Giải bài toán rác thải nhựa từ thương mại điện tử

15:40 - Thứ Hai, 08/07/2024 Lượt xem: 3864 In bài viết

Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường từ chất thải nhựa, trong đó phải kể đến lĩnh vực thương mại điện tử. Theo các chuyên gia, để giải quyết tình trạng này, việc thúc đẩy “xanh hóa” thương mại điện tử là giải pháp cấp bách cần triển khai ngay trong giai đoạn hiện nay.

Lượng rác thải nhựa từ lĩnh vực thương mại điện tử ngày càng gia tăng. (Ảnh minh họa: Bích Liên)

Báo động rác thải nhựa từ thương mại điện tử

Những năm gần đây lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam tăng trưởng nhanh. Qua quan sát người ta nhận thấy bán lẻ trực tuyến sử dụng nhiều bao bì, đặc biệt là các vật liệu, dụng cụ nhựa. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một nghiên cứu nào ở Việt Nam đưa ra đánh giá định lượng quy mô bao bì, bao gồm vật liệu, dụng cụ nhựa phát sinh từ kinh doanh trực tuyến.

Theo báo cáo tóm tắt chất thải nhựa bao bì từ thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2023 của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF), nước ta đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ chất thải nhựa. Lượng chất thải nhựa năm 2014 khoảng 1,8 triệu tấn, năm 2016 khoảng 2,0 triệu tấn. Khối lượng chất thải nhựa vẫn tiếp tục xu hướng tăng nhanh, từ mức 2,7 triệu tấn năm 2018 lên 2,93 triệu tấn năm 2021. Thành phần của chất thải nhựa (CTN) có vai trò quan trọng đối với hiệu quả tái chế. Thành phần túi ni-lon là thành phần chính, chiếm từ 45 - 63%, tiếp đến là các loại nhựa dùng một lần dao động từ 12 - 26% trong chất thải nhựa ở các địa phương.

Theo tính toán của nhóm chuyên gia tư vấn từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2023 thương mại điện tử ở Việt Nam sử dụng 332 nghìn tấn bao bì, trong đó khối lượng bao bì nhựa các loại là 171 nghìn tấn. Với tốc độ tăng trưởng trên 25% mỗi năm có thể tới năm 2030 quy mô thương mại điện tử nước ta sẽ gấp trên 4,7 lần. Nếu không có các giải pháp mạnh mẽ về đóng gói hàng hoá thì khi đó lượng rác thải nhựa từ thương mại điện tử sẽ lên tới 800 nghìn tấn.

Đáng chú ý, phần lớn thương mại điện tử ở Việt Nam tập trung ở các địa phương ven biển hoặc bên sông lớn chảy ra biển như Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ, Nha Trang. Do hầu hết rác thải nhựa từ thương mại điện tử chưa được thu gom, tái chế hoặc xử lý thân thiện với môi trường nên tỷ lệ rất cao rác thải nhựa từ thương mại điện tử sẽ đổ ra biển.

Như vậy, có thể thấy thương mại điện tử tác động tích cực lẫn tiêu cực tới môi trường, bao gồm phát thải khí carbon và rác thải nhựa. Bao bì được sử dụng trong dịch vụ logistics và hoàn tất đơn hàng từ các nền tảng hoặc thương nhân bán hàng trực tuyến tới người tiêu dùng cuối cùng tạo ra lượng lớn rác thải, đặc biệt là các loại rác thải nhựa. Mức độ sử dụng bao bì cao một phần do thương nhân và doanh nghiệp chuyển phát có xu hướng đóng gói cẩn thận quá mức cần thiết. Đồng thời, người tiêu dùng cũng có khuynh hướng muốn nhận được sản phẩm nhanh, đặc biệt trong dịch vụ gọi đồ ăn công nghệ.

“Xanh hóa” thương mại điện tử để bảo vệ môi trường

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), để phát triển thương mại điển tử bền vững cần 6 nhóm đối tượng tham gia trực tiếp vào quá trình giảm rác thải nhựa. Đó là khối cơ quan quản lý Nhà nước; người tiêu dùng; doanh nghiệp thương mại điện tử, logistics, hoàn tất đơn hàng; hiệp hội, ngành hàng và các tổ chức xã hội nghề nghiệp; cơ quan truyền thông, báo chí và các đơn vị liên quan khác.

Bởi vậy, để giải quyết tình trạng này, cần ưu tiên và có chính sách hỗ trợ các giải pháp giảm thiểu rác thải và bảo vệ môi trường trong thương mại điện tử. Xây dựng bộ tiêu chí hướng dẫn đánh giá và nhận diện các doanh nghiệp thương mại điện tử xanh, mô hình thương mại điện tử bền vững.

Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp vận chuyển sử dụng các phương tiện thân thiện môi trường, khuyến khích các sáng kiến bảo vệ môi trường trong thương mại điện tử, cần tổ chức trao giải cho các doanh nghiệp có sáng kiến tiêu biểu hàng năm.

Với mục tiêu phát triển thương mại điện tử nhanh theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, báo cáo của WWF cũng chỉ rõ: Ngay từ năm 2024 cần thống kê chính thức bao bì và vật liệu, dụng cụ nhựa trong thương mại điện tử. Mọi hoạt động đánh giá tác động của thương mại điện tử tới môi trường, bao gồm xây dựng và thực thi chính sách và pháp luật, truyền thông, nghiên cứu… đều cần có thông tin đầy đủ, tin cậy về quy mô rác thải nhựa.

Đồng thời, ban hành chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn đóng gói thân thiện môi trường. Các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử, kinh tế số và môi trường có trách nhiệm dẫn dắt hoạt động phổ biến, tuyên truyền người tiêu dùng trực tuyến về tác động tiêu cực của rác thải nhựa. Khuyến khích người tiêu dùng tham gia thương mại điện tử Xanh, nâng cao “quyền lực” của người mua. Vận động, khuyến khích người tiêu dùng trực tuyến mua sản phẩm từ các thương nhân hay doanh nghiệp chuyển phát thân thiện với môi trường, hoặc mua các sản phẩm có nhãn xanh, nhãn sinh thái trên các nền tảng thương mại điện tử.

Đặc biệt, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác vận động các nền tảng thương mại điện tử và doanh nghiệp chuyển phát nhanh triển khai các hành động cụ thể giảm rác thải nhựa. Cần tuyên truyền trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, gắn việc bảo vệ môi trường với hình ảnh, uy tín kinh doanh và thu hút người tiêu dùng thông minh. Doanh nghiệp cần đánh giá các rủi ro khách hàng quay lưng khi họ thờ ơ với trách nhiệm bảo vệ môi trường…

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top