Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 4 tháng đầu năm 2024, cả nước có 81,3 nghìn doanh nghiệp dân doanh đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam
Bình quân một tháng có 20,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Trong khi đó, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm 2024 là 86,4 nghìn đơn vị, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, bình quân một tháng có 21,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Thực tế trên cho thấy tình hình khởi nghiệp còn nhiều khó khăn, đối diện thách thức và bất lợi, chủ yếu do doanh nghiệp thiếu thị trường đầu ra, hạn chế về vốn và công nghệ, cũng như yêu cầu ngày càng cao từ phía các nhà nhập khẩu. Với thị trường trong nước, nhìn chung sức mua vẫn khá trầm lắng…
Trong khi đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính từ đầu năm 2024 đến nay (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 4 tháng ước đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam có 36 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận, với tổng số vốn là 98,3 triệu USD, giảm 29,8% so với cùng kỳ năm trước.
Có 3 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn 580 nghìn USD, giảm 95,7%. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 98,9 triệu USD, giảm 35,6% so với cùng kỳ năm trước.