Ngành gỗ thích ứng với thị trường xuất khẩu

12:17 - Thứ Hai, 05/08/2024 Lượt xem: 2655 In bài viết

Tìm kiếm thị trường thay thế, đổi mới công nghệ, chuyển đổi sản xuất các mặt hàng gỗ đang được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang thực hiện để thích ứng với thị trường xuất khẩu.

Đa dạng sản phẩm

Theo tổng hợp của Sở Công thương, toàn tỉnh có 390 doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ rừng trồng. Trong đó có 8 doanh nghiệp có quy mô lớn, chế biến gỗ xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật.

Sản xuất ván ép xuất khẩu tại Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang.

Công ty cổ phần Woodsland là doanh nghiệp lớn nhất của tỉnh Tuyên Quang hoạt động trong lĩnh vực chế biến đồ gỗ nội, ngoại thất. Từ đầu năm đến nay, Công ty sản xuất được hơn 70.000 m3 gỗ các loại, đạt doanh thu 1.300 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 47 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho hơn 2.500 lao động với mức lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Ông Hà Văn Chỉnh, Phó Tổng Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang cho biết, thích ứng với thị trường xuất khẩu, công ty đã thay đổi mẫu mã liên tục theo từng đơn hàng đối tác cần. Việc này đòi hỏi cán bộ, công nhân phải thay đổi tư duy sản xuất để bắt nhịp với công việc nhưng bù lại các đơn hàng nhiều hơn. Đến nay công ty đã có đơn hàng hết năm 2024, kỳ vọng mục tiêu doanh thu đạt 2.700 tỷ đồng sẽ cán đích.

 Công ty TNHH Thuận Gia Thành Cụm công nghiệp An Thịnh (Chiêm Hóa) bắt đầu hoạt động từ năm 2018 sản xuất ván ép bọc phim công nghiệp cao cấp xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Đài Loan. Bà Sùy Thị Mới, Giám đốc Công ty TNHH Thuận Gia Thành cho biết: “Đơn vị đầu tư thiết bị sản xuất ván ép tiên tiến nhất hiện nay cộng với chất lượng gỗ rừng trồng của tỉnh tốt, sản phẩm ván của công ty được thị trường Đài Loan đánh giá cao. Qua 6 năm xuất khẩu, doanh nghiệp đã có khách hàng ổn định, sản lượng xuất khẩu 6 tháng đầu năm trên 5.000 m3, phấn đấu hết năm 2024 đạt từ 10.000 m3 trở lên, doanh thu khoảng 50 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 100 lao động”.

Chị Ma Thị Hoài, công nhân làm việc 5 năm tại Công ty TNHH Thuận Gia Thành cho biết: “Rất mừng vì công ty có việc làm ổn định, hiện chúng tôi đang sản xuất 2 ca/ngày, thu nhập dao động từ 6-8 triệu đồng/tháng tùy ngày công tham gia”.

Theo đánh giá của ngành Công thương, 6 tháng đầu năm 2024, bức tranh sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ rừng trồng đã sáng lên rất nhiều. Trong 6 tháng năm 2024, giá trị xuất khẩu ngành gỗ khoảng 20 triệu USD, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ 2023. Tập trung vào sản phẩm gỗ nội thất xuất khẩu có giá trị cao nhất, khoảng 7 triệu USD, ván ép đạt khoảng 5 triệu USD, bột giấy khoảng 2,85 triệu USD, giấy đế khoảng 2,7 triệu USD…

Thị trường xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam đang tươi sáng hơn, trong đó có sản phẩm gỗ Tuyên Quang sẽ tiếp tục mở rộng đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây sẽ là cơ hội để kinh tế lâm nghiệp - thế mạnh của tỉnh bứt tốc.

Công nhân Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang sản xuất gỗ nội thất xuất khẩu.

Vẫn còn thách thức

Từ cuối năm 2023, thị trường xuất khẩu gỗ có ấm lên, các đơn hàng tăng gấp đôi so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Công Thương, năm 2024, triển vọng thương mại toàn cầu được dự báo chưa thật khởi sắc, tiếp tục tác động không thuận lợi tới hoạt động xuất khẩu của nhiều ngành hàng, trong đó có sản phẩm gỗ và lâm sản. Bên cạnh đó, xung đột địa chính trị giữa Nga - Ukraine, Israel - Hamas và vấn đề Biển Đỏ đang trực tiếp làm đứt gãy chuỗi cung ứng, làm leo thang chi phí vận chuyển, giao hàng.

Các thị trường xuất khẩu chính tăng cường thực thi các quy định nhập khẩu như một hàng rào kỹ thuật quan trọng đối với nhiều nhóm mặt hàng từ các nước xuất khẩu. Đơn cử, các quốc gia Châu Âu (EU) đã có yêu cầu về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), có hiệu lực từ tháng 10-2023. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU sẽ phải chịu thêm chi phí, chuyển đổi mô hình sản xuất ít phát thải hơn để có tín chỉ carbon.

Công ty TNHH Huiling Wood Products Việt Nam tại Cụm công nghiệp Thắng Quân (Yên Sơn) là công ty có vốn đầu tư từ Trung Quốc, với hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ nội thất. Ông Tiết Hiểu Hóa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Huiling Wood Products Việt Nam cho biết: “Hiện tại đơn vị đang thực hiện xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Mỹ. Thời điểm này thị trường ổn định nhất trong 3 năm qua cho thấy những dấu hiệu phục hồi tốt cho ngành gỗ. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển đã tăng khoảng 30% so với trước do xung đột địa chính trị giữa Nga - Ukraine, Israel - Hamas và vấn đề tại Biển Đỏ. 6 tháng năm 2024, đơn vị đã xuất khẩu được 7.620m3 sản phẩm các loại, doanh thu đạt trên 133 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 13 tỷ đồng, riêng phí vận chuyển chiếm khoảng 12% doanh thu. Vì vậy lợi nhuận đơn vị không nhiều. Đơn vị đang nỗ lực hết sức để duy trì sản xuất, giữ khách hàng, tạo việc làm cho người lao động”.

Ông Phạm Xuân Hưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cơ khí Tuyên Quang cho biết, những năm trước, sản phẩm ván gỗ lau dầu, ván sàn của công ty chỉ xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên năm nay thị trường các nước không có nhu cầu về những sản phẩm này nên sản phẩm của đơn vị chủ yếu bán thị trường trong nước nên cũng có những khó khăn nhất định. Tới đây đơn vị sẽ nghiên cứu đầu tư thêm máy móc sản xuất theo hướng đa dạng sản phẩm thì mới có thị trường xuất khẩu.

Thực tiễn cho thấy giá trị của ngành gỗ đối với sản xuất công nghiệp, lâm nghiệp của tỉnh rất quan trọng, có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, ngành gỗ cũng chịu nhiều sức ép của thị trường xuất khẩu, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh linh hoạt mới phát triển được bền vững.

Bài, ảnh: Trang Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top