Ngọt chát vị chè cổ thụ

14:16 - Thứ Sáu, 31/05/2024 Lượt xem: 5000 In bài viết

ĐBP - Tủa Chùa nổi tiếng với chè shan tuyết cổ thụ. Những năm gần đây, chè Tủa Chùa đã xây dựng được thương hiệu và dần chiếm lĩnh thị trường trong, ngoài tỉnh. Đời sống người dân trồng chè cũng được nâng lên, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho địa phương. Thế nhưng người dân trồng chè nơi đây cũng đang bấp bênh với thời tiết, giá cả như vị chát ngọt của chè shan tuyết.

Việc công nhận cây chè shan tuyết cổ thụ là cây di sản góp phần nâng cao thu nhập cho người dân xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa.

Năng suất, sản lượng giảm

Huyện Tủa Chùa có 595ha chè, trong đó khoảng 30ha chè shan tuyết cổ thụ, còn lại chè cây thấp được trồng chủ yếu trên địa bàn các xã: Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Tả Phìn, Sính Phình. Với đồng bào dân tộc Mông nơi đây thì chè shan tuyết cổ thụ luôn được coi là quà tặng quý hiếm mà thiên nhiên ban tặng. Nhờ có cây chè mà nhiều gia đình đã nuôi được con cháu ăn học, sắm sửa vật dụng, tiện nghi trong gia đình.

Tương tự một số mặt hàng nông sản khác, cây chè Tủa Chùa không tránh khỏi tình trạng được mùa mất giá và được giá thì lại mất mùa. Thông thường mỗi năm cây chè cho thu hoạch 3 - 4 vụ. Vụ đầu tiên vào khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4; vụ thứ 2 thu hoạch khoảng tháng 5, tháng 6; vụ thứ 3 vào tháng 8 và vụ cuối là tháng 10 - 11. Năm nay dù đang vào vụ thu hoạch nhưng người trồng chè lại không vui bởi nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng, phát triển của cây chè dẫn đến nhiều diện tích chè không ra búp, giảm năng suất, sản lượng.

Gia đình ông Hạng A Tòng, thôn Hấu Chua, xã Sín Chải là một trong những hộ có nhiều cây chè shan tuyết cổ thụ nhất trên địa bàn. Nhưng năm nay đầu vụ thời tiết nắng nóng kéo dài khiến cây chè không thể ra búp; một số cây có nguy cơ bị bệnh, cháy lá… Cùng thời điểm này năm ngoái, gia đình ông đã hái xong lứa thứ 2 nhưng giờ mới được 1 lứa, sản lượng giảm khá nhiều.

Vùng chè shan tuyết cổ thụ chủ yếu trên địa bàn xã Sín Chải.

Sín Chải là xã có diện tích chè nhiều nhất huyện với gần 50ha, trong đó có 3.132 cây chè shan tuyết cổ thụ. Theo ông Giàng A Tỉnh, Chủ tịch UBND xã Sín Chải, những năm qua xã xác định chè là cây kinh tế mũi nhọn để người dân phát triển kinh tế. Cây chè đã góp phần không nhỏ giúp người dân trên địa bàn xã có nguồn thu ổn định, thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, năm nay nắng nóng kéo dài đã làm nhiều diện tích chè bị ảnh hưởng, búp chè không lên được, nhất là chè cây cao. Đến nay đã bước vào đợt thu hoạch thứ hai, nhưng năng suất rất thấp, chỉ bằng một nửa so với năm trước. Thậm chí, một số diện tích chè đã xảy ra hiện tượng cháy sém những búp non.

Không chỉ ảnh hưởng đến người trồng chè, mà các cơ sở sản xuất chè cũng gặp nhiều khó khăn bởi không có nguồn nguyên liệu chế biến. Bà Nguyễn Mỹ Linh, Giám đốc Công ty TNHH Hương Linh, cho biết: Những năm trước, Công ty thu mua được khoảng 30 tấn chè búp tươi của người dân, năm nay mới mua được khoảng 6 tấn (tương đương chế biến được 1 tấn chè thương phẩm). Nắng nóng đã làm sản lượng thu mua chè búp của công ty năm nay giảm 2/3 so với năm 2023. Không có nguồn nguyên liệu, nhiều đơn đặt hàng phải hoãn lại đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của công ty.

Người dân thôn Hấu Chua, xã Sín Chải thu hoạch chè cây cao.

