Giám sát giao đất giao rừng tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường

17:38 - Thứ Ba, 09/04/2024 Lượt xem: 4904 In bài viết

ĐBP - Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề “Việc thực hiện giao đất giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lâm nghiệp và chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) giai đoạn 2019 - 2023, ngày 9/4, đoàn giám sát HĐND tỉnh do đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh dẫn đầu đã tiến hành giám sát tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường.

Đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận buổi giám sát tại Sở Tài nguyên và Môi trường.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện Kế hoạch số 2783 của UBND tỉnh, đến nay 9/10 huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp có rừng với diện tích trên 37.400ha (đạt tỷ lệ 39%). Đối với đất lâm nghiệp chưa có rừng, 7/10 huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện cấp GCNQSDĐ với diện tích trên 54.200ha (đạt 35%). Tổng thu tiền DVMTR giai đoạn 2019- 2023 đạt trên 1.150 tỷ đồng; số tiền chi trả DVMTR là trên 994 tỷ đồng cho hơn 4.800 chủ rừng.

Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường phải thực hiện tổng diện tích đất lâm nghiệp cần rà soát thực hiện giao trên 252.700ha. Đến nay diện tích đất lâm nghiệp đã giao và cấp GCNQSDĐ là hơn 93.000ha (đạt 37%) cho gần 9.500 cộng đồng, hộ gia đình và cá nhân. Diện tích đất lâm nghiệp đã đo đạc, rà soát nhưng chưa giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ hơn 159.000ha. Giai đoạn 2019 - 2023, Sở đã tham mưu UBND tỉnh giao đất, giao rừng cho các tổ chức trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích trên 15.270ha. Thực hiện thẩm định trích đo địa chính, Sở đã nhận và duyệt được hồ sơ, sản phẩm đo đạc dự án giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ với tổng diện tích hơn 209.000ha. Quá trình thực hiện giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp còn nhiều khó khăn như: Dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện; tập tục canh tác của người dân vùng cao làm diện tích rừng đã giao vẫn bị chặt phá do nhu cầu sử dụng đất để làm nương, tình trạng tranh chấp đất đai vẫn còn xảy ra trên địa bàn. Ngoài ra, một số diện tích đất lâm nghiệp manh mún không tập trung gây khó khăn trong quá trình rà soát, khoanh vẽ. Ranh giới quy hoạch 3 loại rừng chưa được cắm mốc xác định, gây khó khăn trong công tác phân định ranh giới rừng.

Các thành viên đoàn giám sát đã chỉ ra những hạn chế trong quá trình thực hiện như: Tiến độ thực hiện giao đất giao rừng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đang rất chậm so với yêu cầu, nhiệm vụ kế hoạch và tiến độ chung; công tác quản lý bảo vệ rừng còn mang tính hình thức, vẫn còn xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép; nhiều diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng nằm trong lưu vực được chi trả DVMTR nhưng chưa được giao, chưa có chủ quản lý...

Đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục làm rõ những tồn đọng, khó khăn trong việc chi trả DVMTR. Sở cần rà soát lại toàn bộ diện tích chưa thực hiện giao đất giao rừng, đối tượng được hưởng chi trả DVMTR cùng với các giải pháp để tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện sát với thực tế. Đối với hộ không đủ điều kiện chi trả DVMTR qua tài khoản, cần có biện pháp kiểm tra, xử lý triệt để theo từng lộ trình. Với Sở Tài nguyên và Môi trường, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn cấp huyện tháo gỡ vướng mắc, khó khăn; tập trung rà soát, tránh chồng chéo xung đột trong quá trình quy hoạch 3 loại rừng. Đồng thời sớm hoàn thiện báo cáo bổ sung, rà soát điều chỉnh số liệu gửi về HĐND tỉnh trước ngày 10/4.

Tin ảnh: Đức Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top