ĐBP - Thời gian này, trên địa bàn tỉnh thời tiết tiếp tục có những diễn biến phức tạp, ngày nắng nóng, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, độ ẩm không khí cao. Đây là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sinh vật gây hại phát sinh, lây lan ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển các loại cây trồng vụ đông xuân.
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), lúa đông xuân đang ở giai đoạn trỗ bông, phân hóa đòng – đòng già; cây cà phê đang ra hoa - phát triển quả; cây ăn quả đang giai đoạn tái kiến thiết cho vụ thu hoạch mới. Đây là giai đoạn mẫn cảm với điều kiện ngoại cảnh và sinh vật gây hại. Tổng diện tích nhiễm sinh vật gây hại là 3.892,3ha, tăng 1.309,5ha so với tháng trước, tăng 654,3ha so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: diện tích lúa nước bị thiệt hại 2.577,5ha; cây cà phê: 560,4ha; cây ăn quả: 716,9ha; cây lâm nghiệp, cây rừng (thông, keo): 8ha; cây rau: 29,5ha.
Trong gần 2 tháng qua, thời tiết chủ đạo là nắng, sáng sớm có sương mù, không có mưa nên xảy ra tình trạng khô hạn ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây lúa, thuận lợi cho một số đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại. Giai đoạn sinh trưởng này, cây lúa chủ yếu nhiễm bệnh đạo ôn lá, tai lá, bạc lá vi khuẩn, khô vằn; bệnh đạo ôn cổ bông tiếp tục tiềm ẩn nguy cơ lớn trên các trà lúa; mật độ rầy tăng so với kỳ trước, nơi cục bộ trên 1.000 con/m2. Ngoài ra, bọ xít đen, chuột, bệnh đốm nâu, tiêm lửa, thối thân, bọ trĩ… gây hại trên các trà lúa.
Huyện Điện Biên – vựa lúa đông xuân lớn nhất tỉnh với 4.220,39ha lúa. Tổng diện tích lúa đã trỗ bông khoảng 2.006ha. Hiện nay, bệnh đạo ôn lá, tai lá gây hại ở trà chính vụ, diện tích nhiễm 320,5ha. Bệnh đạo ôn cổ bông gây hại với tỷ lệ tăng trên trà sớm, nguy cơ gây hại cổ bông trên trà chính vụ, các giống nhiễm (Séng cù, Hana, Bắc thơm, Đài thơm).
Ông Phạm Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Điện Biên cho biết: Để hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do bệnh đạo ôn cổ bông và các đối tượng sinh vật gây hại khác gây ra, Trung tâm đã phối hợp với UBND các xã tăng cường kiểm tra đồng ruộng, điều tiết nước hợp lý, kịp thời phát hiện sinh vật gây hại và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ. Một số đối tượng gây hại khác như bệnh khô vằn, nhện gié, bệnh đen lép hạt, chuột… khả năng phát sinh, gây hại mạnh giai đoạn cuối vụ.
Cán bộ chuyên môn huyện hướng dẫn người dân không sử dụng hỗn hợp thuốc trừ bệnh với thuốc trừ sâu, phân bón lá hoặc thuốc kích thích sinh trưởng trong một bình thuốc; cần phun thuốc vào chiều mát; liều lượng đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì; sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”.
Đối với bệnh đạo ôn cổ bông, bà con nông dân tập trung phun phòng bệnh tại các diện tích gieo cấy các giống nhiễm (Séng Cù, Hana 112, Bắc Thơm 7, Đài thơm 8...) và những diện tích bị bệnh đạo ôn lá (tai lá) nặng. Người dân cần tiến hành phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông 2 lần: Lần 1 phun khi lúa thập thò trỗ (trỗ 5 - 10%); lần 2 phun khi lúa trỗ đều. Sử dụng luân phiên loại thuốc có hoạt chất kết hợp hiệu quả cao trong phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông như: Isoprothiolane + Tricyclazole (sử dụng một trong các loại thuốc Bankan 600WP, Bump 650WP…), Propiconazole + Tricyclazole (sử dụng một trong các loại thuốc Filia 525SE, Rocksai super 525SE...) Khi phun lượng nước thuốc đảm bảo tối thiểu 600 lít nước/ha.