Theo cơ quan chức năng huyện Tủa Chùa, nắng nóng làm chậm thời gian thu hoạch chè so với mọi năm; đồng thời, làm giảm năng suất, sản lượng chè. Trung bình mỗi năm trước, toàn huyện thu được khoảng 102 tấn chè búp tươi, tương đương 17 tấn chè khô. Năm nay sản lượng chè búp tươi giảm nhiều. Từ đầu tháng 5 đến nay, trên địa bàn huyện xuất hiện vài đợt mưa rải rác nhưng lượng mưa tương đối nhỏ, phân bố không đều nên chưa giải quyết được tình trạng hạn hán cho vùng chè. Nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng thì sản lượng chè búp tiếp tục giảm.

Thương lái nước ngoài thâu tóm

Theo kinh nghiệm của người dân, chè ngon nhất là vụ 1 (vụ xuân) được thu hoạch vào cuối tháng 3 bởi thời tiết mát mẻ nên chất lượng được đánh giá tốt nhất. Thời điểm này, người trồng chè các xã Sín Chải, Tả Phìn, Tả Sìn Thàng, Sính Phình đã thu hoạch xong vụ 1 và bước vào thu hoạch vụ thứ 2, nhưng đã hết tháng 5, người dân mới thu hoạch được lứa búp thứ nhất, thậm chí có nơi chưa được thu hoạch. Nguyên nhân do thời tiết nắng nóng, cây chè không ra búp.

Đối với sản lượng chè búp người dân đã thu hái thì thương lái nước ngoài (Trung Quốc) mua hết và đẩy giá chè búp tươi lên gần 200.000 đồng/kg, trong khi những năm trước chỉ dao động từ 90.000 – 110.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay khi thu mua chè búp tươi. Giá chè cao đương nhiên người dân được hưởng lợi từ việc bán chè búp, tuy nhiên do nắng nóng nên sản lượng giảm, tỷ lệ chè bán ra ít, nên dù giá cao người trồng chè vẫn không có niềm vui trọn vẹn.

Giá thương lái nước ngoài thu mua cao, nhưng tiêu chuẩn chè và kỹ thuật thu hái lại không khắt khe, khiến nhiều người lo ngại ảnh hưởng đến sự phát triển của cây chè cổ thụ và năng suất chè các vụ tiếp theo sẽ bị giảm sút. Với các thương lái người Việt chỉ thu mua chè hái theo kiểu 1 búp non nhất kèm theo 2 lá liền kề phía dưới. Thế nhưng thương lái nước ngoài thu mua cả loại chè 1 búp và 5 - 6 lá liền kề, đồng thời vận động người dân thu hái cả 4 vụ, thậm chí khi chè ra hoa, các thương lái nước ngoài vẫn thu mua. Nếu khai thác theo hướng tận diệt như vậy sẽ ảnh hưởng đến năng suất của cây chè, thậm chí khiến cây chè lụi dần và chết.

Người dân Tủa Chùa sơ chế chè theo phương pháp thủ công.

Việc thương lái nước ngoài đẩy giá mua chè lên cao khiến một số cơ sở thu mua, chế biến trong huyện (Công ty Trà Phan Nhất, Công ty TNHH Hương Linh và một số cơ sở chế biến nhỏ) không thể cạnh tranh. Hiện tại cơ sở thu mua trong huyện cũng không có sản phẩm cung cấp cho đối tác là khách hàng quen thuộc.

Bà Nguyễn Mỹ Linh, Giám đốc Công ty TNHH Hương Linh cho biết: Người dân thì cứ cơ sở thu mua nào có giá cao sẽ bán chè cho cơ sở đó. Các thương lái nước ngoài đang thu mua với giá gần 200.000 đồng/kg chè búp tươi, với giá này các cơ sở trên địa bàn tỉnh không thể theo được. Trong khi những năm trước, mỗi năm Công ty cung cấp ra thị trường từ 4 - 5 tấn chè thương phẩm, tương đương với 24 - 30 tấn chè búp tươi. Song năm nay mới thu mua được khoảng 6 tấn búp tươi, chủ yếu là chè cây thấp. Do không thể cạnh tranh giá với thương lái nước ngoài nên hiện tại Công ty không có sản phẩm cung cấp cho khách hàng quen thuộc.

Chè được phơi nắng sau khi sơ chế.

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động mua bán, chế biến chè, đặc biệt là đối với thương lái nước ngoài. Tránh tình trạng thu mua theo kiểu tận diệt ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây chè và gây khó khăn cho các cơ sở chế biến trong tỉnh.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top