Bất cập trong giao đất, giao rừng (bài 3)

08:39 - Thứ Tư, 07/08/2024 Lượt xem: 3510 In bài viết

Bài 3: “Lỗi hẹn” về đích

ĐBP - Kế hoạch đề ra đến hết năm 2023 toàn tỉnh phải hoàn thành việc giao đất, giao rừng cấp GCNQSDĐ đất lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Thậm chí, UBND tỉnh cho phép các địa phương tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện đến ngày 25/7/2024, nhưng tiến độ vẫn “dậm chân tại chỗ”, nhất là đối với diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng.

Bài 2: Công tác tuyên truyền chưa hiệu quả

Bài 1: “Nút thắt” từ quy hoạch

Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát công tác giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ tại cộng đồng thôn bản trên địa bàn huyện Tuần Giáo.

Kế hoạch số 2783/KH-UBND đề ra mục tiêu giai đoạn 2019 - 2023, toàn tỉnh thực hiện giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp với tổng diện tích là 252.728ha; trong đó đất lâm nghiệp có rừng là 96.735ha, đất lâm nghiệp chưa có rừng là 155.993ha.

Ban Chỉ đạo tỉnh, Ban điều hành Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng đã chủ động phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên trao đổi, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Từ năm 2019 - 2023, UBND tỉnh đã ban hành 87 văn bản chỉ đạo, điều hành trong công tác giao đất, giao rừng, cấp GCNQSD đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, tiến độ công tác giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp rất chậm.

Điển hình, huyện Tủa Chùa trong giai đoạn này phải thực hiện rà soát, hoàn chỉnh giao đất, giao rừng 13.959ha, trong đó đất lâm nghiệp có rừng là 5.409ha, đất lâm nghiệp chưa có rừng là 8.550ha. Nhưng đến nay đối với đất lâm nghiệp có rừng mới rà soát, đo đạc tại thực địa được hơn 3.402ha/5.409ha (đạt 63%) và diện tích đã giao, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp hơn 2.956ha/5.409ha (đạt 55%). Đối với diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng, đến nay cũng mới ban hành quyết định giao đất, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp chưa có rừng (lần 1) cho 12 xã, thị trấn với tổng diện tích 4.361ha cho 3.212 chủ sử dụng (đạt 51% kế hoạch).

Đại diện lãnh đạo phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tủa Chùa trao đổi về nguyên nhân chậm tiến độ giao đất, giao rừng trên địa bàn.

Bà Hoàng Thị Toàn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tủa Chùa cho biết: Nguyên nhân do quá trình thực hiện khối lượng hồ sơ nhiều, trong khi đơn vị tư vấn mỏng, dẫn đến tiến độ thực hiện chậm. Diện tích dự kiến giao nhỏ lẻ; chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân chiếm tỷ lệ lớn gây khó khăn trong quá trình rà soát, đo vẽ, hoàn thiện hồ sơ. Phần lớn diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng có một phần diện tích đã được đo đạc bản đồ địa chính và đã được cấp GCNQSDĐ với mục đích sử dụng là đất nông nghiệp nên mất nhiều thời gian để rà soát nội nghiệp. Cùng với đó, kết quả rà soát, đo vẽ trên thực địa có một số trường hợp phải điều chỉnh, giảm diện tích hoặc phải tiến hành kiểm tra, xác minh lại.

Đặc biệt, tại huyện Điện Biên đến nay mới thực hiện đo đạc được 32.266ha/44.509ha. Diện tích đất có rừng đã có quyết định giao đất, giao rừng mới đạt 7.200ha/27.020ha nhưng chưa thực hiện bàn giao ngoài thực địa và chưa cấp GCNQSDĐ cho người dân. Đối với đất chưa có rừng, tỷ lệ đo đạc đạt 7.886/17.489ha, nhưng mới có 316ha quyết định giao (đạt 2%) và cũng chưa thực hiện bàn giao đất ngoài thực địa và chưa cấp GCNQSDĐ.

