Chính trịKỷ niệm 70 năm Chiến thắng ĐBP

Nông nghiệp Điện Biên và hành trình “cất cánh” (bài 5)

15:13 - Thứ Năm, 18/04/2024 Lượt xem: 3825 In bài viết

Bài 5: Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

ĐBP - Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề chiến lược, là cơ sở và lực lượng đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Trong những năm qua, với sự nỗ lực vượt bậc của cơ quan chuyên môn, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân, nông nghiệp Điện Biên phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, làm trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần đắc lực trong thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM).

Bài 4: Hướng đến sản xuất nông nghiệp xanh

Bài 3: Tái cơ cấu để phát triển bền vững

Bài 2: Nền tảng kinh tế kháng chiến, kiến quốc

Bài 1: Nông nghiệp giữa bộn bề khó khăn

 HTX Tâm Thiện thu hoạch, bao tiêu sản phẩm vùng liên kết sản xuất tại xã Noong Hẹt.

Hoàn thiện tiêu chí NTM

Kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh Điện Biên chủ yếu là kinh tế nông nghiệp. Do đó, phát triển nông nghiệp góp phần rất lớn, trực tiếp để hoàn thiện các tiêu chí NTM. Trong 19 tiêu chí thuộc bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, nông nghiệp góp sức trực tiếp để hoàn thiện 6 tiêu chí, gồm: Thủy lợi và phòng chống thiên tai; thu nhập; nghèo đa chiều; lao động; tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; môi trường và an toàn thực phẩm.

Tiêu chí thủy lợi là tiêu chí “cứng” cần nhiều nguồn lực để hoàn thiện, đạt chuẩn. Những năm qua, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh Điện Biên đã huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư xây dựng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 213 tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý 775/973 công trình thủy lợi cấp huyện.

Năm 2023, tỉnh Điện Biên đã đầu tư xây dựng mới và nâng cấp sửa chữa 54 công trình thủy lợi và 22,71km kênh mương được kiên cố hóa. Toàn tỉnh hiện có 1.008 công trình thủy lợi đã được đưa vào khai thác, vận hành, bao gồm: 14 hồ chứa, 5 trạm bơm, 782 đập dâng, 207 công trình phai tạm, 1.704km hệ thống dẫn, chuyển nước; 1.408km kênh mương được kiên cố hóa. Hệ thống thủy lợi phục vụ cung cấp nước tưới chủ động cho 109.352,5ha canh tác, tăng 4.520ha so với năm 2020. Hiện nay 115/115 xã đạt chuẩn tiêu chí số 3 về thủy lợi và phòng chống thiên tai.

Kênh mương được kiên cố hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Xã Pom Lót (huyện Điện Biên) có 574ha đất sản xuất nông nghiệp gồm: Lúa, ngô và rau màu. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, từ năm 2013 đến nay, xã Pom Lót được đầu tư 3 công trình thủy lợi nhỏ và kiên cố hóa 18km kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp. Năm 2018, xã Pom Lót được công nhận đạt chuẩn NTM. Giai đoạn 2021 - 2025, xã Pom Lót phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao.

Ông Lê Ngọc Hoàn, Chủ tịch UBND xã Pom Lót cho biết: Quá trình hoàn thiện tiêu chí thủy lợi, người dân đã tự nguyện hiến đất, ngày công lao động. Đến nay, các công trình thủy lợi đều phát huy hiệu quả; tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu chủ động (lúa đông xuân, lúa mùa, ngô, rau màu…) là 569/574ha. Chủ động nguồn nước tưới, người dân thâm canh tăng vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật, tăng thu nhập, tạo nguồn lực tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí.

Nông nghiệp cũng trực tiếp hỗ trợ các xã đạt chuẩn tiêu chí “tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn”. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 226 HTX hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; 403 tổ hợp tác nông nghiệp. Toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn tiêu chí “tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn”.

Về đích nông thôn mới

Triển khai hiệu quả các dự án liên kết sản xuất nông nghiệp là cách làm của nhiều xã nhằm tăng thu nhập cho người dân, qua đó đạt chuẩn tiêu chí thu nhập và hộ nghèo trong xây dựng NTM.

Thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng (thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa) sản xuất rau theo hướng liên kết, an toàn.

Xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên) đang trong quá trình phấn đấu về đích xã NTM nâng cao. Thời gian qua, xã tập trung nâng cao chất lượng tiêu chí số 10 về thu nhập bằng giải pháp thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp với trọng tâm là các dự án liên kết sản xuất ứng dụng công nghệ. Từ năm 2020 đến nay, UBND xã đã xây dựng, duy trì 3 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, gồm: 1 mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao sản xuất rượu Nàng Ban; 2 mô hình liên kết nuôi dê Boer sinh sản và mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao.
Năm 2020, HTX Tâm Thiện bắt đầu xây dựng liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao tại xã Noong Hẹt. Từ diện tích ban đầu 5ha, sau 3 năm triển khai, hợp tác xã đã mở rộng lên hơn 50ha. Hợp tác xã cung cấp giống, quy trình sản xuất và thu mua toàn bộ sản phẩm vùng liên kết.

Bà Trần Thị Hương Quế, Giám đốc HTX Tâm Thiện cho biết: Vùng liên kết chỉ sản xuất 1 giống lúa séng cù. HTX liên kết sản xuất với các hộ có diện tích ruộng sát nhau, tạo vùng sản xuất tập trung để thuận tiện áp dụng cơ giới hóa, chăm sóc và thu hoạch. Sau 3 năm triển khai, năm 2022 sản phẩm gạo Tâm Thiện được công nhận đạt chuẩn OCOP xếp hạng 3 sao. Chứng nhận sản phẩm OCOP như là “giấy thông hành” giúp nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó, tăng thu nhập cho người dân vùng liên kết và các thành viên HTX.

Với những giải pháp đồng bộ, năm 2023 mức thu nhập của người dân xã Noong Hẹt đạt 53,01 triệu đồng/năm, đạt tiêu chí về thu nhập của xã NTM nâng cao.

Người dân xã Pá Khoang tham gia dự án liên kết trồng ổi ruột đỏ.

Tương tự, giai đoạn 2021 - 2023, xã Pá Khoang (TP. Điện Biên Phủ) nỗ lực thực hiện tiêu chí về thu nhập, qua đó đạt chuẩn xã NTM. Cấp ủy, chính quyền xã Pá Khoang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác. UBND xã triển khai thực hiện các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp như: Nuôi gà thịt, ngan sao an toàn sinh học, mô hình trồng ổi ruột đỏ.

Ông Quàng Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Pá Khoang cho biết: Các mô hình phát triển sản xuất đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Thông qua các mô hình, người dân được tập huấn, nâng cao kiến thức sản xuất nông nghiệp, từng bước ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn trước. Năm 2023 xã Pá Khoang đã đạt mức thu nhập 42,28 triệu đồng/người (cao hơn 0,28 triệu đồng/người so với quy định về thu nhập năm 2023). Tiêu chí khó nhất đã đạt chuẩn, UBND xã Pá Khoang đang trình hồ sơ để Hội đồng cấp tỉnh thẩm định, xét duyệt và công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2023.

Năm 2023, toàn tỉnh có 2 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao; 50 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 43,47% tổng số xã (trong đó có 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 28 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới). Số tiêu chí bình quân ước đạt 14,12 tiêu chí/xã; có 145 thôn bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu.

Bài, ảnh: Văn Tâm - Phạm Trung
Bình luận
Back To Top