuất khẩu bền vững, chủ động nắm tình hình phát huy tối đa hiệu quả, lợi ích quốc gia dân tộc.

Tại hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại các nước Hoa Kỳ, Nga, Ấn Độ, Nam Phi, A-rập Xê-út… báo cáo tình hình hợp tác của các nước với Việt Nam; công tác thương mại xuất nhập khẩu, du lịch giữa Việt Nam với các nước và các lĩnh vực công nghiệp dệt may, giao thông, thủy sản, dầu khí, đồ uống, dược phẩm, xuất khẩu cà phê hòa tan… Đối với lĩnh vực hợp tác công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn năng lượng, AI được các nước bạn quan tâm, cụ thể đã có 15 doanh nghiệp Mỹ có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam…

Đại biểu dự hội nghị kiến nghị đề xuất: lĩnh vực bán dẫn và AI cần ban hành chiến lược hợp tác, đầu tư; quyết sách thu hút nhà máy lớn có nhu cầu đầu tư lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam; triển khai các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; rà soát bãi bỏ các quy chế chính sách không còn phù hợp. Đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt Nam tại Nga và ngược lại; sớm mở đường bay thẳng từ Nga đến Hà Nội và nâng cao tần suất bay/tuần (hiện nay chỉ đạt 3 chuyến/tuần). Đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại Nam Phi; hoạt động xúc tiến du lịch giữa Việt Nam và Nam Phi. Mở cửa thị trường hoa quả giữa Việt Nam và Ấn Độ; tháo gỡ khó khăn, rào cản song phương cho doanh nghiệp Việt Nam tại Ấn Độ. Ngoại giao kết nối với các trường đại học quốc tế nhằm chuyển giao kiến thức khoa học cho Việt Nam…

Kết luận hội nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ ra những tồn tại hạn chế trong ngoại giao kinh tế năm 2023. Thực hiện công tác ngoại giao kinh tế năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, thống nhất trong sách lược và hành động. Thực hiện 3 phát huy: Phát huy thế và lực của đất nước đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài; phát huy sức mạnh dân tộc sức mạnh thời đại trong ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, gắn với du lịch và giao lưu nhân dân; phát huy tính năng động sáng tạo, linh hoạt, thông minh của người Việt Nam, đa dạng hóa thị trường. Đồng thời, triển khai 4 trọng tâm lớn: Các cấp các ngành có kế hoạch triển khai nhiệm vụ cụ thể; cùng nhau củng cố động lực tăng trưởng truyển thống, gắn với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh; khai thác tối đa các lợi thế kinh tế đất nước; huy động các nguồn lực, doanh nghiệp là người Việt Nam tại nước ngoài.

Tin, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top