Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường họp chợ cần xử lý nghiêm

11:30 - Chủ Nhật, 26/05/2024 Lượt xem: 6391 In bài viết

ĐBP - Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, họp chợ trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ vẫn thường xuyên diễn ra. Điều này không chỉ cản trở người đi bộ, gây mất trật tự an toàn giao thông mà còn làm mất mỹ quan đô thị.

Lực lượng chức năng nhắc nhở trường hợp buôn bán trên vỉa hè, đậu xe dưới lòng đường tại khu vực chợ Mường Thanh.

Lề đường, vỉa hè thành chợ

Chợ Mường Thanh là một trong những chợ ở vị trí trung tâm của TP. Điện Biên Phủ. Tại đây, hoạt động kinh doanh, mua bán diễn ra tấp nập. Đây cũng là khu vực có di tích lịch sử cầu Mường Thanh nên lượng khách du lịch đến tham quan, mua sắm rất đông. Điều đáng nói, dù đã được đầu tư xây dựng chợ, nhưng tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi họp chợ vẫn diễn ra thường xuyên; thậm chí hoạt động kinh doanh ở vỉa hè, long đường còn náo nhiệt hơn trong chợ.

Từ sáng sớm đến chiều tối hàng ngày, hàng trăm người kinh doanh, buôn bán đủ các mặt hàng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường. Thậm chí nhiều người chiếm dụng đất di tích lịch sử làm nơi buôn bán hàng hóa. Chưa kể, nhiều chiếc ô rất to được tiểu thương ngang nhiên dựng ở dưới đường để che nắng, che mưa, bất chấp sự nhắc nhở, xử lý của lực lượng chức năng.

Hàng hóa bày bán ngay vỉa hè, long đường và khách mua hàng đỗ xe máy, ô tô dưới lòng đường khiến giao thông đi lại khó khan và gây mất mĩ quan đô thị.

Bà Nguyễn Thị Hoa, người dân phường Mường Thanh cho biết: “Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại khu vực chợ Mường Thanh đã diễn ra từ rất lâu. Trong khi, đây là tuyến đường có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông rất đông, nhất là vào thời điểm tan tầm khiến việc đi lại khó khăn, nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn rất cao”.

Người dân chiếm dụng vỉa hè tuyến đường A1 - C4 (đoạn khu vực C4) làm nơi họp chợ.

Tại chợ C4 (khu chợ tạm) được hình thành từ lâu trên địa bàn phường Nam Thanh. Khu vực này không có vỉa hè nên người dân tận dụng không gian trước cửa nhà để kinh doanh, buôn bán các loại mặt hàng từ đồ ăn đến đồ gia dụng, quần áo... Một số hộ bày hàng hóa, dựng ô, che bạt ngay dưới lòng đường để kinh doanh.

Khoảng 2 năm gần đây, khi tuyến đường A1 - C4 hoàn thành, số lượng người họp chợ tại một đoạn trên tuyến đường này ngày càng đông hơn, nhất là vào buổi chiều. Đây là tuyến đường có mật độ giao thông cao, thường xuyên có xe tải phục vụ công trình chạy qua, nên nguy cơ mất an toàn giao thông rất lớn.

Nhiều người kinh doanh chia sẻ, dù biết bán hàng tại lòng đường, vỉa hè là sai quy định nhưng vẫn bày hàng để tiện phục vụ khách tiêu dùng.

Chị Lò Thị Tình, bán rau tại chợ C4 cho biết: “Mặc dù kinh doanh trên vỉa hè, lòng đường không đúng quy định và nguy hiểm, nhưng tại khu vực C4 chưa có chợ và vì cuộc sống mưu sinh nên người dân ngồi tạm vỉa hè để buôn bán”.

Tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi họp chợ diễn ra khá phổ biến tại một số nơi trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ như: Khu vực chợ Noong Bua; khu vực Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ; chợ xép đường Sùng Phái Sinh; chợ cạnh Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; chợ Him Lam…

Việc lấn chiếm hành lang giao thông để họp chợ đã là sai, nhưng nhiều người còn cơi nới, dựng thêm các mái che, mái vẩy, dựng ô, bạt lấn hết vỉa hè, long đường. Trong khi đó, người mua thường đậu xe dưới lòng đường mua hàng khiến tình hình trật tự an toàn giao thông tại các điểm này trở thành nỗi bức xúc với nhiều người.

Người dân lấn chiếm vỉa hè căng bạt, che ô, ảnh hưởng đến tầm nhìn, quan sát khi tham gia giao thông.

