Giải pháp an toàn trong giao dịch ngân hàng

10:11 - Thứ Tư, 03/07/2024 Lượt xem: 5053 In bài viết

ĐBP - Những ngày gần đây, người dân trên địa bàn tỉnh khá quan tâm đến việc cập nhật xác thực sinh trắc học của các ngân hàng. Được biết, đây là giải pháp của Ngân hàng Nhà nước nhằm triển khai các biện pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Đặc biệt là bắt đầu từ tháng 7 này, để thực hiện chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng/lần hoặc 20 triệu đồng/ngày, chủ tài khoản cần thực hiện xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt hoặc vân tay. Vì vậy, hiện nay nhiều người đã và đang tập trung cập nhật xác thực sinh trắc học cả bằng hình thức online và trực tiếp tại các ngân hàng để thuận lợi hơn cho các giao dịch.

Dưới sự hướng dẫn của nhân viên ngân hàng, khách hàng tiến hành các bước cập nhật sinh trắc học khuôn mặt.

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước đã xảy ra nhiều vụ việc người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng bằng các thủ đoạn và công nghệ ngày càng phức tạp tinh vi. Trước tình trạng đó, Ngân hàng Nhà nước đã ra Quyết định 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 về việc triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Theo đó, các giao dịch trực tuyến có giá trị trên 10 triệu đồng/lần hoặc 20 triệu đồng/ngày phải được xác thực sinh trắc học bằng vân tay hoặc khuôn mặt. Giải pháp này cho phép cơ quan quản lý, tổ chức cung cấp dịch vụ xác định được chính xác chủ tài khoản, người thực hiện giao dịch, người thụ hưởng. Qua đó, giúp tăng cường bảo mật, ngăn chặn việc truy cập trái phép vào ứng dụng Mobile banking, bảo vệ tài sản cho khách hàng. Đồng thời, giúp chấm dứt thực trạng mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo trên không gian mạng. Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Mạnh Kiên, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Điện Biên cho biết: “Đối với những giao dịch từ 10 triệu đồng trở lên trên 1 lần giao dịch và tối đa 20 triệu đồng trong 1 ngày thì phải xác nhận sinh trắc học, mà hiện tại là khuôn mặt; còn sau này có thể là mống mắt theo chương trình của Bộ Công an đang triển khai. Qua đối chiếu với khuôn mặt để xác nhận người trực tiếp giao dịch trên tài khoản đó là chính chủ; như vậy sẽ đảm bảo an toàn và bảo mật hơn”.

Để thuận tiện cho các giao dịch, hiện nay nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã cập nhật sinh trắc học có thể thông qua 2 hình thức: Online thông qua app ngân hàng và trực tiếp đến các ngân hàng để được hướng dẫn. Là người thường xuyên thực hiện các giao dịch chuyển tiền trực tuyến thông qua ứng dụng Mobile banking, ngay từ ngày đầu Quyết định 2345 có hiệu lực, chị Trịnh Thị Ngọc, phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ) đã đến phòng giao dịch Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) để được nhân viên hướng dẫn các bước xác thực sinh trắc học. Chị Ngọc cho biết: “Khi nhận được thông báo của ngân hàng về việc phải cập nhật sinh trắc học, tôi cũng hơi băn khoăn và thấy khó thực hiện trên phần mềm. Vì vậy, tôi đã trực tiếp đến ngân hàng nhờ các nhân viên hướng dẫn. Qua đó, tôi cảm thấy chuyển tiền có sinh trắc học này sẽ an toàn hơn, bởi vì mình phải xác thực khuôn mặt thay vì như trước kia nhập mã OTP”.

Đông đảo người dân đến Ngân hàng Vietinbank cập nhật sinh trắc học.

Khác với chị Ngọc, thay vì ra ngân hàng để được hỗ trợ cập nhật, nhiều chủ tài khoản lại thực hiện cài đặt online trên app ngân hàng. Tuy nhiên, việc thực hiện trực tuyến cũng gặp khó. Anh Nguyễn Mạnh Hùng, phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) chia sẻ: “Để thuận tiện cho các giao dịch, khi tài khoản ngân hàng có thông báo về việc cập nhật sinh trắc học, tôi đã chủ động cài đặt trên ứng dụng Mobile banking. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện lại xảy ra lỗi. Thiết nghĩ, có lẽ trong những ngày đầu triển khai, hệ thống ngân hàng bị quá tải nên cũng thông cảm. Tôi sẽ thử thao tác lại và chọn vào thời điểm ít người truy cập hơn để cập nhật. Nếu vẫn không được chắc phải thực hiện trực tiếp tại ngân hàng để tránh ảnh hưởng đến các giao dịch của mình”.

Đến thời điểm hiện tại, các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn tỉnh đã triển khai việc yêu cầu chủ tài khoản xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng/lần hoặc 20 triệu đồng/ngày. Để cài đặt sinh trắc học trong ứng dụng Mobile banking, khách hàng có thể mang căn cước công dân gắn chip đến các điểm giao dịch của ngân hàng để được hướng dẫn cụ thể; hoặc có thể tự cài đặt online bằng cách truy cập ứng dụng Mobile banking của ngân hàng và thao tác theo các bước được hướng dẫn trên ứng dụng. Chị Nguyễn Hải Tuyến, Phó Phòng Giao dịch khách hàng, Ngân hàng BIDV Chi nhánh Điện Biên chia sẻ: “Ngân hàng BIDV nói chung và BIDV Điện Biên nói riêng đã thông báo tới toàn bộ khách hàng và hỗ trợ khách hàng cài sinh trắc học. Đồng thời phân công cán bộ đầu mối tại các phòng giao dịch, các chi nhánh có thể hỗ trợ khách hàng ngoài giờ, ngày nghỉ và các khu vực đông dân cư nhằm đảm bảo công tác cài đặt sinh trắc học thuận lợi nhất”.

Cán bộ Ngân hàng BIDV hướng dẫn khách hàng cập nhật sinh trắc học.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 564.000 tài khoản mở tại ngân hàng đang hoạt động, trong đó có trên 557.000 tài khoản cá nhân. Để giúp khách hàng nâng cao mức độ an toàn của tài khoản và để kịp thời tuân thủ Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang tập trung triển khai các biện pháp cập nhật dữ liệu sinh trắc học. Với sự chủ động hỗ trợ, hướng dẫn của các ngân hàng, những ngày tới đây, người dân hãy chủ động cập nhật sớm thông tin sinh trắc học trên ứng dụng Mobile banking nhằm tăng cường bảo mật trong giao dịch; đồng thời chủ động các kế hoạch tài chính và tránh ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các giao dịch trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận

Tin khác

Back To Top