Người dân Phiêng Ban phấn khởi vì mận được giá

09:01 - Thứ Hai, 27/05/2024 Lượt xem: 3313 In bài viết

ĐBP - Thời điểm này, những vườn mận ở thung lũng Phiêng Ban (xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ) bắt đầu vào vụ thu hoạch quả. Năm nay, năng suất giảm hơn các năm trước do thời điểm ra hoa gặp thời tiết bất lợi, tỷ lệ đậu quả không cao nhưng bù lại, mận năm nay được giá, thời điểm đầu vụ tăng gần gấp ba so với những năm trước. Người dân trồng mận phấn khởi vì có thu nhập cao.  

Năm nay, giá mận tăng cao gấp 2 – 3 lần so với vụ mận năm 2023.

Giá tăng cao

Cây mận hậu bén rễ đất Nà Tấu từ năm 1995. Những năm gần đây, người dân tiến hành chiết, ghép mở rộng diện tích mận lên 22ha mận kinh doanh, tập trung tại bản Phiêng Ban. Ở đây, hầu như hộ dân nào trong bản cũng trồng mận, hộ ít 30 – 40 gốc, hộ nhiều lên đến 100 gốc.
Khác với mọi năm, mận Nà Tấu thường rơi vào tình trạng “được mùa, rớt giá” nhưng năm nay năng suất mận giảm nhưng bù lại giá bán cao. Giá bán mận hậu Nà Tấu đầu vụ đạt 40.000 – 50.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần giá bán năm 2023 (đầu vụ 2023 đạt 10.000 – 15.000 đồng/kg). Vào chính vụ, giá bán vẫn duy trì ở mức từ 25.000 – 30.000 đồng/kg.

Năm 2018, chị Lù Thị Diên, bản Phiêng Ban (xã Nà Tấu) đã chuyển đổi một phần diện tích vườn sang trồng cây mận hậu. Nhờ trồng bằng phương pháp chiết cành nên chỉ sau 3 – 4 năm kiến thiết là vườn mận cho thu hoạch quả.

Chị Lù Thị Diên phấn khởi cho biết: Nhà tôi có khoảng 3.000m2 mận kinh doanh. Những năm trước, cây mận được mùa, sản lượng khoảng 5 tạ quả nhưng giá bán thấp, từ 5.000 – 10.000 đồng/kg, thu nhập đạt 3 – 5 triệu đồng/vụ. Mùa mận năm nay dự ước sản lượng cả vườn chỉ đạt 3 tạ quả nhưng gia bán cao 25.000 – 30.000 đồng/kg nên thu nhập tăng lên khoảng 12 – 15 triệu đồng.

Chị Lù Thị Diên, bản Phiêng Ban thu hoạch mận.

Tương tự, bà Lường Thị Biên, bản Phiêng Ban chia sẻ: Cây mận năm nay không sai quả nhưng giá bán cao hơn nhiều so với năm ngoái. Vườn mận gia đình tôi chín sớm, đầu vụ tôi bán với giá 40.000 – 50.000 đồng/kg. Thời điểm này, chính vụ thu hoạch, nhiều nhà bán nên giá mận giảm xuống còn 25.000 – 30.000 đồng/kg. Dự ước, vụ này gia đình tôi thu nhập khoảng hơn 20 triệu đồng.

Phiêng Ban có khí hậu mát lành, điều kiện thổ nhưỡng phù hợp nên cây mận hậu sinh trưởng và phát triển tốt, cho ra những quả mận nhiều phấn, róc hạt, to, giòn và ngọt. Bên cạnh đó, mận là cây trồng ít tốn công, ít chi phí chăm song nhưng lại cho thu hoạch ổn định, lâu dài. Nhờ những ưu điểm này, cây mận đã và đang trở thành cây trồng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân bản Phiêng Ban.

Những quả mạn đầy phấn, to, giòn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân Phiêng Ban.

