Vấn đề kỳ này

Đồng bộ các giải pháp tăng thu ngân sách

16:42 - Thứ Ba, 11/06/2024 Lượt xem: 5230 In bài viết

ĐBP - Đánh giá cho thấy, năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh vẫn đạt 7,1%, đạt khá cao so với bình quân chung cả nước (khoảng 5%), xếp thứ 4/14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 1.571 tỷ đồng, là năm thứ 3 liên tiếp đạt số thu ngân sách trên 1.500 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng.

Là năm “nước rút” thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, do vậy, tỉnh đặt mục tiêu thu ngân sách năm 2024 là 1.924 tỷ đồng. Hết quý I/2024, số thu đạt 347,02 tỷ đồng, đạt 18,3% dự toán. So với cùng kỳ năm 2023, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt rất thấp.

Nguyên nhân là do hậu Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, chậm phục hồi. Giải ngân vốn đầu tư công, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia… giải ngân chậm; các dự án đô thị, khu thương mại dịch vụ chậm triển khai; các khu đất bố trí bán đấu giá thực hiện không đạt như mong muốn, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chậm nộp thuế.

Không riêng Điện Biên mà nguồn thu ngân sách cả nước trong quý I/2024 cũng đạt thấp. Chính vì vậy, ngày 22/5/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 5258/BTC-TCT về việc phối hợp chỉ đạo trong công tác quản lý thuế.

Nhận định của Bộ Tài chính, năm 2024 là năm tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi chịu tác động đan xen nhiều mặt như: biến động nhanh và khó lường về kinh tế, chính trị, quân sự trên thế giới. Thiên tai, dịch bệnh khó dự báo trước; số nợ dự báo tại nhiều địa phương trong những tháng đầu năm 2024 có xu hướng tăng cao (đặt biệt các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất). Việc tuân thủ trong quản lý, sử dụng hoá đơn điện từ chưa cao…

Một lượng lớn tiền thuế dùng để tái đầu tư các công trình, dự án phục vụ lợi ích nhân dân; đảm bảo an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo... Càng hiệu quả hơn đối với những tỉnh nghèo, khó khăn, phần lớn ngân sách do Trung ương hỗ trợ như Điện Biên. Việc thu ngân sách thấp, các khoản thuế, phí… bị nợ đọng kéo dài gây khó khăn cho tỉnh trong cân đối nguồn vốn để tái đầu tư các chương trình, dự án quan trọng, cấp bách, có yếu tố dẫn dắt nền kinh tế.

Do vậy, để tăng thu ngân sách, minh bạch các khoản thu đảm bảo dự toán, đúng theo kế hoạch; thu đúng, thu đủ các sắc thuế, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm kế hoạch, thời gian nộp thuế. Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí công khai số tiền thuế các tổ chức, cá nhân còn nợ, nhất là những tổ chức, cá nhân nợ nhiều, nợ lâu. Gần đây, Báo Điện Biên Phủ đã phối hợp tốt với Cục Thuế tỉnh công khai các cá nhân, đơn vị nợ thuế; các khoản thuế khó đòi... Tuyên truyền rộng rãi hơn nữa lợi ích của việc sử dụng hoá đơn điện tử, hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và tạo điều kiện thuận lợi cho người mua hàng lấy hoá đơn điện tử một cách thuận tiện nhất.

Minh bạch các khoản thu nhằm tăng thu ngân sách cho Nhà nước, cần động viên, yêu cầu các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký triển khai áp dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực như: nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống, kinh doanh vận tải hành khách đường bộ, xăng dầu, kinh doanh vàng bạc, các trung tâm thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí… theo chỉ đạo của Chính phủ.

Một mặt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký áp dụng hoá đơn điện tử trong các lĩnh vực kinh doanh, đảm bảo 100% giao dịch được ghi nhận và xuất hoá đơn điện tử đầy đủ theo đúng quy định. Thực tế, nhiều cửa hàng, doanh nghiệp, nhất là tại một số điểm kinh doanh xăng dầu, khi khách hàng là người dân mua xăng dầu vẫn không xuất hoá đơn điện tử theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế, quản lý thuế, tránh chính sách, quy định ban hành nhưng do thực hiện không nghiêm, không triệt để dẫn đến “nhờn luật”.

Cùng với đó là rà soát, phân loại đối tượng nộp thuế có nợ thuế lớn trên địa bàn để xác định biện pháp, giải pháp cụ thể thực hiện thu hồi nợ đọng thuế (kể cả giải pháp cưỡng chế nợ thuế), đặc biệt đối với các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dây dưa kéo dài; không để phát sinh nợ đọng thuế mới.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top