Nhiều sản phẩm OCOP hết hạn sử dụng nhãn hiệu

15:38 - Thứ Tư, 22/05/2024 Lượt xem: 4599 In bài viết

ĐBP - Sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay trên địa bàn tỉnh Điện Biên có nhiều sản phẩm đã hết hạn công nhận hạng sao và phải đăng ký lại. Thế nhưng, nhiều chủ thể không tham gia hoàn thiện hồ sơ đánh giá, công nhận lại sản phẩm hoặc tham gia nhưng không đạt yêu cầu. Vì vậy nhiều sản phẩm được công nhận lần đầu đến nay đã hết hiệu lực, giá trị OCOP.

Sản phẩm thịt lợn khô của Hợp tác xã Nông nghiệp CCO Điện Biên Đông đến nay chưa được công nhận lại.

Nhiều chủ thể không mặn mà

Theo quy định, giấy chứng nhận cho các sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 5 sao có giá trị 36 tháng kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền ban hành. Song vì nhiều lý do đến nay, nhiều chủ thể chưa làm thủ tục để đánh giá, công nhận lại.

Sản phẩm Chẳm chéo của Hợp tác xã M’Then (TP. Điện Biên Phủ) đã được công nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao từ cuối năm 2019, đến nay đã hết hiệu lực, nhưng chủ thể không nộp hồ sơ để xét công nhận lại.

Chị Vũ Thị Thủy, Giám đốc Hợp tác xã M’Then cho biết: “Thị trường tiêu thụ sản phẩm Chẳm chéo sau khi được công nhận sản phẩm OCOP so với trước khi được công nhận cũng không mở rộng và tăng về số lượng, nên sau khi hết thời hạn chứng nhận lần đầu, chúng tôi quyết định không hoàn thiện hồ sơ để công nhận lại. Do sản phẩm đã được nhiều người biết đến, nên dù không sử dụng logo OCOP thì đơn đặt hàng vẫn đều như trước”.

Sản phẩm bí xanh Tìa Dình sau khi được công nhận OCOP không phát huy được hiệu quả.

Tương tự, đối với Hợp tác xã Nông nghiệp CCO Điện Biên Đông có 4 sản phẩm được công nhận 3 sao từ năm 2019 (thịt lợn khô, khoai sọ Phì Nhừ, bí xanh Tìa Dình và lạc đỏ Na Son), nhưng sau khi hết thời gian chứng nhận lần đầu, hợp tác xã cũng không mặn mà tham gia đăng ký công nhận lại. Nguyên nhân là do sản xuất còn mang tính tự phát, manh mún, vùng nguyên liệu nhỏ, sản phẩm chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, sản phẩm sau khi được công nhận đạt sao cũng không mở rộng được thị trường tiêu thụ nên hợp tác xã không tham gia đăng ký công nhận lại.

Lý do không tham gia công nhận lại sản phẩm OCOP được các chủ thể đưa ra là hồ sơ, thủ tục mất khá nhiều công sức, thời gian và chi phí, trong khi việc được công nhận tiêu chuẩn OCOP 3 sao không mang lại sự đột phá nhiều cho sản phẩm. Vì thế, nhiều chủ thể không mặn mà với việc giữ hay nâng sao cho sản phẩm của mình.

Là chủ thể sản phẩm trà cây cao cổ thụ Tủa Chùa, ông Phan Trọng Nhất, Giám đốc Công ty TNHH Trà Phan Nhất cho biết: Các bước để công nhận lại do quy định mới yêu cầu các tiêu chuẩn cao hơn, tốn kém thời gian, chi phí. Bên cạnh đó, đối chiếu các tiêu chí, để đánh giá nâng hạng các sản phẩm lên 4 sao thì chưa đủ mà công nhận lại 3 sao thì đơn vị không muốn. Do đó, thay vì đánh giá lại các sản phẩm OCOP đã đến hạn, đơn vị đang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển những sản phẩm mới.

Sản phẩm trà cây cao cổ thụ Tủa Chùa của Công ty TNHH Trà Phan Nhất không nộp hồ sơ xét công nhận lại.

