Tạo động lực phát triển kinh tế

09:02 - Thứ Tư, 05/06/2024 Lượt xem: 5977 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, từng bước điều chỉnh cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỉ trọng nông nghiệp, tăng tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ. Qua đó góp phần quan trọng khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nâng cao thu nhập của người dân.

Huyện Tủa Chùa khai thác, phát triển chợ đêm trên địa bàn thị trấn, thu hút đông đảo khách du lịch.

Tủa Chùa là huyện miền núi, cách trung tâm TP. Điện Biên Phủ khoảng 120km. Xa trung tâm tỉnh nhưng Tủa Chùa lại giáp với huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu), Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La) và giáp với 2 huyện nội tỉnh: Tuần Giáo, Mường Chà. Đây là tiềm năng để huyện khai thác, phát triển thương mại, dịch vụ gắn với du lịch. Những năm qua, UBND huyện đã huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cấp, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng thương mại, dịch vụ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương hàng hóa và phát triển dịch vụ, kinh doanh.

Để thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển, Đảng bộ huyện Tủa Chùa nhiệm kỳ 2020 - 2025 ban hành Nghị quyết về Phát triển đô thị thị trấn Tủa Chùa đến năm 2025. Trong đó, ưu tiên đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông nội thị; chợ, trung tâm thương mại kết hợp nhà ở. Rà soát quỹ đất, xây dựng kế hoạch đầu tư hạ tầng, thiết chế văn hóa, xã hội; hệ thống chiếu sáng công cộng; xây dựng các không gian công cộng, đô thị văn minh, thân thiện, an toàn.

Theo ông Hạng Xuân Thắng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tủa Chùa, những năm qua hoạt động thương mại, dịch vụ của huyện ngày càng phát triển đa dạng, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân. Với sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế, hoạt động đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở thương mại được quan tâm, phát triển đa dạng ngành hàng. Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng hàng hóa vận chuyển ước đạt 295.300 tấn (đạt 53,79%); hàng hóa luân chuyển ước đạt 13.694 nghìn tấn (đạt 55,59%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 379,9 tỷ đồng (đạt 57,34% kế hoạch giao).

Tại TP. Điện Biên Phủ, những năm gần đây hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển mạnh.

Những năm qua, thị trấn Điện Biên Đông (huyện Điện Biên Đông) chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng thương mại, dịch vụ nhằm thu hút nhà đầu tư, thúc đẩy các ngành nghề kinh doanh dịch vụ. Đồng thời, tạo mọi điều kiện phát triển thương mại, dịch vụ thông qua việc khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư xây dựng siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng bách hóa tổng hợp. Hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ, giới thiệu quảng bá sản phẩm địa phương được quan tâm.

Chị Lê Thị Mai, thị trấn Điện Biên Đông cho biết: Năm 2004, gia đình tôi mở dịch vụ ăn uống nhỏ, bình dân, phục vụ người trong huyện. Năm 2016, được sự quan tâm của các cấp, ngành, chính quyền thị trấn về cơ sở hạ tầng, đất đai, gia đình tôi mở rộng dịch vụ nhà hàng ăn uống; đồng thời, đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả với diện tích gần 1ha. Đến nay, mô hình kinh doanh, dịch vụ gia đình phát triển tốt; trung bình mỗi năm tổng thu nhập của gia đình hơn 1,4 tỷ đồng.

Giá trị thương mại, dịch vụ thị trấn Điện Biên Đông ngày càng tăng, góp phần nâng cao thu nhập người dân.

Ông Đinh Quang Bạo, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Điện Biên Đông, cho biết: Những năm qua, huyện tập trung thu hút các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư mở rộng ngành nghề kinh doanh, sản xuất, phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng và sức cạnh tranh. Huyện đã tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, mặt bằng… để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ. Nhờ vậy, thời gian qua, hoạt động thương mại, dịch vụ ở thị trấn Điện Biên Đông đã tăng về số lượng và chất lượng.

Đến nay, thị trấn Điện Biên Đông có 1 khu vui chơi giải trí và 257 hộ sản xuất kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ (134 hộ bán hàng tạp hóa; 25 nhà nghỉ, nhà trọ; 22 cơ sở dịch vụ ăn uống; 8 cơ sở may mặc; 9 cơ sở cắt tóc, làm đẹp; 7 hộ mở dịch vụ xay sát; 52 dịch vụ khác) tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Giá trị ngành thương mại, dịch vụ từ đầu năm đến nay của thị trấn ước đạt gần 20,3 tỷ đồng, tăng gần 1,6% so với cùng kỳ; bảo đảm cung ứng kịp thời cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp. Thương mại, dịch vụ trên địa bàn thị trấn Điện Biên Đông phát triển đã tạo bước chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu lao động, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.

Những năm qua, huyện Tuần Giáo khai thác thế mạnh cửa ngõ của tỉnh để thu hút, phát triển thương mại, dịch vụ.

Hiện nay, toàn tỉnh có 7 đô thị; trong đó có 1 đô thị loại III (TP. Điện Biên Phủ), 1 đô thị loại IV (TX. Mường Lay) và 5 đô thị loại V (thị trấn các huyện: Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên Đông và Mường Chà). Hoạt động thương mại, dịch vụ sôi động, với nhiều sự kiện diễn ra, như: Khai mạc Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024, Lễ hội Hoa Ban năm 2024... đã thu hút đồng đảo lượng khách du lịch đến với Điện Biên. Tính riêng quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 15,63% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 17,14% so với cùng kỳ năm trước…

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định từng vùng lợi thế, như: Vùng kinh tế I (vùng kinh tế động lực) và vùng kinh tế III, bao gồm: TP. Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Nậm Pồ… là vùng động lực phát triển đa dạng các lĩnh vực, trong đó chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ. Trên cơ sở đó, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị; ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại và nâng cấp chợ truyền thống, tạo cú hích cho kinh tế - xã hội phát triển.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top