Cây dược liệu còn khó “đầu ra”

08:39 - Thứ Hai, 13/05/2024 Lượt xem: 5635 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, người dân trên địa bàn tỉnh đã nhân giống, mở rộng diện tích trồng một số loại cây dược liệu. Tuy nhiên, việc tìm đầu ra cho sản phẩm lại đang là bài toán khó.

Người dân xã Chung Chải, huyện Mường Nhé chăm sóc cây dổi xanh.

Với khoảng 70% diện tích đất tự nhiên là đất nông, lâm nghiệp và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, tỉnh Điện Biên có điều kiện thuận lợi để phát triển các loại cây dược liệu, như sa nhân, thảo quả, sâm Ngọc Linh, quế… Thời gian qua, một số huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Nhé và Nậm Pồ đã tận dụng các lợi thế để phát triển thành vùng trồng cây dược liệu. Bên cạnh việc phát triển theo kế hoạch, quy hoạch thì diện tích cây dược liệu tăng mạnh do người dân trồng tự phát.

Mường Nhé là một trong những huyện có diện tích cây sa nhân lớn (hơn 300ha) và được kỳ vọng giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Song phần lớn diện tích sa nhân do người dân trồng tự phát, sản phẩm chủ yếu bán cho thương lái nên giá bán bị phụ thuộc. Có năm giá cao, nhưng có vụ giá rất thấp, thậm chí thu hoạch không đủ tiền công nên nhiều người trồng còn không thu hoạch. Theo nhận định của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé, một phần nguyên nhân là do diện tích trồng sa nhân trên địa bàn huyện ngày càng tăng trong khi tiểu thương, doanh nghiệp thu mua hạn chế và phụ thuộc thị trường Trung Quốc.

Chị Hồ Thị Kía, bản Nậm Pố 2, xã Mường Nhé cho biết: Năm 2018, gia đình trồng hơn 5.000m2 cây sa nhân dưới tán rừng. Mấy vụ đầu trồng không đủ bán, giá rất cao, thương lái đến tận nhà mua. Nhưng từ khi dịch Covid-19 xảy ra đến nay, Trung Quốc dừng thu mua thì giá cả rất thấp, thậm chí không có người mua. Vụ thu hoạch năm 2022 - 2023, giá sa nhân quả tươi có 14 nghìn đồng/kg, trước đây 50 - 60 nghìn đồng/kg, nên gia đình tôi và nhiều hộ dân không thu hoạch.

Chị Hồ Thị Kía, bản Nậm Pố 2, xã Mường Nhé chăm sóc vườn cây sa nhân.

Huyện Tuần Giáo cũng có thế mạnh phát triển cây dược liệu. Hiện nay, tổng diện tích trồng cây dược liệu chính trên địa bàn huyện gần 498ha. Một số hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư trồng cây sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu và một số cây dược liệu có giá trị. Tuy nhiên, sản phẩm cây dược liệu chủ yếu tiêu thụ dưới dạng thô thông qua thương lái, các điểm thu mua nhỏ, lẻ; sau thu hoạch chủ yếu được người dân bán tươi, sấy thủ công.

Ông Giàng Chứ Phình, người dân xã Tỏa Tình, cho biết: Gia đình trồng cây sơn tra với mong muốn phát triển kinh tế gia đình. Cây sơn tra vướng mắc đầu ra, năm nào được giá thì mất mùa, còn năm được mùa sơn tra thì giá xuống thấp. Người dân sau khi thu hoạch chủ yếu đem xuống đường ngồi bán, được cân nào hay cân ấy. Gần đây, chính quyền huyện Tuần Giáo và xã Tỏa Tình đã vận động người dân và tạo điều kiện thành lập hợp tác xã để thu mua quả sơn tra khi người dân thu hoạch rồi chế biến thành nhiều sản phẩm khác, nhưng chưa như kỳ vọng.

Người dân xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo thu hoạch táo mèo.

Hiện nay, cây dược liệu có tại hầu hết các huyện trong tỉnh, với diện tích hơn 2.180ha; trong đó cây quế 1.021ha, sa nhân 849ha, sơn tra 208ha, thảo quả 95ha... Quy mô, diện tích trồng cây dược liệu chưa lớn; sản lượng, số lượng loài dược liệu đang gây trồng, phát triển trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng dược liệu cũng như tiềm năng, lợi thế về diện tích rừng và đất lâm nghiệp. Hệ thống cơ sở hạ tầng cho phát triển cây dược liệu như: Đường giao thông, hệ thống cấp điện, tưới tiêu, cơ sở nhân ươm giống, thu gom và chế biến sản phẩm còn hạn chế; chưa hình thành được vùng trồng dược liệu tập trung, quy mô lớn; nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp.

Bà Mai Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Đầu ra sản phẩm không ổn định, còn phụ thuộc vào thương lái thu mua để đưa về các tỉnh miền xuôi hoặc xuất sang thị trường Trung Quốc. Có năm thương lái thu mua rất nhiều, giá cao, không đủ sản phẩm để bán nhưng cũng có năm sản phẩm sơ chế ra không có người thu mua hoặc mua với giá rất thấp. Trong quá trình phát triển cây dược liệu, chưa hình thành được mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân để duy trì và phát triển diện tích dược liệu đã trồng; các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư chế biến bởi sản lượng dược liệu chưa đủ lớn, không ổn định. Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 cơ sở thu mua, chế biến lâm sản ngoài gỗ (sả Java, sơn tra, bách bộ, bảy lá một hoa, bình vôi...) với quy mô nhỏ.

Người dân thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa phát triển mô hình cây dược liệu cà gai leo.

Tỉnh Điện Biên đã xây dựng phương án phát triển vùng trồng dược liệu quý trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, sẽ phát triển vùng trồng cây dược liệu quý có quy mô, diện tích vùng dược liệu khoảng gần 4.000ha. Với mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị của cây dược liệu, từng bước tạo chuyển biến về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương từ canh tác, sản xuất nông nghiệp.

Giải pháp đầu ra cho cây dược liệu được tỉnh xác định là mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất dược liệu, để thúc đẩy dược liệu hàng hóa; khuyến khích hình thức liên kết sản xuất doanh nghiệp với người dân thông qua cầu nối là các hợp tác xã. Thu hút đầu tư chế biến sản phẩm, nhất là chế biến sâu, qua đó góp phần tiêu thụ sản phẩm cho người dân và nâng cao giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, quản lý chặt chẽ việc người dân trồng tự phát, không theo quy hoạch, kế hoạch, dẫn đến rủi ro và gặp khó khăn đầu ra sản phẩm.

Lãnh đạo huyện Tuần Giáo kiểm tra mô hình trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, việc phát triển cây dược liệu phải có quy hoạch chặt chẽ, không nên thực hiện đại trà mà phải phù hợp với đặc điểm, tiềm năng và lợi thế của từng địa phương, có lợi thế cạnh tranh trong sản xuất, tiêu thụ tránh tình trạng phát triển tràn lan, được mùa mất giá. Làm tốt công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Phát triển, hoàn thiện các sản phẩm dược liệu gắn với Đề án OCOP; phát triển dược liệu gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top