Thời điểm này, cứ sau 4 giờ chiều, thời tiết dịu mát, người dân các xã vùng lòng chảo như: Thanh Yên, Thanh Xương, Thanh Luông, Thanh Hưng, Thanh Chăn, Noong Luống, Thanh An, Noong Hẹt... thăm ruộng và tiến hành phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông.
Vừa phun xong bình thuốc, ông Phạm Văn Nguyên, đội 6, xã Thanh Xương cho biết: “Vụ đông xuân năm nay, gia đình tôi gieo cấy 6.000m2 với 2 giống lúa chủ đạo: Séng cù và Đài thơm. Đây là các giống lúa năng suất, chất lượng cao song có nhược điểm là rất mẫn cảm với bệnh đạo ôn cổ bông. Thời điểm này, lúa bắt đầu thập thò trổ bông, tôi tiến hành phun phòng đợt 1. Đợt 2 sẽ phun vào thời điểm lúa trỗ bông đều. Về quy trình, kỹ thuật phun và lựa chọn các loại thuốc, chúng tôi đều được UBND xã cử cán bộ về thôn, đội hướng dẫn và thường xuyên phát thông báo trên loa truyền thanh. Theo kinh nghiệm, cứ năm nào nắng nóng kéo dài là rất dễ xảy ra dông lốc. Đây là điều người dân lo ngại nhất hiện nay.”
Đối với cây ăn quả, các loại: Câu cấu, rệp, nhện, sâu vẽ bùa, chảy gôm, sâu đục thân... gây hại trên cây có múi; chuột hại trên cây dứa; câu cấu, mối, rệp sáp, bệnh thán thư, phấn trắng... gây hại trên cây xoài; rệp sáp, sâu đục quả gây hại trên cây vú sữa; rệp, bệnh gỉ sắt, bệnh đốm mắt cua, khô cành, thán thư lá gây hại trên cây cà phê.
Để phòng trừ sâu bệnh trên cây ăn quả, cây công nghiệp, các cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân thường xuyên cắt tỉa cành tăm, cành vượt, cành già cỗi, cành bị sâu bệnh nặng, tạo thông thoáng vườn cây, tăng khả năng quang hợp. Quét vôi vào gốc và các vết cắt để hạn chế nơi cư trú của sâu hại và nấm bệnh; tủ gốc giữ ẩm, bón phân cân đối theo quy trình kỹ thuật.
Thời điểm này, diện tích cây cà phê kinh doanh tại huyện Mường Ảng và Tuần Giáo đang giai đoạn ra hoa – hình thành quả. Tuy nhiên, tình hình sâu bệnh trên cây cà phê đang có diễn biến phức tạp hơn những năm trước. Cụ thể: Rệp có diện tích nhiễm là 79,3ha; 43ha nhiễm bệnh đốm mắt cua; 162,8ha nhiễm bệnh gỉ sắt (tăng 131ha so với năm 2023); 155,6ha nhiễm bệnh khô cành (tăng 112,7ha). Để hạn chế thấp nhất những diện tích bị thiệt hại, ảnh hưởng năng suất quả cà phê, ngay từ thời điểm đầu giai đoạn kiến thiết mùa vụ mới, các cơ quan chuyên môn các huyện Mường Ảng, Tuần Giáo đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân cách phòng trừ sâu bệnh.
Hộ gia đình ông Cà Văn Bi, bản Hua Nguống (xã Ẳng Cang) trồng cà phê từ năm 2010. Đến nay, tổng diện tích cà phê của gia đình gần 3ha đều là cà phê kinh doanh.
Ông Cà Văn Bi cho biết: Để đảm bảo vườn cây cho năng suất, chất lượng cuối vụ, tôi tham gia tất cả các buổi tập huấn do Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Nhờ đó tôi hiểu thêm về các loại sinh vật gây hại trong từng giai đoạn phát triển của cây cà phê để biết cách phòng trừ sâu bệnh đúng cách.”