Hỗ trợ xuất khẩu trực tuyến bứt tốc

08:18 - Thứ Ba, 02/07/2024 Lượt xem: 4516 In bài viết

Trong bối cảnh xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cùng cộng đồng doanh nghiệp đang tập trung thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới.

Thông qua việc hỗ trợ từ chính sách, định hướng tới các công cụ, giải pháp, cơ quan chức năng kỳ vọng doanh nghiệp Việt Nam bắt nhịp chuyển đổi số, phát triển bền vững trên thị trường toàn cầu.

Doanh nghiệp và đại diện sàn thương mại điện tử Amazon trao đổi cách thức đưa hàng Việt Nam ra thế giới thông qua thương mại điện tử. Ảnh: Thư Hà

Nhiều doanh nghiệp đạt doanh thu trên 1 triệu USD/năm

Thống kê của Amazon Global Selling Việt Nam cho thấy, giai đoạn 2022-2025, thương mại điện tử xuyên biên giới đạt tốc độ tăng trưởng gấp 2,3 lần so với thương mại điện tử thông thường. Dự báo giai đoạn 2021-2026, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử xuyên biên tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á đạt trung bình 20%/năm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng phạm vi kinh doanh quốc tế với số lượng sản phẩm xuất khẩu và bán ra trên Amazon tăng tới 300% trong 5 năm qua. Cũng trong thời gian này, có hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam xuất khẩu thông qua Amazon, nhiều doanh nghiệp đạt doanh thu hằng năm trên 1 triệu USD, tăng gần gấp 10 lần.

Còn theo báo cáo “Người bán hàng địa phương, Khách tiêu dùng toàn cầu: Xu hướng xuất khẩu thương mại điện tử tại Việt Nam 2022” của Hãng tư vấn Access Partnership (Anh) giá trị xuất khẩu thương mại điện tử B2C (tức là giao dịch thương mại giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng cuối cùng) của Việt Nam dự kiến đạt 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027.

Trên thực tế, mặc dù thương mại điện tử đóng vai trò không thể thiếu trong chiến lược phát triển xuất khẩu, giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường quốc tế nhanh chóng, hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Bùi Trung Kiên cho rằng, phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ với đặc thù chuyên sản xuất nên nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được các hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới. Đó là chưa kể những hạn chế trong thiết kế mẫu mã, rào cản ngôn ngữ, thiếu nhân lực chất lượng và những tiêu chuẩn kỹ thuật, sản xuất xanh rất khắt khe…

Chung tay hỗ trợ doanh nghiệp

Tập trung phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới là một trong những nội dung quan trọng được Chính phủ quan tâm trên hành trình thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam.

Từ góc độ cơ quan quản lý, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhấn mạnh: “Việc mở rộng thị trường không chỉ bằng các hình thức truyền thống như tham dự hội chợ, triển lãm, kết nối giao thương mà có thể phát triển thị trường thông qua nền tảng trực tuyến và các nền tảng số, bên cạnh đó là phát triển logistics hỗ trợ cho xuất nhập khẩu”.

Tại Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19-4-2022 về Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, đã mở rộng lộ trình xuất khẩu trực tuyến, thúc đẩy kinh doanh toàn cầu cho doanh nghiệp Việt trong giai đoạn tới. Trong đó có định hướng cụ thể về nhóm mặt hàng có giá trị gia tăng cao, chuyển dịch cơ cấu hàng hóa cũng như khai thác các thị trường tiềm năng với mục tiêu phát triển thương mại bền vững. Những định hướng này đòi hỏi phải có các giải pháp cụ thể, căn cơ, phù hợp với xu hướng phát triển, nhu cầu từng thị trường và kinh tế thế giới nói chung, trong đó đặt mục tiêu phát triển kinh tế số, đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến.

Theo Trưởng phòng Chính phủ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Hoàng Ninh, các chính sách phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp, bao gồm việc hoàn thiện khung pháp lý, hỗ trợ tài chính, khuyến khích đầu tư, phát triển hạ tầng số, bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng, tăng cường nghiên cứu và phát triển công nghệ mới… Thời gian qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, như các khóa đào tạo miễn phí, giúp doanh nghiệp có cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước và quốc tế thông qua các sàn thương mại điện tử.

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp có định hướng và cách đi chiến lược trong xuất khẩu trực tuyến tại thị trường toàn cầu. “Chúng tôi đã thành lập liên minh tập hợp các doanh nghiệp cung cấp nền tảng số, các doanh nghiệp logistics hoàn tất đơn hàng, thanh toán, tiếp thị trực tuyến và các dịch vụ khác liên quan, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia thị trường xuất khẩu trực tuyến một cách thuận lợi”, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Trần Văn Trọng nói.

Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam cũng triển khai nhiều hoạt động tập huấn cho các Sở Công Thương về quy trình, cách vận hành thương mại trên nền tảng điện tử giúp các cơ quan quản lý có giải pháp phù hợp phát triển thương mại điện tử.

Còn theo Giám đốc khu vực miền Bắc Amazon Global Selling Việt Nam Trịnh Khắc Toàn, 5 năm qua doanh nghiệp này đã phối hợp với Bộ Công Thương đào tạo khoảng 10.000 nhân lực cho các doanh nghiệp về xuất khẩu trực tuyến nhằm nâng cao kỹ năng bán hàng; cung cấp các giải pháp để doanh nghiệp đăng ký và bảo hộ thương hiệu; hỗ trợ công cụ giúp doanh nghiệp phát triển thương hiệu ngay trên nền tảng này…

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top