‘Hạ nhiệt’ giá vé máy bay: Giảm thuế, phí và tăng chính sách hỗ trợ

08:17 - Chủ Nhật, 19/05/2024 Lượt xem: 5466 In bài viết

Theo các doanh nghiệp, để “hạ nhiệt” giá vé máy bay, cần giảm thuế, phí liên quan đến hoạt động hàng không, cùng với đó là các chính sách hỗ trợ, chia sẻ từ phía các địa phương.

Các hãng bay đều thừa nhận giá vé có tăng, nhưng so với giá trần mà Chính phủ quy định thì không hề vượt, thậm chí còn dưới mức giá trần rất nhiều.

Giá vé máy bay tăng do chi phí tăng mạnh

Tại hội thảo "Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?", do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 17/5, ông Đặng Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, giá vé máy bay hiện tăng từ 15 - 20%. Tuy nhiên, mức tăng hiện nay còn rất xa so với mức giá trần mà nhà nước quy định. Giá vé hiện phổ biến chỉ đạt khoảng 76% so với giá vé quy định, có chặng chỉ bằng 43% so với quy định.

Theo ông Đặng Anh Tuấn, nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng trước tiên là do chi phí nhiên liệu, thiết bị bay tăng 76-77%. Các khoản chi phí này nằm ngoài tầm kiểm soát không chỉ riêng của Vietnam Airlines, mà cả các hãng hàng không khác.

Ví dụ, với xăng, so với năm 2019, mặt hàng giá xăng năm nay tăng 5.700 tỷ đồng và chi phí tỉ giá biến động tăng thêm 4.700 tỷ đồng. Tổng mức tăng do chi phí nhiên liệu lên tới khoảng 11.000 tỷ đồng. Khoản tăng này nằm ngoài tầm kiểm soát của Vietnam Airlines cũng như tất cả các hãng hàng không.

Ngoài ra, các xung đột địa chính trị, chuỗi cung ứng đứt gãy cũng khiến phát sinh nhiều vấn đề và chi phí cho các hãng. Cụ thể như trước đây, để sửa chữa bảo hành một chiếc máy bay mất khoảng 150 ngày thì hiện tại đến 200-300 ngày, thậm chí đến 1-1,5 năm. Thời gian bảo trì kéo dài khiến chi phí vận hành cũng tăng cao...

Tương tự Vietnam Airlines, đại diện Bamboo Airways, ông Trương Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc cũng thừa nhận, giá vé máy bay tăng nhưng so với giá trần mà Chính phủ quy định thì không hề vượt, thậm chí còn dưới mức giá trần rất nhiều.

Về nguyên nhân tăng, theo ông Cường, đầu tiên là chi phí thuê máy bay tăng. Chi phí thuê máy bay chiếm từ 55-60% tổng chi phí cấu thành giá vé tùy từng giai đoạn và tùy hãng hàng không.

Nhóm thứ 2 là chi phí theo quy định của Nhà nước, gồm thuế phí và các loại chi phí cho chuyến bay, cả thuế nhập khẩu xăng dầu, thuế VAT,... Ngoài ra còn có chi phí bảo dưỡng tàu bay, chi phí lao động…

Để giá vé không tăng quá cao, ông Cường cho biết, Bamboo Airways đang phải giảm đến 70% quỹ lương dành cho nhân viên, cán bộ. Tuy nhiên, cho dù các hãng hàng không có giảm lương, hay không trả lương thì cũng không giải quyết được vấn đề.

Cũng về vấn đề giá vé tăng cao hiện nay, với Vietjet, ông Nguyễn Bác Toán, Phó Tổng Giám đốc thương mại cho rằng có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do tình trạng thiếu tàu bay và linh kiện thay thế do chuỗi cung ứng bị đứt gãy sau dịch COVID-19.