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, kết quả giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp không đảm bảo tiến độ so với kế hoạch. Đến nay, tỷ lệ giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp đối với đất có rừng mới đạt 64.835ha (đạt 67%); có 9/10 địa phương (trừ huyện Điện Biên) thực hiện cấp GCNQSDĐ với diện tích hơn 48.355ha (đạt 50%).

Lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mường Nhé cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp cho người dân trên địa bàn huyện.

Đối với đất lâm nghiệp chưa có rừng, thực hiện 92.700ha (đạt 59%); có 7/10 địa phương (trừ Mường Chà, Điện Biên và Điện Biên Đông) thực hiện cấp GCNQSDĐ với diện tích hơn 58.267ha (đạt 37%).

Tổng diện tích đã thực hiện đo đạc thực địa nhưng chưa hoàn thiện các thủ tục liên quan đến giao đất, giao rừng, cấp GNCQSDĐ lâm nghiệp 159.120ha/252.728ha; trong đó đất lâm nghiệp có rừng 57.405ha, đất lâm nghiệp chưa có rừng 101.715ha. Một số huyện kết quả rất thấp như: Tủa Chùa, Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé và TP. Điện Biên Phủ.

Nguyên nhân chậm tiến độ đã được chỉ ra: Đó là Ban chỉ đạo một số huyện, UBND xã chưa thường xuyên phối hợp, hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Một số diện tích rừng giao còn trùng lắp, chồng lấn; tranh chấp địa giới hành chính như: Diện tích đất lâm nghiệp cộng đồng dân cư bản Háng Sua, xã Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông) chồng lấn với diện tích đất lâm nghiệp của huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La) là 1,82ha. Tranh chấp giữa bản Hua Sát, xã Mường Khong (huyện Tuần Giáo) và bản Nậm Chan 3, xã Ngối Cáy (huyện Mường Ảng) với diện tích đất lâm nghiệp là 1.271ha. Một số chương trình, dự án (327, 661...) chưa được bàn giao cho huyện quản lý nên chưa thực hiện giao rừng theo Kế hoạch 2783/KH- UBND.

Cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tủa Chùa (bên phải) kiểm tra, rà soát thực địa diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng trên địa bàn xã Mường Ðun.

Mặt khác, để đảm bảo chỉ tiêu đất quy hoạch cho lâm nghiệp của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ là 72,8% tổng diện tích tự nhiên, nên khi thực hiện quy hoạch 3 loại rừng đã đưa một số diện tích nương luân canh của người dân vào quy hoạch. Do đó, khi thực hiện giao đất, giao rừng theo quy hoạch người dân chưa đồng thuận. Trong khi đó, tỉnh chưa kịp thời điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng sát với thực tế sử dụng đất của người dân, dẫn đến một số diện tích đất ở, đất chuyên trồng lúa nước, đất giao thông, trụ sở... nằm trong quy hoạch 3 loại rừng (Điện Biên, Mường Nhé, Nậm Pồ, Tuần Giáo); một số diện tích có rừng tăng thêm nhưng chưa được đưa vào quy hoạch để giao (Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Mường Chà, Mường Ảng).

Cùng với đó, việc chia tách, sáp nhập, đổi tên thôn, bản, xã, phường; hệ thống hồ sơ địa chính phục vụ công tác quản lý đất đai trên địa bàn các xã chưa được hoàn thiện, đồng bộ. Do đó nguồn gốc, hồ sơ, tài liệu qua các thời kỳ bị gián đoạn, mất nhiều thời gian để kiểm tra, rà soát, chỉnh lý. Ngân sách tỉnh còn khó khăn, đơn giá thực hiện giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp thấp (300 nghìn đồng/ha) nên chưa thu hút, khuyến khích được nhiều đơn vị tư vấn tham gia thực hiện. Trong khi có đơn vị tư vấn cùng một thời gian hợp đồng với nhiều huyện, dẫn đến tiến độ hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan chậm.

Bài 4: Khơi thông những rào cản

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top