Tăng lương, nửa mừng nửa lo

11:20 - Thứ Tư, 10/07/2024 Lượt xem: 5076 In bài viết

ĐBP - Mức lương cơ sở chính thức điều chỉnh từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng kể từ ngày 1/7. Trong đó, lương cán bộ, công chức, viên chức tăng 30% và người nghỉ hưu được tăng 15%. Đây là khoản tăng không nhỏ góp phần cải thiện cuộc sống người hưởng lương. Thế nhưng, bên cạnh niềm vui mức lương cơ sở vừa tăng, nhiều người lại lo lắng giá hàng hóa “té nước theo lương”.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được hưởng lợi từ việc tăng lương theo quy định.

Thực tế là việc điều chỉnh tăng lương cơ sở đã đem lại niềm vui không nhỏ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người nghỉ hưu trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là việc tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, người tham gia bảo hiểm xã hội đã nghỉ hưu, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an sinh xã hội. Ngay khi biết thông tin mức lương được điều chỉnh tăng từ ngày 1/7, ông Trần Xuân Bình, phường Thanh Bình (TP. Điện Biên Phủ) rất phấn khởi khi mức lương của ông được tăng thêm 15%. Ông Bình chia sẻ: “Mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Dù lương hàng tháng của tôi không cao lắm nhưng khoản tăng lương này cũng góp phần không nhỏ vào việc chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày. Mặt khác, việc tăng lương còn thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với những cán bộ hưu trí như chúng tôi, đó là nguồn động viên lớn!”.

Cùng chung niềm vui với các cán bộ hưu trí, nhiều công chức, viên chức cũng rất phấn khởi. Sau nhiều năm công tác và gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy giáo Lò Văn Chinh, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Huổi Lèng (huyện Mường Chà) cũng như các đồng nghiệp rất vui mừng khi được tăng lương. Thầy giáo Chinh tâm sự: “Điều chỉnh mức lương lần này tăng khá cao so với những lần tăng lương trước. Khi được tăng lương, những giáo viên vùng cao như chúng tôi có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống hàng ngày. Khi cuộc sống ổn định hơn, không chỉ tôi mà nhiều đồng nghiệp khác cũng sẽ chuyên tâm hơn cho công tác giảng dạy và có thêm động lực để phấn đấu, gắn bó với nghề”.

Việc điều chỉnh tăng mức lương cơ sở giúp nhiều giáo viên rất phấn khởi.

Tăng mức lương cơ sở là tin vui cho nhiều cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khu vực công, người nghỉ hưu, song cũng không ít nỗi lo khi phải đối mặt với giá cả tăng và thuế thu nhập cá nhân. Bởi lẽ thường khi lương tăng sẽ kéo theo vật giá, hàng hóa cũng tăng theo lương. Vậy nên theo đúng lý thuyết tăng lương, mức thu nhập tăng, cuộc sống tốt hơn, nhưng lại khiến không ít người lo lắng chỉ vì lương tăng một, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao hơn…

Bà Nguyễn Thị Bích, thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà) cho biết: “Sau khi nghỉ hưu, chúng tôi không có khoản thu nhập nào khác ngoài lương hưu, bởi thế tăng thêm được vài trăm nghìn đồng cũng mừng. Thế nhưng ngoài niềm vui, phấn khởi vì tăng lương, tôi lại lo ngại, việc lương tăng sẽ khiến giá cả leo thang. Giá cả tăng, những người có lương như chúng tôi còn đỡ, chứ với những người không có lương càng thêm vất vả…”.

Khi lương tăng, người dân lo lắng xăng, dầu, điện, nước và các mặt hàng tăng theo, gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Thực tế nhiều năm nay, mỗi lần có thông tin về việc tăng lương thì cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khu vực công, người nghỉ hưu lại thêm nỗi lo về việc giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng vọt. Từ đó khiến cho mức tiền lương tăng nhiều khi không đủ bù trượt giá, nên việc lo lắng của người dân cũng không phải vô lý. Với những người được hưởng lợi từ việc tăng mức lương cơ sở sẽ không chịu ảnh hưởng nhiều vì họ còn được tăng lương; còn với cuộc sống của những người dân lao động không có lương lại càng thêm khó khăn.

Bà Trần Thị Thu, phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ) chia sẻ: “Tăng lương chỉ có lợi với những người có lương, còn với tôi không có lương hàng tháng lại thêm vất vả. Nếu như thị trường bình ổn giá cả, tất cả mọi người dân như chúng tôi sẽ đỡ vất vả hơn. Đằng này, cứ tăng lương, con cá, mớ rau cũng tăng theo thì với công chức, viên chức, người có lương hưu, việc điều chỉnh lương cũng không có ý nghĩa gì. Còn với người dân như chúng tôi sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ đến chi tiêu cho cuộc sống”.

Đến thời điểm này, giá thịt lợn, cá thương phẩm tăng giá; còn lại các loại lương thực, thực phẩm vẫn ở mức giá ổn định.

Thực tế, sau 3 ngày tăng lương cơ sở có hiệu lực, đến ngày 4/7, giá xăng dầu đồng loạt điều chỉnh tăng. Trong đó, giá xăng tăng từ 447 - 542 đồng, còn giá dầu tăng hơn 600 đồng (tùy loại). Giá xăng, dầu tăng có khả năng các loại lương thực, thực phẩm cũng theo đà tăng giá. Để tìm hiểu về giá cả thị trường sau khi tăng mức lương cơ sở, phóng viên đã ghi nhận phản ánh của một số người tiêu dùng tại các chợ trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ. Theo đó, từ thời điểm điều chỉnh mức lương cơ sở đến nay, các mặt hàng lương thực khác như: Gạo, các loại ngũ cốc; lương thực chế biến; nước mắm, nước chấm; đồ gia vị; sữa, bơ, phô mai; bánh mứt kẹo; rau xanh, hoa quả... được đánh giá là vẫn giữ mức bình ổn. Còn một số loại thực phẩm như: Thịt lợn đã tăng giá từ 10 - 30 nghìn đồng/kg; cá thương phẩm cũng tăng từ 10 - 20 nghìn đồng/kg…

Hiện nay chỉ có xăng, dầu và số ít thực phẩm tăng giá, còn các mặt hàng khác vẫn bình ổn; song thời điểm này mới chỉ là những ngày đầu tăng mức lương cơ sở. Vì vậy, để tránh tình trạng tăng mức lương cơ sở kéo theo giá cả hàng hóa cũng tăng như một “kịch bản”, các cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm soát, bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu, để việc tăng lương thật sự có ý nghĩa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận

Tin khác

Back To Top