Đặc biệt, vấn đề chi phí nhiên liệu hiện chiếm 40-50% chi phí vận hành của các hãng. Cùng với đó, áp lực thay thế nhiên liệu thân thiện môi trường, khi đến năm 2025 các hãng phải thực hiện theo các chỉ số thế giới về zero carbon, buộc các hãng phải thay đổi, làm chi phí tăng.

Làm sao để giá vé máy bay hợp lý?

Vậy làm sao để có được giá vé máy bay hợp lý? Theo ông Trương Việt Cường, quan trọng nhất cần có mức giá trần linh hoạt theo chi phí xăng dầu, giá cấu thành đầu vào chứ không nên cứng nhắc. Việc quy định giá trần hiện nay không phụ thuộc vào giá dầu, giá máy bay là bất cập.

Cùng với đó, ông Cường kiến nghị giảm 50% phí điều hành bay, điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để hỗ trợ các hãng trong giai đoạn khó khăn. Giải pháp để có giá vé máy bay rẻ khi bay đêm cũng cần có sự hỗ trợ về thuế phí nhiều hơn nữa…

Ngoài ra, các địa phương có nguồn thu lớn từ du lịch cũng nên có chính sách hỗ trợ cho du khách. "Đơn cử như chuyến bay đến Côn Đảo, nếu có sự chia sẻ của địa phương thì có lẽ chúng tôi đã không phải ngừng chuyến bay này. Thực tế, dù giá vé rất cao nhưng Bamboo Airways bay không có lãi vì chi phí quá lớn. Các địa phương có thể nghiên cứu chính sách hỗ trợ chi phí trực tiếp cho du khách, cho hành khách mua vé máy bay", ông Cường đề xuất.

Một trong những giải pháp quan trọng khác là quy trình điều hành ở cảng. Máy bay ngày càng hiện đại, công nghệ ngày càng cao, vận tốc bay nhanh hơn nhưng thực tế hiện nay thời gian bay lại không thể rút ngắn. Một số hãng hàng không phải bay chờ, hạ tầng sân bay cũng như mật độ khai thác quá cao ảnh hưởng rất lớn thời gian bay của các hãng. Nếu thời gian được rút ngắn thì các hãng hàng không có thể khai thác nhiều hơn, tăng doanh thu cao hơn, từ đó chi phí giảm xuống, hàng không cũng đỡ khó khăn hơn.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Lê Thị Tuyết Nhung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đã đề cập những loại thuế, phí liên quan đến vé máy bay.

Cụ thể, thuế, phí tính trên vé máy bay có nhiều khoản nhưng đều được quy định rõ ràng, minh bạch. Thứ nhất, đầu vào của giá vé có nhiên liệu với 2 khoản thu, đó là thuế bảo vệ môi trường, với mức giá sàn 1.000 đồng/lít (trước đây 3.000 đồng/lít). Thứ 2 là thuế nhập khẩu nhiên liệu bay, thuế suất 0-7% tùy vào nguồn nhập khẩu (ASEAN 0%, Trung Quốc 5%, thị trường khác 7%).

Khoản thứ ba cấu thành trong giá vé máy bay mà người tiêu dùng phải trả là thuế giá trị gia tăng. Trước đây, thuế giá trị gia tăng là 10%, nay chính sách chung của nhà nước giảm thuế cho dịch vụ, trong đó dịch vụ hàng không cũng được giảm 2%, còn 8%.

Và khoản thứ 4 là phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không. Theo quy định là 165.000 đồng/lượt/chuyến bay đối với dịch vụ đảm bảo hoạt động bay; 335.000 đồng/lượt dịch vụ kinh doanh cảng hàng không đối với mỗi chuyến bay, mỗi lần hạ cất cánh.