Tính đến tháng 4/2024, toàn tỉnh có 35 sản phẩm OCOP hết thời gian chứng nhận cần phải đăng ký lại (đều là sản phẩm 3 sao), nhưng chỉ có 16 sản phẩm được các chủ thể hoàn thiện hồ sơ công nhận lại (trong đó 13 sản phẩm được chứng nhận lại lần 2). Các sản phẩm còn lại chưa được các chủ thể hoàn thiện hồ sơ công nhận lại hoặc không được công nhận, như: Gạo Tám thơm Thiên Bản của Công ty TNHH thực phẩm Sefe Green; khoai sọ tím Tủa Chùa của Hợp tác xã H’Mông; trà cây cao cổ thụ Tủa Chùa của Công ty TNHH Trà Phan Nhất; cà phê túi nhúng SMILE SINGLE BAR COFFEE của Công ty TNHH Hải An…

Cần tháo gỡ khó khăn

Để không bị gián đoạn và đảm bảo quyền lợi cho các chủ thể khi tham gia Chương trình OCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thị xã và thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các chủ thể hoàn thiện hồ sơ sản phẩm để tham gia đánh giá phân hạng lại đối với các sản phẩm OCOP hết thời hạn chứng nhận. Trong đó, đối với chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP, cấp huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hỗ trợ trực tiếp cho các chủ thể hoàn thiện hồ sơ. Đối với chủ thể không tiếp tục tham giá đánh giá phân hạng lại làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục để các chủ thể tiếp tục tin tưởng tham gia.

Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP mới theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ có khá nhiều nội dung mới nên các địa phương cũng không dễ trong hướng dẫn các chủ thể làm hồ sơ, dẫn đến việc đánh giá, phân hạng sản phẩm của nhiều chủ thể trễ so với thời gian quy định.

Sản phẩm bánh Khẩu xén, Chí chọp của Hợp tác xã Hoa Ban Trắng đến nay chưa được công nhận lại OCOP.

Đặc biệt, để nâng hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao, các chủ thể phải đầu tư, cải tiến dây chuyền, quy trình sản xuất, đóng gói sản phẩm cũng như nâng cấp bao bì… mới đáp ứng đầy đủ điều kiện. Còn muốn nâng cấp từ 4 sao lên 5 sao, phải xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, sản xuất chuyên nghiệp, có hệ thống phân phối sản phẩm trên quy mô toàn quốc và có sản phẩm được thị trường thế giới chấp nhận. Trong khi, hầu hết các chủ thể trên địa bàn tỉnh khó đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe này. Vì vậy, vừa qua có 2 sản phẩm đạt 4 sao sau khi chứng nhận lại lần 2 bị hạ xuống 3 sao do chưa đáp ứng được các điều kiện.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh cho biết: Đối với các sản phẩm hết hạn, đơn vị phối hợp thông báo cho các chủ thể hoàn thiện hồ sơ đăng ký lại. Đồng thời, phối hợp với các huyện, sở ngành liên quan quan tâm hỗ trợ các chủ thể OCOP mở rộng quy mô sản xuất và vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn hạn chế, nên mới chỉ thực hiện nội dung hỗ trợ chi phí bao bì, in tem đối với các sản phẩm OCOP sau chứng nhận. Các nội dung phát triển quy mô, dây chuyền sản xuất, vùng nguyên liêu, thị trường… do chủ thể tự chủ động thực hiện.

Sản phẩm gạo tám thơm Thiên Bản (Công ty TNHH thực phẩm Sefe Green) không tham gia đánh giá, công nhận lại sau khi hết hạn.

Đối với các sản phẩm OCOP cấp tỉnh khi hết hạn nếu không được công nhận lại sẽ bị thu hồi chứng nhận, chủ thể không được sử dụng nhãn hiệu OCOP để in, dán trên bao bì đối với các sản phẩm khi lưu thông, tiêu thụ trên thị trường. Do đó, các chủ thể sản xuất cần chủ động lập hồ sơ đăng ký đánh giá, xếp hạng lại sản phẩm; nâng cao chất lượng, mẫu mã, uy tín của sản phẩm để tạo niềm tin với người tiêu dùng, chiếm lĩnh thị trường. Trong trường hợp chủ thể không tham gia đánh giá, công nhận lại cho sản phẩm, các cơ quan chuyên môn sẽ lập hồ sơ, hủy bỏ danh hiệu OCOP và xử lý nếu có hành vi lợi dụng danh hiệu OCOP để tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.

Công nhận sản phẩm OCOP cũng như đánh giá, công nhận lại theo bộ tiêu chí mới khó hơn, nhưng càng khó khăn càng đưa giá trị của sản phẩm OCOP lên tầm cao hơn. Vì vậy, việc chứng nhận OCOP không chỉ mang ý nghĩa là chứng nhận thương hiệu mà còn là sự đánh giá và công nhận chất lượng sản phẩm và chủ thể sản xuất ra sản phẩm đó.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top