Đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước

08:41 - Thứ Tư, 26/06/2024 Lượt xem: 2095 In bài viết

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ, ngành xin ý kiến về dự thảo nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Bộ Tài chính cho rằng, việc tiếp tục giảm lệ phí trước bạ (LPTB) đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là một trong những giải pháp cần thiết để kích thích tiêu dùng, tạo đà phục hồi tăng trưởng cho ngành công nghiệp ô tô trong nước.

Tại dự thảo, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định mức thu LPTB bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15-1-2022 của Chính phủ quy định về LPTB và các nghị quyết hiện hành của hội đồng nhân dân hoặc quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu LPTB tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Dự kiến, nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-8-2024 đến hết ngày 31-1-2025.

Từ ngày 1-2-2025 trở đi, mức thu LPTB tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, tại thời điểm năm 2020 và năm 2022, số giảm thu ngân sách nhà nước về LPTB khoảng 5.238 tỷ đồng, số tăng thu ngân sách nhà nước về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng khoảng 5.200 tỷ đồng.

Giai đoạn hiện nay, việc tăng thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng có thể sẽ không đủ để bù đắp cho việc giảm LPTB. Dự kiến, việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước về LPTB bình quân khoảng 867 tỷ đồng/tháng (tương đương mức giảm theo Nghị định số 41/2023/NĐ-CP).

Ngoài ra, việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể tác động đến cân đối thu ngân sách nhà nước của các địa phương. Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, khoản thu LPTB thuộc ngân sách địa phương.

Việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô, sản xuất lắp ráp trong nước khả năng sẽ làm tăng số lượng xe ô tô tiêu thụ và đăng ký.

Tuy nhiên, số thu thực tế từ thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng chỉ tập trung ở 8 địa phương, nơi có các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, còn các địa phương khác đều giảm thu ngân sách địa phương từ chính sách này. Do đó, địa phương đã có yêu cầu ngân sách trung ương cấp bù khoản hụt thu này để bảo đảm cân đối ngân sách địa phương.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top