Trước kiến nghị giảm thuế suất của các hãng hàng không, đặc biệt thuế nhập khẩu nguyên liệu, bà Nhung cho rằng khi xem xét giảm thuế một mặt hàng nào đấy đều phải mổ xẻ những nội dung chi phí cấu thành trong giá đó, vé máy bay cũng vậy. Chính vì thế, Cục Quản lý giá sẽ lắng nghe, ghi nhận những kiến nghị của các hãng hàng không, các công ty du lịch… về thuế, phí, lệ phí để báo cáo với lãnh đạo Bộ Tài chính để rà soát tất cả các loại phí, lệ phí, cũng như các kiến nghị của các đơn vị để làm thế nào chúng ta có thể góp phần hạ nhiệt giá vé máy bay.

"Nhưng quan trọng hơn nữa là chúng ta đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng, với doanh nghiệp cũng như Nhà nước trong tổng thể nền kinh tế", bà Lê Thị Tuyết Nhung nói.

Về phía Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), ông Đào Hồng Cẩm, Cục phó Cục Hàng không  khẳng định, cả ngành hàng không từ các hãng bay đến cơ quan quản lý không thờ ơ với khách hàng, xã hội và sẽ tiếp tục ngồi lại với nhau để tìm cách tiếp tục "hạ nhiệt" giá vé máy bay.

Đại diện cơ quan quản lý hàng không thừa nhận, thời gian gần đây giá vé máy bay đã hình thành mặt bằng mới cao hơn khoảng 10% đến trên 20% so với thời điểm trước dịch COVID-19. Qua kiểm tra, giám sát, các hãng không có vi phạm trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước.

"Tuy nhiên, chúng tôi cũng xem xét ở cả góc độ mức giá vé có vượt quá sức chịu đựng của thị trường, khách hàng hay không? Ở góc độ này thì dải giá vé thấp vẫn chiếm từ 60 - 70% tổng số vé và mức giá ở mức đa số khách hàng có thể tiếp cận được. Sự bức xúc của khách hàng nằm ở phân khúc giá cao. Ở phân khúc này, mức chênh lệch còn tùy hãng và thời điểm bay, mang tính đặc thù cao", ông Cẩm cho biết.

Cũng theo ông Cẩm, Cục Hàng không và các hãng bay cũng sẽ tiếp tục ngồi lại với nhau để tìm cách giảm giá vé. Tuy nhiên, giá vé sẽ giảm như thế nào thì cần sự phối hợp, sự vào cuộc giữa các bên liên quan. Vấn đề không chỉ là giảm giá vé mà còn cần phải tiếp tục đảm bảo chất lượng dịch vụ và độ an toàn của các chuyến bay.

Bên cạnh đó, các hãng hàng không cần tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, công tác điều hành, năng lực nhân sự và năng suất lao động để tiết giảm chi phí. Làm sao đưa về mức phù hợp hơn với khả năng chi trả của đa số khách hàng.

Về kiến nghị của các hãng bay việc tăng slot bay, ông Cẩm cho biết, đây là vấn đề được Cục Hàng không quan tâm, nghiên cứu và sẽ thực hiện trong phạm vi mức độ phù hợp theo các tiêu chuẩn và quy định an toàn của ngành hàng không.

Đối với kiến nghị giảm phí xuống 50%, Cục hàng không ghi nhận và sẽ tiến hành nghiên cứu cụ thể xem khó khăn của các hãng hiện nay như thế nào, có nghiêm trọng như giai đoạn dịch COVID-19 hay không. Thời gian thực hiện việc giảm phí sẽ được thực hiện từ thời điểm nào, ngay trong năm 2024 hay thậm chí lùi về thời điểm năm 2023.

Đại diện Cục Hàng không nhận định, hiện giá vé máy bay đã "hạ nhiệt". Tuy nhiên, trong những dịp cao điểm nghỉ lễ sắp tới và nghỉ hè giá vé có tăng mạnh trở lại không là vấn đề được xã hội rất quan tâm. Để giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay, đồng lòng hợp sức từ phía các hãng hàng không cũng như các cơ quan quản lý nhà nước, vì sự phát triển bền vững của ngành hàng không.

Theo Chinhphu.vn
Bình luận
Back To Top