Đánh thức tiềm năng cây chè ở Mường Chà (bài 2)

08:00 - Thứ Sáu, 02/08/2024 Lượt xem: 3652 In bài viết

Bài 2: Tìm hướng đi bền vững

ĐBP - Sau nhiều “thập kỷ” bị bỏ quên, những gốc chè cổ thụ ở Mường Chà dần được nhiều người biết đến. Những doanh nghiệp sản xuất chè lớn, nhỏ trong tỉnh tìm đến với mong muốn kết nối để khai thác, sản xuất, xây dựng thương hiệu. Đây cũng là lúc chính quyền và người dân địa phương phải “chuyển mình” để đánh thức kho báu này.

Bài 1: Kho báu lưu giữ qua nhiều thế hệ

Chuyển đổi nhận thức

Tự sản, tự tiêu là cách nói vui khi nhắc đến chè cây cao ở Mường Chà. Bởi thực tế, hiện nay đa phần bà con vẫn chỉ thu hái chè để phục vụ nhu cầu làm thức uống hàng ngày của gia đình. Họ tự sản xuất, đồng thời cũng là người sử dụng sản phẩm mình làm ra. Không có thu nhập, nên bà con cũng thiếu đi sự quan tâm, chăm sóc cây chè.

Là đơn vị hiện đang thực hiện các hoạt động kết nối, phát triển sản phẩm chè cây cao ở Mường Chà, bà Nguyễn Mỹ Linh, Giám đốc Công ty TNHH chè Hương Linh (Tủa Chùa) cho biết: Năm 2023, Công ty đã thực hiện khảo sát tại 4 xã vùng chè tại đây. Tuy nhiên, sau khảo sát, Công ty nhận thấy hạn chế lớn nhất là cây chè chưa được chăm sóc đúng quy trình; người dân cũng chưa có ý thức, khái niệm về quy trình chăm sóc, sản xuất, chế biến chè.

Người dân ở bản Thèn Pả, xã Sa Lông, huyện Mường Chà phơi trà phục vụ làm thức uống trong gia đình.

“Chè để sản xuất phải đảm bảo các quy trình chăm sóc nhất định. Đơn cử là công tác cắt, tỉa cành làm sao để cây cho nhiều búp, nhiều lứa trong năm… Tuy nhiên, đa phần bà con vẫn để chè phát triển tự nhiên, không có búp để thu hái. Do vậy, Công ty đã tham mưu với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tập huấn kỹ thuật cho các chủ thể có chè. Bà con phải có ý thức, khát vọng phát triển kinh tế từ cây chè thì mới học hỏi, tìm hiểu chăm sóc đảm bảo. Khi đó, công ty sẵn sàng thu mua, đầu tư sản xuất.” - bà Linh cho hay.

Tại bản Chiêu Ly, xã Sa Lông hiện có khoảng 30% hộ dân có diện tích chè cây cao. Theo trưởng bản Hồ Thú Sử thì thời gian trước bà con chưa từng có khái niệm về sản xuất hay sơ chế chè mà chỉ coi chè như cây trong rừng, thường hái lá tươi về nấu uống. Từ năm 2023, sau khi có doanh nghiệp về khảo sát, chính quyền địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình sơ chế chè, bà con mới biết đến sản phẩm chè khô.

Trưởng bản Hồ Thú Sử cho biết, sau khi được tập huấn bà con đã bắt đầu có ý thức chăm sóc và khát khao phát triển kinh tế từ cây chè.

“Cuối năm 2023, đại diện 4 nhóm hộ trồng chè trong bản Chiêu Ly đã được lãnh đạo UBND huyện Mường Chà đưa đi tham quan, học tập mô hình sản xuất chè tại các vùng chè của huyện Mường Ảng, Tủa Chùa. Khi thấy người dân các vùng khác thu hái, bán búp chè mang lại thu nhập cao, ổn định, bà con cũng khát khao được như vậy. Hiện nay dân bản đang học quy trình cắt tỉa, chăm sóc cây sao cho đúng chuẩn. Rất mong chính quyền hỗ trợ, đầu tư máy móc sơ chế, sản xuất và kết nối các doanh nghiệp thu mua để bà con phát triển kinh tế!” - ông Sử bày tỏ.

Đánh thức tiềm năng

Tiềm năng có song lại chưa thể khai thác được thế mạnh là vấn đề đòi hỏi sự “chuyển động” không chỉ người dân mà cả chính quyền, cơ quan chuyên môn địa phương. Trong khi trên thị trường hiện nay, nhu cầu sử dụng chè xanh và chè xanh hữu cơ rất lớn, đặc biệt ở các nước phát triển. Nếu tổ chức tốt khâu sản xuất để sản phẩm được chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn thì chè cây cao Mường Chà sẽ có giá trị rất cao và hứa hẹn trở thành nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.

Sản phẩm từ chè cây cao ở Mường Chà được đánh giá cao về chất lượng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Hồng Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Chà cho biết: Những năm gần đây, huyện cũng đã xác định được tiềm năng của chè cây cao trong phát triển kinh tế cho người dân. Huyện đã chỉ đạo các xã rà soát, kiểm đếm và thống kê toàn bộ diện tích, số lượng hiện có. Qua đó xác định được toàn huyện có khoảng trên 4.400 cây, phân bố tại các xã: Sa Lông, Huổi Lèng, Hừa Ngài, Sá Tổng. Trong đó có 964 cây cổ thụ.

Trên cơ sở số liệu kiểm đếm, năm 2023 UBND huyện Mường Chà xây dựng và ban hành 3 kế hoạch liên quan đến bảo tồn, phát triển chè cây cao trên địa bàn trong năm 2024 và cả giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030. Ngoài ra, huyện thành lập 2 nhóm “Bảo tồn và phát triển chè cây cao” để tập trung các hoạt động hướng dẫn, tuyên truyền, cùng nhau chia sẻ, chăm sóc, phát triển cây chè.

Cán bộ khuyến nông xã Sa Lông hướng dẫn người dân bản Thèn Pả chăm sóc cây chè.

Để nâng cao kiến thức cho người dân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn các hộ dân có chè cây cao kỹ thuật đốn tỉa cành tạo tán; biện pháp chăm sóc, bảo vệ, bảo tồn hiện trạng số lượng cây chè hiện có.

Trung tâm cũng phối hợp với Chương trình vùng Mường Chà tổ chức 4 lớp tập huấn cho 82 hộ dân về kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, tạo tán và phòng trừ sâu bệnh hại chè cổ thụ; chọn và cử nông dân đi học kỹ thuật chế biến chè tại các địa phương hiện đang phát triển chè trong tỉnh.

“Các hoạt động tập huấn sẽ tiếp tục được huyện đẩy mạnh trong thời gian tới nhằm nâng cao hơn nữa ý thức và hình thành kiến thức, kỹ năng chăm sóc, thu hái chè đạt tiêu chuẩn cho người dân. Chúng tôi sẽ xây dựng các mô hình hỗ trợ trồng mới hoặc mô hình chăm sóc, bảo tồn chè cổ thụ hiện có. Đặc biệt, sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn huyện nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, định hướng phát triển sản phẩm chè trên địa bàn huyện đạt sản phẩm OCOP.” - ông Nam cho biết.

Hi vọng rằng, với sự “chuyển mình” của người dân và chính quyền địa phương, chè cây cao ở Mường Chà sẽ sớm có được vị trí xứng tầm, để phát huy giá trị vốn có.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top