Khó xử lý dứt điểm

Có nhiều nguyên nhân, trước hết do hạ tầng tại một số chợ trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ chưa đáp ứng được nhu cầu kinh doanh buôn bán của người dân. Hơn nữa, người dân các địa phương khác cũng tập trung về các chợ tại TP. Điện Biên Phủ kinh doanh khiến số lượng người buôn bán tăng lên đột biến. Thêm vào đó thói quen mua hàng nhanh gọn, lười xuống xe vào chợ của một bộ phận người dân đã và đang vô tình tiếp tay cho người bán hàng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.

Thực tế, những năm qua, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đã nỗ lực tổ chức nhiều đợt ra quân giải tỏa hành lang an toàn giao thông, dẹp bỏ chợ cóc, chợ tự phát. Nhưng, sau mỗi đợt ra quân tình trạng lấn chiếm vỉa hè, long đường họp chợ “đâu lại vào đấy”. Hoặc, dẹp được chỗ này thì người dân di chuyển chỗ khác. Đơn cử, thời gian qua lực lượng chức năng làm mạnh tay khu vực chợ tạm bản Che Căn, phường Thanh Trường, thì người dân có xu hướng dịch chuyển xuống chợ C4 buôn bán.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định với các hành vi lấn sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa, làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông chiếm lòng lề đường có mức xử phạt rất cao (từ 2 - 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 - 6 triệu đồng đối với tổ chức). Thế nhưng các mức phạt nặng này lại không khả thi. Bởi đa số các trường hợp lấn chiếm đều là những người “buôn thúng, bán mẹt”, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Phần lớn những người này không có tài sản cố định nên chính quyền không có căn cứ để cưỡng chế, xử lý. Nhưng nếu chỉ thu hồi tang vật vi phạm là rổ rau, vài kilôgam trái cây như hiện nay thì chưa đủ tính răn đe.

Lực lượng chức năng yêu cầu người dân lấn chiếm vỉa hè tại chợ Trung tâm 1, TP. Điện Biên Phủ khôi phục hiện trạng ban đầu.

Ông Trần Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND phường Mường Thanh cho biết: “Thời gian qua, địa phương đã nhiều lần kiểm tra, xử lý khu vực chợ tự phát, nhưng vẫn không giải quyết được triệt để. Khi có lực lượng kiểm tra, những người buôn bán bỏ chạy, khi không có lực lượng chức năng, họ quay lại họp chợ. Từ đầu năm đến nay, phường đã phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý 37 trường hợp buôn bán hàng hóa trên vỉa hè, lòng đường, nhưng tình trạng vẫn tái diễn. Để giải quyết triệt để tình trạng này, phải chờ dự án xây dựng chợ và trung tâm thương mại Mường Thanh hoàn thành, đưa vào sử dụng”.

Từ đầu năm đến nay, Đội Quản lý trật tự đô thị TP. Điện Biên Phủ đã kiểm tra, lập biên bản 19 trường hợp; nhắc nhở 600 lượt hộ kinh doanh; yêu cầu 173 trường hợp ký cam kết không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán. Đồng thời, phối hợp với lực lượng chức năng xử phạt 39 trường hợp. Song, theo ông Nguyễn Kim Lân, Phó đội trưởng phụ trách Đội Quản lý trật tự đô thị TP. Điện Biên Phủ thì: “Đội đã triển khai rất nhiều giải pháp, nhất là xử lý nghiêm vi phạm, nhưng vi phạm liên quan đến việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè vẫn diễn ra”.

Lực lượng chức năng thu giữ tang vật vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.

Sự quá tải về hạ tầng, thiếu quy hoạch; sự thiếu ý thức của cả người bán và người mua; chế tài pháp luật chưa đủ sức răn đe… dẫn đến tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường kinh doanh, buôn bán diễn ra thường xuyên. Dù hầu hết người buôn bán đều nhận thức được hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường là sai quy định nhưng họ vẫn cố tình vi phạm.

Để giải quyết triệt tình trạng trên, bên cạnh xử lý nghiêm khắc những trường hợp cố tình vi phạm, hoàn thiện xây dựng hạ tầng chợ tập trung… thì cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, tạo thói quen vào chợ mua hàng cho người dân. Trong đó tập trung điều chỉnh thói quen dừng xe mua hàng ven đường theo kiểu “tiện thể” của nhiều người dân gồm cả cán bộ, công chức, viên chức.

 

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top