Hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu nông sản

07:50 - Chủ Nhật, 23/06/2024 Lượt xem: 4052 In bài viết

Xuất khẩu nông sản tiếp tục cho thấy là lĩnh vực thế mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cũng như khẳng định thương hiệu các loại nông sản của nước ta trên thị trường quốc tế.

Thông tin đáng mừng là từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế khi duy trì được đà tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, xuất khẩu nông sản đóng góp vai trò quan trọng và cho thấy sự phát triển bền vững. Theo đó, trong 5 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 24 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Hầu hết các mặt hàng chủ lực của nước ta như gạo, rau quả, cà phê đều có kết quả xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ. Mặc dù phải ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu, nhưng ngành Nông nghiệp đã chủ động dự báo chính xác và có giải pháp kịp thời để bảo đảm sản lượng, chất lượng nông sản. Một trong những nhóm hàng xuất khẩu ấn tượng 5 tháng qua là gỗ và các sản phẩm gỗ khi mang về hơn 6 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu tiêu dùng tại nhiều thị trường lớn phục hồi, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 8, thậm chí có doanh nghiệp đã nhận đơn đến tháng 12 năm nay. Đáng chú ý, nhờ sự chủ động của ngành Nông nghiệp trong việc khai thác tín hiệu thị trường, giá xuất khẩu bình quân của nhiều mặt hàng nông sản tăng từ 20% đến 50%.

Thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, các bộ, ngành địa phương, đặc biệt là ngành Nông nghiệp cần triển khai các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản theo hình thức chính ngạch, đa dạng hóa các phương thức vận tải hàng nông sản xuất khẩu (đường bộ, đường biển, đường sắt, hàng không…). Cùng với đó, ngành Nông nghiệp tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong đàm phán thúc đẩy mở cửa thị trường, nhất là thị trường chính ngạch, tháo gỡ rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu nông sản; tập trung đẩy nhanh tiến độ đàm phán về quản lý chất lượng để tăng các loại trái cây được chính thức xuất khẩu vào các thị trường truyền thống cũng như thị trường mới…

Đặc biệt, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương khẩn trương xây dựng, phát triển các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung với quy mô phù hợp, bảo đảm đáp ứng các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Đồng thời, ngành Xây dựng, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về sản xuất, sản phẩm nông sản thuộc phạm vi quản lý; tổ chức xây dựng và triển khai chỉ dẫn địa lý về nông, lâm, thủy sản; cùng thực hiện có hiệu quả các giải pháp đăng ký bảo hộ thương hiệu cho các nông sản chủ lực của Việt Nam, ứng dụng giải pháp công nghệ trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ; hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu nông sản trong nước và trên thị trường quốc tế.

Ở góc độ địa phương, các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với ngành chức năng cung cấp thông tin, hỗ trợ người dân, các hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, bảo đảm đáp ứng các quy trình, quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vận chuyển, truy xuất nguồn gốc để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch; xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kho bãi, vận chuyển... phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của địa phương theo quy hoạch. Đặc biệt, các địa phương cần ưu tiên bố trí, huy động các nguồn lực hợp pháp để đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại biên giới đồng bộ theo quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới.

Năm 2024, ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 55 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng GDP 3,5%. Bước chạy đà của những tháng đầu năm 2024 là tín hiệu tích cực, cho thấy sự nỗ lực của toàn ngành trên chặng đường hiện thực hóa mục tiêu.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top