Cần đầu tư phát triển chế biến nông sản

08:15 - Thứ Tư, 19/06/2024 Lượt xem: 5529 In bài viết

ĐBP - Nhằm nâng cao chất lượng, giá trị, tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản, những năm qua tỉnh ta đã nỗ lực triển khai các giải pháp. Tuy nhiên, lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản, nhất là chế biến sâu còn nhiều hạn chế.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc với huyện Mường Nhé về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Thúc đẩy chế biến nông sản

Điện Biên có tiềm năng về sản xuất nông nghiệp cũng như phát triển công nghiệp chế biến với diện tích đất nông nghiệp lớn, đa dạng sản phẩm nông nghiệp. Trung bình hàng năm, tổng diện tích cây lương thực hơn 80.039ha, sản lượng đạt gần 286.000 tấn; hơn 3.600ha cây ăn quả, sản lượng đạt gần 22.600 tấn; sản lượng cà phê nhân, cao su gần 10.000 tấn… Tổng đàn gia súc, gia cầm hơn 5,3 triệu con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 25.237 tấn; gần 4.800 tấn thủy sản. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để phục vụ, phát triển ngành công nghiệp chế biến.

Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh từng bước sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung, ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh chế biến, kết nối tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. UBND tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn, chính quyền cấp huyện thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 30 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có một số đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực chế biến như: Công ty TNHH Trà Phan Nhất, Công ty TNHH Hương Linh Điện Biên chế biến chè; Công ty TNHH Cà phê Hải An chế biến cà phê; Công ty TNHH Giống nông nghiệp Trường Hương chế biến gạo; Nhà máy chế biến mủ Cao su Điện Biên (đang thi công).

Người dân Tủa Chùa thu hoạch chè cây cao bán cho Công ty TNHH Hương Linh Điện Biên chế biến chè.

Ngoài ra, một số cơ sở nhỏ sơ chế gạo, như: HTX Dịch vụ và Tổng hợp Thanh Yên… Đến nay toàn tỉnh có 1.847 cơ sở chế biến. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp được hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, như: Công ty TNHH MTV Phúc Sơn được hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến quả mắc ca; Công ty TNHH Cà phê Hải An được hỗ trợ máy móc chế biến cà phê; HTX Mường Then được hỗ trợ dây chuyền sản xuất, chế biến gạo…

Không chỉ hỗ trợ máy móc, thiết bị cho các doanh nghiệp, tỉnh chú trọng hỗ trợ các dự án liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh có 125 dự án được hỗ trợ, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt so với sản xuất truyền thống. Ví dụ, trồng rau an toàn lợi nhuận tăng từ 30 - 35 triệu đồng/ha; liên kết sản xuất lúa theo cánh đồng một giống, áp dụng cơ giới hóa lợi nhuận tăng từ 15 - 20 triệu đồng/ha. Thông qua liên kết góp phần thay đổi phương thức, tổ chức sản xuất của người dân.

Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nên mặt hàng nông sản dồi dào và đa dạng hơn, ngành công nghiệp chế biến nông sản được chú ý phát triển, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Năm 2023, tổng giá trị sản phẩm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 2.432,4 tỷ đồng, tăng 3,01% so với năm 2022; quý I/2024 đạt hơn 306 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.

Chế biến sâu còn hạn chế

Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp chế biến nông sản, nhất là chế biến sâu của tỉnh còn không ít khó khăn, thách thức. Số lượng cơ sở chế biến nông sản nhiều nhưng phần lớn quy mô nhỏ lẻ, manh mún; công nghệ chủ yếu là thủ công và bán tự động. Năng lực chế biến của một số ngành hàng chưa đáp ứng nhu cầu; chưa có các tập đoàn lớn nghiên cứu, đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản tại địa phương.

Dù lợi thế vùng sản xuất lúa lớn, nhưng công nghiệp chế biến sâu trong lĩnh vực này của tỉnh còn hạn chế.

Hiện trên địa bàn tỉnh có một số cơ sở chế biến sâu, như: Công ty Trà Phan Nhất và Công ty TNHH Hương Linh Điện Biên chế biến chè; Công ty TNHH Cà phê Hải An chế biến cà phê… tuy nhiên còn ở quy mô nhỏ. Còn lại hầu hết là các cơ sở chế biến thô. Điển hình, hiện nay toàn tỉnh có hơn 3.600ha cây ăn quả, với sản lượng đạt gần 22.600 tấn, song trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy sơ chế, chế biến. Mỗi khi đến vụ thu hoạch, trái cây chủ yếu được bán cho các thương lái và bán ra thị trường trong tỉnh.

Bên cạnh việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế, thì vấn đề khó nhất của các doanh nghiệp chế biến nông sản nói chung là thiếu vốn. Doanh nghiệp không đủ tiềm lực đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, đồng bộ, vấn đề mở rộng sản xuất vì thế cũng gặp khó khăn. Mặc dù, Chính phủ và tỉnh có chính sách hỗ trợ tín dụng nhưng đến nay các doanh nghiệp rất khó tiếp cận do còn nhiều trở ngại về thủ tục và đối tượng cho vay.

Hầu hết các sản phẩm nông nghiệp tỉnh chủ yếu xuất bán thô. Trong ảnh: Hiện nay, mủ cao su đang phải vận chuyển đi các tỉnh thành phố khác để sơ chế, do chưa có nhà máy chế biến.

Việc tích tụ đất đai, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung là điểm nghẽn lớn trong thu hút đầu tư. Bởi vì công nghiệp chế biến nông sản đầu tư quy mô lớn cần có vùng nguyên liệu sản xuất đồng bộ, ổn định. Trong khi hầu hết vùng sản xuất của tỉnh còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành được vùng sản xuất hàng hóa đủ lớn để thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến.

Hiện nay, tỷ lệ áp dụng công nghệ trong khâu chế biến mới đạt 15%. Dư địa tăng trưởng giá trị nông sản trên địa bàn tỉnh còn nhiều nhưng chưa được khai thác hiệu quả thông qua chế biến sâu. Để đẩy mạnh phát triển, cần các giải pháp đồng bộ từ cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển khoa học công nghệ, đến đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Cùng với đó là đầu tư xây dựng vùng nông sản đảm bảo về sản lượng, chất lượng và chủng loại để đáp ứng nhu cầu chế biến sâu.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top