Các nhà máy lắp ráp ô tô trong nước chỉ hoạt động 40% công suất

09:40 - Thứ Sáu, 26/07/2024 Lượt xem: 3701 In bài viết

Trong bối cảnh thị trường ô tô chứng kiến nhiều bất định, các nhà máy sản xuất xe tại Việt Nam buộc phải duy trì công suất cầm chừng.

Lắp ráp bán tải Ranger tại nhà máy Ford ở Hải Dương. Ảnh: Hoàng Linh

Theo Nikkei Asia, các nhà máy lắp ráp ô tô tại Việt Nam đang hoạt động chỉ với 40% công suất.

Cụ thể, các nhà sản xuất ô tô đã xuất xưởng khoảng 144.000 xe tại các cơ sở lắp ráp ở Việt Nam trong nửa đầu năm 2024, giảm 3% so với một năm trước đó.

Đây là mức thấp hơn nhiều tổng công suất thường niên vào khoảng 700.000 đến 800.000 xe của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Thực tế này đã được đại diện các hãng ô tô có nhà máy sản xuất trong nước xác nhận.

Nikkei Asia cho rằng, việc hạ thấp sản lượng nêu trên là điều chỉnh cần thiết của các nhà sản xuất, nhằm ứng phó diễn biến thực tế trên thị trường ô tô Việt Nam - tình trạng mà theo kênh tin tức này là "chưa từng thấy trong 20 năm qua".

Thực tế, đánh giá của Nikkei Asia có căn cứ, khi số liệu thống kê cho thấy, doanh số ô tô do Việt Nam sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2024 giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mức này giảm sâu hơn mặt bằng chung tiêu thụ ô tô tại Việt Nam trong cùng kỳ, vốn đạt khoảng 134.884 xe (theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam), tức chỉ thấp hơn khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2023.

Mặc dù doanh số ô tô có dấu hiệu phục hồi trong tháng 5 và tháng 6, nhưng con số nửa đầu năm 2024 vẫn thấp.

Để hãm đà sụt giảm và thu hút khách hàng tới phòng trưng bày, các nhà sản xuất ô tô đã tung ra các đợt giảm giá mạnh tay và dài hơi. Nhân viên bán hàng tại một đại lý ô tô ở Hà Nội cho biết, chỉ riêng trong tháng vừa qua, Hyundai đã giảm giá xe Accent hơn 10%. Ford giảm giá gần 10% tất cả loại xe trong danh mục sản phẩm, bao gồm cả chiếc bán tải ăn khách Ranger.

Bình luận về diễn biến hiện nay tại thị trường ô tô Việt Nam, Tổng Giám đốc Honda Việt Nam Koji Sugita thừa nhận khó khăn thị trường, cho rằng những người có thu nhập cao tại Việt Nam - vốn là nhóm khách hàng mua ô tô chủ yếu - vẫn chưa phục hồi nhu cầu chi tiêu đủ do ảnh hưởng của cuộc suy thoái bất động sản kéo dài từ năm 2022.

Tuy nhiên, người đứng đầu Honda Việt Nam cho rằng, việc giảm giá xe để hút khách không phải ý tưởng tốt, vì sẽ làm giảm giá trị tài sản xe của chủ sở hữu ô tô.

Người mua ô tô Việt Nam thường có xu hướng thanh toán bằng tiền mặt. Ảnh: Hoàng Linh

Có cùng quan điểm này, Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam Keita Nakano cho rằng, việc giảm giá xe lúc có thể coi là "ăn lẹm" vào nhu cầu tiêu thụ xe tương lai và có thể dẫn tới những biến động khó lường.

Ông Nakano cũng nhận định, người tiêu dùng Việt Nam thường thanh toán bằng tiền mặt nên rất nhạy cảm với biến động giá cả. Tuy nhiên, trong vài năm qua, người mua xe đã quen với việc cắt giảm phí, khiến các biện pháp ngày càng mất tác dụng.

Trích dẫn một số ý kiến chuyên gia, Nikkei Asia nhận định, đã tới lúc Việt Nam cần có những biện pháp thúc đẩy thị trường ô tô một cách bền vững hơn, trong đó nhấn mạnh thực tế ô tô với người tiêu dùng trong nước đang ngày càng giống một phương tiện đi lại hằng ngày, thay vì là "mặt hàng xa xỉ".

Cũng theo kênh tin tức Nhật Bản này, có một yếu tố nhiều khả năng giúp kích cầu thị trường trong thời gian tới. Đó là việc thuế quan dự kiến giảm đối với ô tô thành phẩm có nguồn gốc từ Nhật Bản và châu Âu trong những năm tới theo các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top