Để chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có “bước nhảy” ấn tượng

08:15 - Thứ Hai, 27/05/2024 Lượt xem: 4141 In bài viết

ĐBP - Với sự quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh; sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN), tỉnh Điện Biên đã có bước “nhảy vọt” trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023, áp sát tốp 30 toàn quốc - thứ hạng cao nhất của tỉnh từ trước tới nay. Kết quả PCI cho thấy đánh giá của cộng đồng DN đối với chất lượng điều hành kinh tế của Điện Biên đã được cải thiện mạnh mẽ; thể hiện sự nỗ lực của chính quyền địa phương trong cải thiện môi trường kinh doanh.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 79 DN thành lập mới với số vốn đăng ký 585,4 tỷ đồng; 46 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký, thông báo hoạt động. Lũy kế toàn tỉnh hiện có 1.315 DN với tổng số vốn đăng ký 32.600 tỷ đồng và 685 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký hoạt động tại địa phương. Các chính sách hỗ trợ phát triển DN vừa và nhỏ, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể tiếp tục được quan tâm, triển khai. Nhiều DN, nhà đầu tư đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện về thủ tục, đất đai để đầu tư, kinh doanh.

Công ty Cổ phần Liên Việt Mường Chà đang triển khai thực hiện dự án trồng cây mắc ca với diện tích hơn 9.000ha tại 4 xã: Huổi Mí, Ma Thì Hồ, Na Sang và Mường Mươn (huyện Mường Chà). Trong đó, 6.000ha Công ty được phép thuê đất để trồng cây mắc ca vùng lõi, còn lại hơn 3.000ha liên kết với các hộ dân của các hợp tác xã.

Trong quá trình triển khai dự án trên địa bàn huyện Mường Chà, Công ty Cổ phần Liên Việt Mường Chà luôn được chính quyền các cấp quan tâm và phối hợp chặt chẽ giải quyết khó khăn, vướng mắc tại cơ sở. Ban chỉ đạo phát triển cây mắc ca tỉnh thường xuyên họp định kỳ và lắng nghe những vướng mắc phát sinh của DN và có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Điển hình vừa qua công ty đã được các sở, ban, ngành tháo gỡ vấn đề sai lệch trong quy hoạch giữa các ngành với các huyện. Ngoài ra, tỉnh cũng tạo cơ chế cho phép đơn vị vừa làm các thủ tục hành chính và thủ tục về đất đai vừa trồng cây mắc ca. Đây là cơ chế mở lớn nhất mà DN đã được tạo điều kiện trong lĩnh vực này.

Công ty cổ phần BCG Energy (BCGE) là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, thành viên của Công ty Cổ phần Tập đoàn Bamboo Capital (BCG) - một trong những tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực điện năng lượng tái tạo, xây dựng, bất động sản và tài chính bảo hiểm. Hiện nay, Công ty đang đề xuất triển khai thực hiện dự án Nhà máy điện gió BCG Điện Biên 1 công suất 175MW với tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng. Công ty đã  được tỉnh tạo điều kiện thuận lợi trong việc khảo sát dự án, lập trạm đo gió và hướng dẫn cụ thể các văn bản liên quan.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 6 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký thực hiện trên 1.404 tỷ đồng. Luỹ kế có 216 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 48.160 tỷ đồng, một số dự án đã hoàn thành đầu tư đưa vào khai thác.

Tại hội nghị gặp mặt DN, nhà đầu tư thường kỳ quý II/2024 vừa được UBND tỉnh tổ chức ngày 25/5, nhiều DN, nhà đầu tư đánh giá hiện nay môi trường đầu tư kinh doanh tại tỉnh Điện Biên có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; quyết liệt khắc phục hạn chế, yếu kém trong cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Nhờ đó, xếp hạng PCI năm 2023 của tỉnh Điện Biên áp sát tốp 30 toàn quốc; chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2023 xếp thứ 20/63 tỉnh thành (tăng 2 bậc so với năm trước). Những kết quả nổi bật đó khẳng định sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, ngành tỉnh Điện Biên trong nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh.

Qua phân tích 10 chỉ số thành phần của tỉnh, có 8 chỉ số tăng điểm khá tốt so với năm 2022. Đối chiếu với điểm trung vị cả nước, tỉnh ta có 5/10 chỉ số đạt điểm số cao hơn trung vị (Gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai, Cạnh tranh bình đẳng, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự). Đặc biệt, có 2 chỉ số thành phần tăng rất mạnh là: Cạnh tranh bình đẳng và Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Đối với chỉ số Cạnh tranh bình đẳng, tỉnh Điện Biên đã tăng cường hơn tính minh bạch, công khai trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của tỉnh đối với cộng đồng DN. Cùng với đó, nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư của DN và người dân.

Với chỉ số Chính sách hỗ trợ DN để đạt được phải quan tâm vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động cho DN. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo cơ hội cho các DN tiếp cận thông tin về các lĩnh vực ưu tiên đầu tư, quảng bá sản phẩm của DN trên thị trường trong nước và quốc tế.

Chia sẻ về những nỗ lực cải thiện, nâng cao chỉ số PCI, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô cho biết: Ngay sau khi VCCI công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022, tỉnh Điện Biên nhận thức sâu sắc phải quyết tâm và quyết liệt hơn nữa trong vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tỉnh đã tổ chức hội nghị đánh giá, phân tích chuyên sâu về kết quả PCI của năm 2022, làm rõ hơn những nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan. Từ đó, ban hành chương trình hành động với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu trong việc cải thiện các điểm chỉ số thành phần thấp. Trong quá trình triển khai, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để đánh giá việc thực hiện của các cấp, các ngành. Ngoài ra, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với các DN và nhà đầu tư; cải thiện kết cấu hạ tầng, hoàn thiện thể chế pháp lý để tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh cho DN.

Để nâng cao hơn nữa các điểm số thành phần của chỉ số PCI, thời gian tới, tỉnh Điện Biên tiếp tục nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Tập trung chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; hỗ trợ giải phóng mặt bằng; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho DN, nhà đầu tư...

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top