Chống hạn cho lúa đông xuân

14:55 - Thứ Sáu, 03/05/2024 Lượt xem: 6467 In bài viết

ĐBP - Hơn 1 tháng qua, tỉnh Điện Biên diễn ra nắng nóng kéo dài khiến nhiều nhiều diện tích lúa đông xuân đang thời kỳ trổ bông bị khô hạn, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển và năng suất sản lượng cuối vụ. Để hạn chế thiệt hại do hạn hán, chính quyền địa phương và người dân đã chủ động các phương án chống hạn, trong đó chú trọng ngăn dòng, tích nước tưới ẩm duy trì sinh trưởng cho cây lúa.

Các trà lúa đang giai đoạn làm đòng trổ bông nếu bị hạn sẽ ảnh hưởng đến năng suất  cuối vụ.

Vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy 9.820ha. Hiện nay các trà lúa sớm và chính vụ đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông. Thời tiết nắng nóng kéo dài đã khiến hàng nghìn héc ta lúa thiếu nước. Trong đó, có trên 360ha lúa bị khô hạn trầm trọng, nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất cuối vụ rất cao, tập trung tại các huyện: Điện Biên gần 207ha; Tủa Chùa 100ha; Mường Nhé gần 20ha; Mường Ảng gần 20ha; Nậm Pồ gần 12ha; TX. Mường Lay 25ha...

Huyện Điện Biên có diện tích lúa bị khô hạn nhiều nhất tỉnh, trong đó 137ha bị khô hạn nặng. Diện tích lúa bị thiếu nước chủ yếu trên địa bàn các xã: Thanh Yên (43ha), Noong Luống (39ha), Thanh Hưng (8,5ha), Pom Lót (7ha), Thanh Nưa (23ha), Mường Pồn (18ha), Thanh Chăn (27ha), Núa Ngam (9,2ha)...

Người dân các xã vùng lòng chảo Điện Biên bơm nước tưới chống hạn cho đồng ruộng.

Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Diện tích bị khô hạn chủ yếu nằm trên kênh mương thủy lợi và diện tích do nông dân khai hoang sản xuất. Để chống hạn cho lúa, UBND huyện Điện Biên đã chỉ đạo các xã phối hợp với đơn vị quản lý thủy nông sử dụng máy bơm công suất lớn bơm nước từ các ao hồ, kênh mương lên các chân ruộng bị hạn nhằm tưới ẩm, duy trì quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa và đợi mưa. Bên cạnh đó, UBND huyện đã phối hợp với Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên ưu tiên nguồn nước cho những diện tích lúa ở cuối kênh, trên kênh để chống hạn.

Những ngày này, nông dân bản Lún, bản Liếng (xã Noong Luống) phải ra đồng từ sáng sớm để đắp đập, dâng nước tại các kênh, mương, khe suối và sử dụng máy bơm mi ni bơm nước vào những chân ruộng đang bắt đầu nứt nẻ.

Ông Tòng Văn Thiện, bản Liếng, xã Noong Luống chặn dòng tích nước để bơm vào ruộng tưới ẩm cho lúa bị hạn.

Vừa lắp đặt xong chiếc máy bơm mi ni và hệ thống ống dẫn dài gần 50m vào ruộng, ông Tòng Văn Thiện, bản Liếng cho biết: Chỗ nước này tôi đã đắp đập và canh chờ nước dâng lên từ 5 ngày qua đến nay mới lắp đặt được máy bơm. Vụ này tôi gieo cấy 3.000m2 lúa. Hiện nay, 2/3 diện tích đã bị khô hạn, chân ruộng nứt nẻ. Rất may các chân ruộng đều gần hệ thống kênh mương nên vẫn có thể lắp đặt máy bơm để tưới ẩm được. Trong bản nhiều hộ không thể bơm nước vì ruộng xa, công suất máy bơm không đủ để đẩy nước về ruộng nên đành chờ mưa. Mỗi ngày bơm nước mất 200.000 đồng tiền dầu. Nếu tình trạng này kéo dài, năng suất lúa sẽ bị ảnh hưởng, lợi nhuận cuối vụ chẳng đáng là bao so với chi phí và công sức bỏ ra.

Ông Trần Thế Hoàn, Chủ tịch UBND xã Noong Luống cho biết: Công tác chống hạn cho lúa đã được UBND xã triển khai từ đầu tháng 3. Từ ngày 8/3, UBND xã Noong Luống sử dụng máy bơm công suất lớn bơm nước từ các ao, hồ trên địa bàn vào hệ thống kênh mương, sau đó bà con chặn dòng và sử dụng máy bơm nhỏ bơm nước vào ruộng. Hơn 1 tháng qua, chính quyền và người dân thực hiện bơm tưới ẩm luân phiên để giữ nhịp sinh trưởng cho lúa. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng kéo dài, đến nay các hồ chứa nước nhỏ của xã và nhà dân đều đã hết nước, UBND xã buộc phải dừng việc bơm nước chống hạn.

UBND xã Noong Luống bơm nước từ các hồ chứa trên địa bàn xã để chống hạn cho các diện tích lúa bị khô hạn.

Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên hiện quản lý 34 công trình hồ thủy lợi và các đập dâng, trạm bơm. Hiện nay, Công ty đang tích cực phối hợp với các địa phương điều tiết nước, chống hạn cho cây lúa.

Ông Lê Văn Thi, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên cho biết: Đến nay, cơ bản toàn bộ diện tích bãi tưới do công ty quản lý đều đáp ứng đủ nước cho cây lúa. Chỉ riêng hồ Sông Ún (huyện Tủa Chùa) không tích đủ nước, hiện đang ở mực nước chết. Hồ Sông Ún đảm nhiệm tưới cho 30ha lúa tại thị trấn Tủa Chùa và xã Mường Báng. Để chống hạn cho lúa, Công ty đã triển khai lắp máy bơm, bơm nước từ đáy hồ lên hệ thống mương dẫn để tưới ẩm cho lúa. Còn trên địa bàn huyện Điện Biên hiện nay công ty đang cho mượn 4 máy bơm công suất lớn, trong đó xã Sam Mứn (3 máy) và Thanh Luông (1 máy) để bơm nước.

Mực nước các hồ chứa xuống thấp, Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên phải triển khai tưới luân phiên để tiết kiệm nước.

Theo dự báo của cơ quan chức năng, nhiệt độ trung bình từ tháng 3 đến tháng 5 trên địa bàn tỉnh Điện Biên cao hơn từ 2 – 3oC; đồng thời lượng mưa phổ biến thấp hơn từ 5 - 15mm so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, các địa phương cần tích cực triển khai biện pháp chống hạn cho lúa, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán.

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top