ĐBP - Tỉnh Điện Biên có địa hình chia cắt, kết cấu địa chất thiếu ổn định. Vào mùa mưa, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh thường xảy sạt lở đất, sụt trượt vùi lấp mặt đường và cống, rãnh thoát nước, làm ùn tắc giao thông, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, phương tiện. Ngay từ đầu mùa mưa, ngành Giao thông – Vận tải đã tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương, chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ thường trực máy móc để kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn trong mùa mưa lũ.
Từ đầu mùa mưa đến nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên liên tục xảy ra những đợt mưa lớn, kéo dài gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất khiến nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã bị hư hỏng… Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải, tổng khối lượng đất đá sạt lở, lấp mặt đường ước tính khoảng 90.800m3; khối lượng đất, bùn bồi lấp cống, rãnh dọc khoảng 14.300m3; sạt ta luy âm 180m; xói lở lề đường 170m; hư hỏng mặt đường 220m2. Ước tính thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng.
Để kịp thời xử lý các tình huống, sự cố, hạn chế tối đa thiệt hại về người và hạ tầng giao thông đường bộ, đảm bảo giao thông thông suốt, Sở Giao thông vận tải đã thành lập Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phân công nhiệm vụ thường trực đối với từng thành viên. Thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 15/4 - 31/10/2024. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ tập trung máy móc, nhân lực, vật tư dự phòng trực đảm bảo giao thông 24/24 giờ, kịp thời xử lý tình huống khi có sự cố xảy ra.
Ông Bùi Thanh Hiếu, Trưởng phòng Quản lý giao thông (Sở Giao thông vận tải) cho biết: Năm nay, tình hình mưa lũ diễn biến khác hơn so với mọi năm. Mưa lớn trải đều tại hầu hết các địa bàn, do đó các điểm sạt lở cũng dàn trải trên các tuyến, không có điểm sạt lở lớn và cũng không tập trung tại một số tuyến như các năm trước. Nhờ chủ động rà soát, xác định những vị trí có nguy cơ sạt lở trên các tuyến giao thông để xây dựng phương án đảm bảo cho từng vị trí nên khi có sự cố sạt lở xảy ra, các lực lượng đã nhanh chóng tiếp cận, triển khai các biện pháp khắc phục, không để ách tắc kéo dài.
Hiện nay, trên các tuyến quốc lộ, đơn vị quản lý đường bộ luôn bố trí máy móc, phương tiện và nhân lực để thường trực đảm bảo giao thông. Khi xảy ra sự cố sạt lở, trong khoảng 30 phút đến 1 giờ, các đơn vị xử lý, đảm bảo thông đường.
Công ty Cổ phần Đường bộ 2 Điện Biên là 1 trong 3 đơn vị quản lý đường bộ của tỉnh Điện Biên. Hiện nay, Công ty đang được giao quản lý 356,5km quốc lộ (quốc lộ 12 và 4H), tỉnh lộ (143, 139, 145B). Thực hiện nhiệm vụ thường trực đảm bảo giao thông mùa mưa năm 2024, ngay từ đầu năm, Công ty đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, vật liệu dự phòng. Cụ thể, công ty đã chuẩn bị 500kg thuốc nổ kèm phụ kiện; 1.200 cái rọ thép các loại; 3.000m3 đá hộc; 5.000l dầu Diezen. Đồng thời, Công ty cũng bố trí 12 máy xúc, 7 ô tô và công nhân lái máy rải đều trên các tuyến, nhất là các tuyến có nhiều vị trí xung yếu, nguy cơ sạt lở, mất an toàn giao thông nhằm đảm bảo kịp thời xử lý khi có sự cố.
Ông Nguyễn Văn Kiên, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đường bộ 2 Điện Biên cho biết: Từ đầu mùa mưa đến nay, trên các tuyến giao thông được giao quản lý đã có trên 35.000m3 đất đá sạt lở tràn mặt đường, lấp cống thoát nước gây ách tắc giao thông cục bộ. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị chu đáo, Công ty đã kịp thời xử lý các sự cố nhanh chóng, đảm bảo thông đường trong thời gian sớm nhất. Thực hiện chỉ đạo của Sở Giao thông – Vận tải, từ nay đến hết 31/10/2024, Công ty tiếp tục thường trực máy móc, phương tiện và nhân lực trên các tuyến để xử lý sự cố, đảm bảo giao thông.
Trận lũ quét đêm 10/5 tại bản Suối Lư (xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông) đã khiến hàng nghìn khối đất đá tràn xuống đường, gây ách tắc giao thông cục bộ trên tuyến quốc lộ 12, đoạn qua bản Suối Lư. Sau khi nhận thông tin, Công ty Cổ phần Đường bộ 2 Điện Biên kịp thời bố trí máy móc, nhân lực để tổ chức thông tuyến, đảm bảo giao thông.
Ông Hà Văn Khương, Đội trưởng Đội quản lý đường bộ, Công ty Cổ phần Đường bộ 2 cho biết: Trận lũ quét gây ách tắc cục bộ từ Km246 + 400 đến Km247 + 480 với tổng khối lượng đất đá vùi lấp trên 1.000m3. Công ty đã điều động nhân công, máy móc triển khai vệ sinh mặt đường, hót bùn ở rãnh dọc, thông cống. Sau 5 ngày thi công, đoạn tuyến qua bản Suối Lư đã được khắc phục hoàn toàn, đảm bảo cho các phương tiện lưu thông an toàn.
Huyện Điện Biên Đông đang quản lý 12 tuyến đường nội thị, huyện lộ và liên xã với 193,45km; trong đó 103,292km đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đạt 53,39%. Các tuyến đường do xã quản lý là 483,22km, tỷ lệ bê tông hóa đạt 27,5%.
Sau các đợt mưa lũ vừa qua, tại các xã Phì Nhừ, Chiềng Sơ, Pú Hồng, Phình Giàng, Háng Lìa… nhiều tuyến đường trọng yếu bị vùi lấp, hư hỏng. Điển hình như các tuyến: Phì Nhừ - Chiềng Sơ; Phì Nhừ - Xa Dung; Pá Vạt - Háng Lìa - Tìa Dình; Phình Giàng - Pú Hồng - Mường Nhà. Riêng tuyến đường Phì Nhừ - Chiềng Sơ, từ đầu mùa mưa đến nay, mưa lũ đã khiến 49 vị trí sạt lở ta luy dương; 4 vị trí sạt lở ta luy âm, hư hỏng kè rọ đá; 2 vị trí sạt lở sụt lún nền mặt đường và 1 vị trí lũ cuốn trôi cống. Đồng thời, gần như toàn bộ hệ thống mặt đường bị hư hỏng; hệ thống rãnh thoát nước bị hư hỏng nặng, vùi lấp hoàn toàn.
Ông Đinh Quang Bạo, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Điện Biên Đông cho biết: UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra thống kê thiệt hại; tổ chức hót sụt sạt, đảm bảo giao thông tạm thời cho người dân và phương tiện. Về phương án lâu dài, UBND huyện đã báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh cấp kinh phí để triển khai các dự án khắc phục thiệt hại về giao thông do mưa lũ. Riêng tuyến Phì Nhừ - Chiềng Sơ, phòng đã lập dự án nâng cấp, sửa chữa toàn tuyến. UBND huyện đang giao cho Phòng Tài chính - Kế hoạch cân đối nguồn vốn để thực hiện dự án.