Vấn đề kỳ này

Tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả, bền vững

07:42 - Thứ Năm, 18/07/2024 Lượt xem: 11979 In bài viết

ĐBP - Tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác các loại cây trồng có thế mạnh là cơ sở để nông nghiệp phát triển bền vững. Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh đã đánh giá thế mạnh cây trồng từ đó lựa chọn chuyển đổi cây trồng phù hợp; xây dựng mô hình điểm, hiệu quả để nhân rộng... Mường Ảng là một trong những địa phương đã thực hiện khá hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp, xác định cây trồng có thế mạnh để phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.

Lãnh đạo huyện Mường Ảng thăm gian trưng bày trái cây chất lượng cao tại Ngày hội Văn hóa, ẩm thực huyện Mường Ảng năm 2024. Ảnh: Hoàn Nhung

Mục tiêu của tái cơ cấu nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững; đưa sản xuất nông nghiệp manh mún, lạc hậu thành sản xuất theo vùng nguyên liệu tập trung, theo hướng hàng hóa. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng là môi trường khuyến khích nông dân ứng dụng kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa trong quá trình sản xuất. Toàn tỉnh đã chuyển đổi khoảng 3.000ha đất trồng lúa và cây hàng năm kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác như các loại cây ăn quả, mắc ca, cà phê, cây dược liệu…

Huyện Mường Ảng xác định phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững dựa trên tiềm năng, nội lực của huyện; tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp. Nhiệm vụ đó đã được đưa vào Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ 23 và 7 chương trình hành động chuyên đề, triển khai thực hiện xuyên suốt trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Thực hiện Chương trình hành động số 16-CTr/HU, ngày 9/2/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về thực hiện nghị quyết, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025, huyện Mường Ảng đã phát triển cây cà phê, các loại cây ăn quả… Cấp ủy, chính quyền hướng dẫn người dân thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đúng hướng, nâng cao thu nhập. Thông qua chuyển đổi cơ cấu kinh tế giúp nông dân thay đổi suy nghĩ, cách làm, xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, làm giàu cho gia đình góp phần xây dựng nông thôn mới.

 Cây cà phê được huyện Mường Ảng lựa chọn là cây trồng chủ lực khi tái cơ cấu nông nghiệp. Trong ảnh: Nông dân xã Ẳng Nưa thu hoạch cà phê. Ảnh: Nhung Nguyễn

Ngay từ khi thành lập, huyện Mường Ảng đã lựa chọn phát triển cây cà phê thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực; tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng trên nương kém hiệu quả sang trồng cà phê. Huyện tiến hành rà soát gắn với quy hoạch để tái canh, trồng mới cà phê tại những nơi phù hợp điều kiện, thổ nhưỡng, không phát triển ở vùng đất không phù hợp. Để thuyết phục người dân duy trì và chăm sóc diện tích cà phê hiện có, không chặt phá cây cà phê, cấp ủy, chính quyền huyện kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế cà phê đồng thời yêu cầu doanh nghiệp cam kết thu mua cà phê tươi cho nông dân. Nhờ vậy, cà phê Mường Ảng được tập trung trồng thành vùng, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tham gia giới thiệu, quảng bá tại lễ hội cà phê, tại kỳ họp Quốc hội… Huyện Mường Ảng đã chủ động làm việc, liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tìm đầu ra cho sản phẩm cà phê.

Hiện nay, hơn 2.200ha cây cà phê của huyện Mường Ảng đã cho thu hoạch, đặc biệt có 4 sản phẩm cà phê đạt tiêu chuẩn OCOP, gồm: cà phê bột Hà Chung, cà phê túi nhúng Smile single bar coffee, cà phê pha phin Arabica, cà phê đen phin giấy Mom black coffee drip bag. Tổng sản lượng cà phê của huyện năm 2023 đạt hơn 40.000 tấn quả tươi mang lại doanh thu trên 500 tỷ đồng.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam kiểm tra hiệu quả sử dụng nguồn vốn tại các hộ dân trên địa bàn huyện Mường Ảng. Ảnh: Hoàn Nguyễn

Cùng với cây cà phê, huyện Mường Ảng có trên 600ha cây ăn quả các loại (xoài, bưởi…), tạo sự phong phú về nông sản, giúp nông dân nâng cao thu nhập. Thời gian tới, huyện Mường Ảng tiếp tục duy trì, chăm sóc và nâng cao chất lượng cây cà phê; mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tạo vùng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh; quan tâm hỗ trợ người dân thực hiện chế biến sâu, sản xuất xanh - sạch, an toàn.

Từ thực tế tái cơ cấu nông nghiệp tại huyện Mường Ảng cho thấy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng chỉ thật sự hiệu quả khi cấp ủy, chính quyền vào cuộc, rà soát, đánh giá tình hình thực tế, những khó khăn, vướng mắc để có hướng tháo gỡ, giải quyết về cơ chế, chính sách, tạo sự phát triển bền vững. Cây cà phê và một số loại cây ăn quả đã được huyện Mường Ảng tạo thành vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu nông sản, tạo chuỗi liên kết sản xuất - sơ chế - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững.

Gia Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top