Vấn đề kỳ này

Cơ hội cải thiện sinh kế

08:25 - Thứ Năm, 09/05/2024 Lượt xem: 6501 In bài viết

ĐBP - Điện Biên có khoảng 70% diện tích tự nhiên là đất nông, lâm nghiệp và điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi phát triển các mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp trong đó có các loại cây dược liệu. Thực tế, tại một số huyện đã phát triển vùng trồng cây dược liệu song cần thêm sự hỗ trợ từ cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân trồng dược liệu dưới tán rừng, cải thiện sinh kế, bảo vệ rừng.

Cán bộ Đồn Biên phòng A Pa Chải hướng dẫn người dân xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé trồng cây sa nhân dưới tán rừng. Ảnh: Phạm Trung

Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại một số huyện: Tuần Giáo, Mường Nhé, Điện Biên, Nậm Pồ đã phát triển vùng trồng cây dược liệu với tổng diện tích ước đạt 1.250ha. Các loài cây dược liệu được trồng chủ yếu là sa nhân, sơn tra, thảo quả, tam thất, các loại sâm... Tuần Giáo là huyện có diện tích trồng cây dược liệu lớn nhất với tổng diện tích gần 495ha, tập trung tại xã Tênh Phông, Tỏa Tình. Trong đó, lớn nhất là 206ha sơn tra, 140ha sa nhân, trên 83ha thảo quả, 65ha ý dĩ, 15ha hoa hồi và 78.700 cây sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu đang trồng tại xã Tênh Phông.

Các loại cây dược liệu tập trung trồng tại xã Tênh Phông do địa bàn có độ cao 1.000 - 1.800m so với mực nước biển, điều kiện thổ nhưỡng phù hợp để trồng và phát triển cây dược liệu. Xã Tênh Phông có 2.105,5ha rừng tự nhiên với nền đất giàu mùn thuận lợi để trồng cây lâu năm và các loại dược liệu dưới tán rừng. Một số loại cây dược liệu như sa nhân, thảo quả, tam thất không mất nhiều công chăm sóc, trồng dưới tán rừng, có giá trị kinh tế cao, cải thiện sinh kế cho người dân. Vài năm gần đây, một số gia đình, doanh nghiệp đã đưa cây sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu trồng tại Tênh Phông bước đầu cho thấy sự thích nghi của loại cây dược liệu quý, khẳng định tính hiệu quả, khả thi về phát triển vùng dược liệu quý trên địa bàn xã Tênh Phông.

Công ty TNHH Giống Lâm nghiệp Tây Bắc và chính quyền địa phương kiểm tra diện tích sa nhân trồng tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên.

Ngoài cây chủ lực là lúa và ngô, những năm gần đây, huyện Điện Biên đã đưa vào trồng một số cây dược liệu là sa nhân và quế. Mô hình phát triển cây dược liệu dưới tán rừng tập trung tại 4 xã: Mường Pồn, Mường Lói, Pa Thơm, Phu Luông với diện tích khoảng 110ha (55ha sa nhân tím, 55ha quế). Cây sa nhân được trồng dưới tán rừng theo hình thức liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm để nâng cao thu nhập và đời sống của người dân vùng rừng. Tại bản Lĩnh và Mường Pồn 2, xã Mường Pồn trồng hơn 30ha sa nhân tím và sắp tới sẽ nhân rộng diện tích. Xã Mường Pồn có khí hậu nhiệt đới mát mẻ, độ ẩm cao, thuận lợi để phát triển nhiều cây dược liệu. Khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, xã Mường Pồn đang triển khai dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quả sa nhân tím với quy mô 11ha, 43 hộ tham gia với sự tham gia liên kết của Công ty TNHH Giống Lâm nghiệp Tây Bắc.

Việc phát triển cây dược liệu ở Điện Biên đã tạo sự thay đổi trong phát triển nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời, góp phần bảo tồn nguồn gen các loại cây thuốc quý và tạo ra vùng nguyên liệu bền vững cho y học cổ truyền. Thực tế, một số địa phương trên địa bàn tỉnh có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để phát triển cây dược liệu vừa bảo vệ rừng vừa chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị trên diện tích đất canh tác, cải thiện sinh kế cho người dân. Tuy nhiên, việc trồng và phát triển cây dược liệu ở các địa phương chủ yếu do doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư mua giống, phân bón; chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây dược liệu, tạo sự liên kết giữa trồng, chăm sóc, chế biến, thu mua sản phẩm từ cây dược liệu. Các mô hình trồng dược liệu chủ yếu quy mô nhỏ, sản lượng, số lượng loài dược liệu chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng cũng như tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trình độ, khả năng tiếp thu kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dược liệu của người dân không đồng đều đặc biệt với loại cây cần kỹ thuật chăm sóc như các loại sâm. Sản phẩm thu hoạch từ cây dược liệu chủ yếu bán thô, chưa qua chế biến nên giá trị thấp, chưa thu hút được đầu tư liên doanh, liên kết phát triển quy mô lớn.

Thảo quả trồng dưới tán rừng của người dân Tênh Phông, huyện Tuần Giáo phát triển tốt. Ảnh: CTV

Khai thác thế mạnh trồng dược liệu ở Tênh Phông, năm 2022 tỉnh đã ký thỏa thuận chiến lược về “Trồng, chế biến, chuyển giao công nghệ và phát triển cây sâm ở Điện Biên, chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá, thu hút đầu tư và hợp tác kinh doanh” với các hiệp hội, doanh nghiệp Hàn Quốc. Đây là kết quả trên cơ sở các doanh nghiệp Hàn Quốc đã có khảo sát thực tế tại Tênh Phông cho thấy điều kiện địa phương có thể trồng các loại sâm bao gồm sâm Hàn Quốc.

Mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng là giải pháp bảo vệ tài nguyên rừng hiệu quả, bảo tồn cây thuốc quý mở ra hướng phát triển sinh kế mới cho người dân. Để khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển vùng trồng dược liệu, tỉnh cần có khảo sát và xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân trồng các loại dược liệu theo vùng, có quy hoạch và có sự liên kết trong sơ chế, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, lựa chọn các loại cây dược liệu phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu từng địa phương để mang lại hiệu quả cao nhất.

Hà Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top