ĐBP - Thực hiện tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, huyện Mường Ảng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hình thành các vùng sản xuất tập trung cây công nghiệp, cây ăn quả. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến sâu.
Với quan điểm phát triển toàn diện nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bền vững, huyện Mường Ảng đã xác định việc phát triển cây công nghiệp (cây cà phê), cây ăn quả thành vùng nguyên liệu là hết sức quan trọng. Từ năm 2021, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Mường Ảng đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn cùng Nhân dân trên địa bàn phục hồi 13,4ha cà phê, trồng mới 18,1ha nâng tổng diện tích cà phê toàn huyện lên 2.193,5ha.
Để xây dựng và phát triển thương hiệu, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Mường Ảng, huyện đã chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cà phê trên địa bàn từng bước hiện đại hóa trang thiết bị, máy móc thực hiện chế biến sâu cà phê, đưa ra thị trường các dòng sản phẩm cà phê sạch, có chất lượng cao và ổn định. Hiện nay trên địa bàn có 2 cơ sở chế biến cà phê bột và các sản phẩm từ cà phê gồm: Công ty TNHH Hải An và Cơ sở chế biến cà phê Hà Chung. Các dòng sản phẩm đã đạt OCOP 4 sao và 3 sao gồm: Cà phê bột Hà Chung - bột pha phin, cà phê bột Minh Duy, cà phê bột Chị Em, cà phê pha phin Arabica Hải An, cà phê hòa tan Adew.
Đến thời điểm hiện tại huyện Mường Ảng đã hoàn thiện bộ hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý và được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận hợp lệ, dự kiến trong quý IV/2024 sẽ hoàn thành.
Huyện Mường Ảng cũng tích cực chuyển đổi một phần diện tích đất nương, đất vườn tạp và các loại đất trồng cây hàng năm khác sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế như: Bưởi da xanh, xoài Đài Loan, cam lòng vàng, nhãn, mít, na... Hiện nay tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt 412,5ha; tập trung tại các xã: Ẳng Tở, Ẳng Nưa, Ẳng Cang, Búng Lao, thị trấn Mường Ảng. Diện tích xoài Đài Loan, bưởi da xanh được đầu tư từ năm 2018 (trên 40ha) đã cho thu hoạch ổn định, năng suất một số diện tích đạt 6 tấn/ha.
Với mục đích hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập; đồng thời, tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm, các hộ dân đã thành lập hợp tác xã. Hiện nay trên địa bàn huyện có 2 hợp tác xã kinh doanh lĩnh vực cây ăn quả gồm: Hợp tác xã Hoa quả sạch Mường Ảng và Hợp tác xã Lộc Rừng.
Năm 2020, hơn 20 hộ dân trên địa bàn thị trấn Mường Ảng và các xã Ẳng Nưa, Ẳng Tở, Búng Lao đã thành lập Hợp tác xã hoa quả sạch Mường Ảng. Hợp tác xã có diện tích sản xuất gần 100ha, trong đó bưởi da xanh trên 50ha, còn lại là nhãn, cam, xoài và mít. Hiện nay, cây trồng phát triển ổn định, trung bình mỗi năm hợp tác xã thu hoạch từ 300 - 500 tấn quả, tạo nguồn thu nhập ổn định cho hội viên từ 50 - hơn 100 triệu đồng/năm.
Là một trong những thành viên tiên phong và có nhiều kinh nghiệm trồng cây ăn quả, ông Hà Văn Hoan, thị trấn Mường Ảng cho biết: “Gia đình tôi hiện có 2,5ha trồng chủ yếu bưởi da xanh, cam, ổi xen lẫn cây cà phê. Nhờ chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật nên vườn cây của gia đình sinh trưởng phát triển tốt; tỷ lệ ra hoa đậu quả cao, mẫu mã đẹp. Trừ chi phí, thu nhập từ cây ăn quả mang lại cho gia đình từ 200 - 300 triệu đồng/năm.”
Ông Tạ Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn huyện bước đầu đã tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Đó là sản xuất hàng hóa tập trung; từng bước phát huy thế mạnh, lợi thế của địa phương gắn với nhu cầu thị trường. Nhiều hộ gia đình đã chú trọng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thời gian tới huyện Mường Ảng tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng diện tích cây ăn quả hiện có; ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất theo hướng hàng hóa, có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ưu tiên một số nhóm cây ăn quả có khả năng phát triển thành sản phẩm đặc sản của huyện, gắn với du lịch sinh thái, dễ tiếp cận với thị trường và chế biến tập trung như: Bưởi, xoài, mít... Tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia liên kết sản xuất gắn với chế biến sản phẩm cây ăn quả nhằm phát triển bền vững, nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân.