Tín hiệu tích cực từ dệt may

09:42 - Thứ Ba, 16/04/2024 Lượt xem: 5146 In bài viết

Ngành dệt may Việt Nam bước vào quý II-2024 với nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường, số lượng đơn hàng đã tăng trở lại.

Dù vậy, trước nhiều biến động khó lường, cùng với việc theo sát diễn biến thị trường, các doanh nghiệp cũng tăng cường đầu tư công nghệ, đổi mới sản xuất, kinh doanh, nỗ lực thực hiện các mục tiêu đề ra.

Dây chuyền sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty May 10 - CTCP. Ảnh: Viết Thành

Đơn hàng tăng trở lại

Những ngày đầu tháng 4-2024, Tổng công ty May 10-CTCP (May 10) khai trương cửa hàng May 10 Centurion tại quận Đống Đa, đưa tổng số cửa hàng phân phối sản phẩm May 10 lên 300 điểm.

Theo kế hoạch năm 2024, May 10 triển khai nhiều dự án lớn, như chuỗi trung tâm thời trang May 10 Centurion, hệ thống cửa hàng tại hầu hết các tỉnh, thành phố… Đẩy mạnh xuất khẩu song song với phát triển thị trường nội địa, hoạt động sản xuất, kinh doanh của May 10 đón nhận những tín hiệu phục hồi rõ nét.

Theo Tổng Giám đốc May 10 Thân Đức Việt, tổng doanh thu quý I-2024 của doanh nghiệp đạt 1.128 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, doanh thu xuất khẩu đạt 1.020 tỷ đồng, tăng 28,27%. May 10 có nhiều đơn đặt hàng đến quý II, một số chủng loại có đơn đến quý III-2024.

Còn tại Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân, đơn đặt hàng vải đã bắt đầu gia tăng với sản lượng của nhà máy dệt nhuộm dự kiến đạt 100-130 tấn vải/tháng và ngành may đã ký đơn hàng đến tháng 8-2024.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông Xuân Nguyễn Đăng Lợi cho biết, để ký được đơn hàng công ty đã liên tục đổi mới, phát triển các dòng vải mới đáp ứng thị hiếu và yêu cầu của khách hàng. Cùng với đó, đơn vị đáp ứng cao nhất các yêu cầu về chất lượng, trách nhiệm xã hội, môi trường...

Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu, những khó khăn, thách thức của thị trường đang tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp, song với sự quyết liệt, chủ động trong chỉ đạo, điều hành, sự nỗ lực, linh hoạt của các doanh nghiệp, quý I vừa qua Vinatex đạt doanh thu và lợi nhuận ước tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang nhìn nhận, thị trường đã có tín hiệu tích cực, đơn hàng tăng trở lại giúp doanh nghiệp dần phục hồi. Số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho thấy, quý I-2024, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may đạt hơn 9,53 tỷ USD, tăng 9,62% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, các nhà sản xuất, chuỗi cung ứng hàng dệt may toàn cầu tiếp tục chọn Việt Nam là nơi sản xuất và đặt hàng, càng tăng thêm kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 44 tỷ USD như kế hoạch đề ra.

Nâng cao năng lực tự chủ

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp ngành dệt may đã nỗ lực tận dụng cơ hội dù là nhỏ nhất, ở cả thị trường trong và ngoài nước, nhằm tăng doanh thu. Tuy nhiên, những diễn biến khó lường của tình hình thế giới, cũng như thách thức về sản xuất và tiêu dùng xanh, sự cạnh tranh giữa các nước có thế mạnh ngày càng gay gắt, vẫn là bài toán khó cho ngành dệt may.

Tổng Giám đốc May 10 Thân Đức Việt cho rằng, doanh nghiệp đang gặp áp lực khi phải tăng cường đầu tư để đáp ứng yêu cầu về xanh hóa, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, ESG (môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp), chuyển đổi số... Cùng với đó, căng thẳng ở khu vực Biển Đỏ khiến chi phí vận chuyển tăng cao, lợi nhuận doanh nghiệp bị thu hẹp.

“May 10 tiếp tục tìm kiếm, khai thác thị trường trong nước và quốc tế, đa dạng hóa mặt hàng, khách hàng; tập trung nghiên cứu và chuyển đổi sản phẩm mới, chất liệu mới... để làm các đơn hàng khó, kết cấu sản phẩm phức tạp, thời gian giao hàng nhanh với lợi nhuận tốt hơn”, ông Thân Đức Việt nói.

Để hoàn thành kế hoạch doanh thu 800 tỷ đồng trong năm 2024 với số đơn hàng đã ký đến giữa quý III-2024, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Đáp Cầu Lương Văn Thư cho biết, công ty sẽ tổ chức lại sản xuất, tăng cường đầu tư công nghệ, tiết giảm tối đa chi phí… Với sự đầu tư liên tục cho công nghệ và tay nghề cao của người lao động, May Đáp Cầu tin tưởng sẽ có được đơn hàng mới, duy trì sản xuất và ổn định đời sống người lao động.

Về phía Vinatex, Tổng Giám đốc Cao Hữu Hiếu thông tin, Vinatex sẽ tập trung giải pháp ưu tiên bảo đảm đơn hàng, tận dụng nhanh mọi cơ hội; dự báo, cập nhật tình hình sản xuất, kinh doanh để điều hành kịp thời. Cùng với đó, nâng cao năng suất, hạ giá thành, áp dụng các giải pháp quản trị tiên tiến, cần thiết triển khai các dự án tăng năng lực sản xuất, như dự án sản xuất vải chống cháy, dự án sợi Nam Định…

Trong dài hạn, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho rằng, ngành cần sớm khắc phục “nút thắt” thiếu nguyên phụ liệu. Điều này giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực tự chủ từ đó tiếp cận được luồng chuyển dịch sản xuất tới Việt Nam và tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị dệt may thế giới. Do vậy, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất Bộ Công Thương sớm có hướng dẫn thực hiện Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 để các địa phương quy hoạch và thu hút đầu tư.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top