Quyết tâm xây dựng tỉnh Điện Biên thành trung tâm khu vực Tây Bắc

09:20 - Thứ Bảy, 04/05/2024 Lượt xem: 6391 In bài viết

Đồng chí Lê Thành Đô      

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

ĐBP - Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” có ý nghĩa lịch sử to lớn, mang tầm thời đại sâu sắc, là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường, sức mạnh của khối đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Chiến thắng Điện Biên Phủ như là một mốc son chói lọi bằng vàng của lịch sử”. Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân xâm lược; mở ra giai đoạn cách mạng mới: Xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã đoàn kết, đồng lòng xây dựng cuộc sống mới ở khu vực vùng cao biên giới xa xôi phía Tây Bắc Tổ quốc ngày càng tươi đẹp hơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô kiểm tra công trình Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ. Ảnh: Hà Linh

Sau giải phóng, trong điều kiện với vô vàn khó khăn, thách thức bởi sự tàn phá nặng nề của chiến tranh, phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, cán bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã đoàn kết, đồng lòng khắc phục khó khăn, khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh, tích cực khai hoang phục hóa, phát triển sản xuất, ổn định và xây dựng cuộc sống mới. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược, quân dân Điện Biên vừa tích cực sản xuất vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, đóng góp nguồn lực to lớn cho chiến dịch giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ đổi mới, ý nghĩa và bài học lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ là động lực tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Điện Biên phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt là sau chia tách tỉnh (năm 2004) Điện Biên đã có bước phát triển vượt bậc với nhiều thành tựu, kết quả quan trọng, toàn diện: Kinh tế nhiều năm liền duy trì mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng; từng bước khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của tỉnh; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhất là hạ tầng kết nối giao thông. Đặc biệt với việc dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên sau khi hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng đã rút ngắn khoảng cách về địa lý giữa Điện Biên với các trung tâm kinh tế lớn của đất nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác trong cả nước và quốc tế, góp phần thu hút khách du lịch, nhà đầu tư, tạo động lực đột phá thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, các giá trị di tích lịch sử quốc gia Chiến trường Điện Biên Phủ được bảo tồn và phát huy; giảm nghèo, an sinh xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến hết năm 2023 về cơ bản tỉnh đã hoàn thành mục tiêu xóa được nhà tạm, nhà dột nát, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 25,68%, bình quân mỗi năm giảm trên 4%. Chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại không ngừng được tăng cường và mở rộng; hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, kiện toàn.

70 năm qua, Điện Biên vinh dự và tự hào là mảnh đất ghi dấu mốc son chói lọi bằng vàng với Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong thời gian tới tiếp tục phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ anh hùng, những thành tựu quan trọng đã đạt được trong 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Điện Biên không ngừng nỗ lực, cố gắng phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thách thức, quán triệt và thực hiện tốt mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Ưu tiên, tăng cường kêu gọi thu hút đầu tư, khai thác có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của tỉnh; phát triển văn hóa, xã hội toàn diện song song với phát triển kinh tế. Tập trung bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ; thực hiện hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, nhất là các chính sách đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Phấn đấu đến năm 2030, Điện Biên trở thành tỉnh có điều kiện kinh tế phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc; là trung tâm du lịch, dịch vụ của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, có năng suất và chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, gắn với phát triển du lịch, dịch vụ; kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong phát triển của tỉnh; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới, để Điện Biên trở thành “địa chỉ đỏ” là điểm đến hấp dẫn đối với du khách, nhà đầu tư trong và ngoài nước, là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau.

Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh Điện Biên xác định tư tưởng phát triển nhanh, vững chắc với bản sắc và giá trị lịch sử. Chiến lược phát triển tổng quát: “hạ tầng giao thông đi trước, liên kết phát triển, kiến tạo giá trị mới và đặc sắc” và tập trung phát triển có trọng điểm, dồn trọng tâm vào những ngành, lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh, bao gồm: Nông - lâm nghiệp; du lịch; xây dựng; thương mại - dịch vụ; công nghiệp. Trong đó lấy nông - lâm nghiệp là nền tảng; xây dựng là động lực; du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đó tỉnh Điện Biên quyết tâm thực hiện 3 đột phá phát triển là: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội và ứng dụng khoa học - công nghệ; đổi mới sáng tạo gắn với phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”. Đồng thời tập trung triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Tổ hợp trung tâm thương mại Vincom plaza và nhà ở thương mại shophouse tại TP. Điện Biên Phủ. Ảnh: Trần Dũng

Một là, tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng nông lâm sản hàng hóa chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương gắn với xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Tăng cường mời gọi, thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn, tiềm năng trong và ngoài nước nghiên cứu đầu tư, phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh theo chuỗi khép kín từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ, đặc biệt là phát triển cây mắc ca, gạo, dược liệu, cây ăn quả trên địa bàn.

Hai là, tập trung phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các phân khu đô thị, quy hoạch nông thôn mới, đặc biệt là quy hoạch chung TP. Điện Biên Phủ làm cơ sở để thu hút, mời gọi các nhà đầu tư đến với tỉnh. Tập trung huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực từ đất đai và các thành phần kinh tế để phát triển hệ thống đô thị đồng bộ, hiện đại, phấn đấu xây dựng TP. Điện Biên Phủ đạt tiêu chí đô thị loại II, TX. Mường Lay đạt tiêu chí đô thị loại IV và trung tâm thị trấn các huyện đạt tiêu chí đô thị loại V trở lên. Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn, nhất là các công trình hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, tạo động lực cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ba là, tiếp tục phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, dựa trên 3 trụ cột chính: Du lịch lịch sử, tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Đây là tiềm năng, thế mạnh quan trọng, khác biệt giúp Điện Biên có cơ hội trở thành trung tâm du lịch của vùng Tây Bắc; là điểm đến quan trọng, điểm kết nối phát triển du lịch giữa các tỉnh Bắc Lào, Bắc Thái Lan với các tỉnh Tây Bắc, miền Bắc Việt Nam và tỉnh Vân Nam Trung Quốc.

Bốn là, tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng hoàn thiện các cơ chế, chính sách thông thoáng, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kêu gọi thu hút các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế vào các ngành, lĩnh vực lợi thế, thế mạnh của tỉnh cho phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ số hóa để phát triển kinh tế số, chính quyền số, xã hội số.

Năm là, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; tập trung bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ; xây dựng và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc; thực hiện có hiệu quả các vấn đề an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và vùng khó khăn.

Sáu là, tiếp tục đổi mới căn bản giáo dục - đào tạo để nâng cao chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, gắn với sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực để nâng cao năng suất, chất lượng, đạt các tiêu chuẩn hướng tới mục tiêu xuất khẩu và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đảm bảo khống chế không để các loại dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn.

Bảy là, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện chính sách tuyển dụng, thu hút, đãi ngộ đối với nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại tỉnh. Gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Tám là, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh toàn diện; bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng chống các loại tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã lùi xa 70 năm nhưng ý nghĩa, giá trị lịch sử vẫn vẹn nguyên cho hôm nay và mai sau. Gìn giữ và phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng vừa là trách nhiệm vừa là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Điện Biên. Xác định tư tưởng phát triển xuyên suốt là: “Phát huy tiềm năng, phát triển nhanh, vững chắc với bản sắc và giá trị lịch sử”, tỉnh Điện Biên quyết tâm đưa tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ vào công cuộc xây dựng, phát triển ngày càng giàu đẹp, góp phần cụ thể hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 “Điện Biên nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước” theo Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị.

Bình luận

Tin khác

Back To Top