Ông Lò Văn Toản, Chủ tịch UBND xã Nà Tấu cho biết: Những năm qua, cây mận hậu đã cho thấy sự phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và hiệu quả kinh tế cho người dân bản Phiêng Ban. Thời gian tới, UBND xã Nà Tấu sẽ tiến hành khảo sát và nhân rộng giống mận hậu ra một số bản lân cận bản Phiêng Ban, từng bước mở rộng diện tích, tạo vùng trồng tập trung và tiến tới xây dựng quả mận hậu trở thành sản phẩm đặc trưng của xã Nà Tấu.

Đa dạng hình thức bán hàng

Trước đây, trưng bày và bán mận dọc tuyến quốc lộ 279 là hình thức bán hàng duy nhất của người dân bản Phiêng Ban. Thế nhưng, vài vụ gần đây, chủ các vườn mận đã nắm bắt nhu cầu, xu hướng của khách hàng và ứng dụng công nghệ thông tin để bán hàng.

Người dân bán mận cho các chủ phương tiện lưu thông trên quốc lộ 279 đoạn qua bản Phiêng Ban.

Chị Quàng Thị Thăm, bản Phiêng Ban cho biết: Bán hàng 2 bên quốc lộ 279 đoạn qua bản Phiêng Ban vẫn là chính. Mỗi buổi sáng, các chủ vườn hái khoảng 10 – 20kg mận rồi bày bán cho người qua lại trên quốc lộ 279. Bình quân mỗi ngày mỗi chủ vườn bán được khoảng 10 – 20kg mận. Hôm nào đông khách, lượng mận bán ra có thể đạt 25 – 30kg. Bên cạnh đó, hiện nay các chủ vườn đã bán hàng qua mạng bằng cách chia sẻ những bài viết, hình ảnh, đoạn video giới thiệu về quả mận Nà Tấu lên Facebook, tiktok, zalo. Từ đó, khách hàng đặt hàng qua mạng hoặc tìm đến tận vườn để hái quả.

Các hình thức bán hàng qua mạng hoặc cho khách hái mận tại vườn mới được các chủ vườn áp dụng nên lượng khách mua hàng chưa đều như hình thức bán hàng truyền thống song số lượng mỗi lần giao dịch thường lớn hơn. Bình quân mỗi đoàn 3 – 4 người vào tận vườn hái mận thường lấy từ 20 – 30kg/lượt hái.

Để người dân hái mận tại vườn là hình thức bán hàng mới của các chủ vườn mận ở Phiêng Ban.

Chị Lù Thị Diên, bản Phiêng Ban cho biết: Cây mận tạo thu nhập cho người dân từ lúc cây nở hoa đến khi thu hoạch quả. Thời điểm nở hoa, có nhiều người, nhất là các bạn trẻ ở Trung tâm TP. Điện Biên Phủ tìm đến chụp ảnh, quay video với hoa mận trắng. Với mỗi lượt người vào vườn, chủ vườn thu phí từ 20.000 đồng. Đến mùa thu hoạch cũng vậy, những người có nhu cầu vào vườn chụp ảnh, hái mận xong, họ đều mua hết số mận họ hái được, trung bình khoảng 20 – 25kg/lượt; cũng có một số nhóm khách mua đến 40 – 50kg mận/lượt.

Đối với hình thức bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội, các chủ vườn mận ở Phiêng Ban cũng thường xuyên tiếp cận, học tập các chủ vườn mận lớn ở Mộc Châu (tỉnh Sơn La) như: Tạo Shop và livestream bán hàng qua facebook, tiktok; đăng tải các bài viết, hình ảnh trên các trang mạng xã hội… để tìm thị trường tiêu thụ. Các chủ vườn mận ở Phiêng Ban chia sẻ: Hình thức livestream bán hàng là hình thức bán hàng qua mạng tốt nhất hiện nay. Tuy nhiên, với điều kiện tiếp cận và làm chủ công nghệ của người dân còn rất hạn chế; vùng trồng nhỏ nên các chủ vườn chưa thể thực hiện được. Hiện nay, người dân chỉ áp dụng đăng tải các bài viết, hình ảnh vào các hội nhóm, fanpage trên mạng xã hội để bán hàng. Khi có người liên hệ đặt mua, chúng tôi đóng hàng gửi xe cho khách hàng. Với những hình thức bán hàng hiện tại đã đáp ứng tiêu thụ 100% sản phẩm mận ở Phiêng Ban.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top