Bất cập trong giao đất, giao rừng (bài 4)

08:33 - Thứ Năm, 08/08/2024 Lượt xem: 2990 In bài viết

Bài 4: Khơi thông những rào cản

ĐBP - Quá trình thực hiện giao đất, giao rừng, các địa phương đều gặp phải những khó khăn, vướng mắc cơ bản giống nhau, như: Người dân không đồng thuận, diện tích giao chồng lấn, tranh chấp, kinh phí thực hiện hạn chế… Thế nhưng có huyện đã nỗ lực khắc phục và đạt kết quả tích cực, nhưng có huyện lại lúng túng, hạn chế.

Bài 3: “Lỗi hẹn” về đích

Bài 2: Công tác tuyên truyền chưa hiệu quả

Bài 1: “Nút thắt” từ quy hoạch

Đồng chí Giàng Thị Hoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm việc với huyện Tủa Chùa về công tác giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp.

Giai đoạn 2019 - 2023, huyện Mường Ảng được giao thực hiện 13.077ha đất lâm nghiệp, trong đó có 5.592ha có rừng và 7.485ha chưa có rừng. Khi bắt tay vào triển khai thực hiện, huyện Mường Ảng cũng gặp nhiều khó khăn như các địa phương khác, như: Nhiều diện tích đất tranh chấp giữa các hộ dân, giữa các xã; công tác tham mưu thực hiện chưa sát tình hình thực tế; một số xã chưa thật sự vào cuộc; đặc biệt nhiều cộng đồng, hộ dân không nhất trí giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp do lo sợ mất đất sản xuất. Thậm chí có những bản, hộ dân khi cơ quan chức năng đến tuyên truyền, vận động còn chống đối, né tránh.

Thế nhưng với sự quyết liệt, trách nhiệm từ cấp huyện đến các thôn, bản, đến nay huyện Mường Ảng đã cơ bản tháo gỡ được những khó khăn, nhất là nhận được sự đồng thuận của người dân trong quá trình thực hiện. Huyện Mường Ảng đã cơ bản hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ lâm nghiêp (đạt 97,6%); thực hiện cấp 5.346 GCNQSDĐ. Còn 1.271ha điều chỉnh từ huyện Tuần Giáo sang đã thực hiện xong công tác đo đạc ngoại nghiệp; hiện nay đang chờ huyện Tuần Giáo hủy kết quả cấp giấy chứng nhận trước để huyện Mường Ảng cấp lại.

Để đạt được kết quả trên, huyện đã phân công trực tiếp các đồng chí lãnh đạo huyện, thành viên ban chỉ đạo phụ trách các xã. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thành lập hội đồng giao đất, giao rừng cấp xã, thôn bản. Quá trình thực hiện được tổ chức bài bản, cụ thể từng mốc thời gian đến các xã; kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn của liên ngành.

Huyện Mường Ảng trao GCNQSDĐ lâm nghiệp cho người dân xã Nặm Lịch.

Ông Tạ Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Huyện thường xuyên tổ chức họp với các cơ quan, đơn vị tư vấn để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ, trong đó có việc ấn định thời gian, yêu cầu đơn vị tư vấn hoàn thành sản phẩm theo quy định. Đặc biệt, lực lượng chức năng đến từng hộ gia đình cả ngày lẫn đêm để giải thích cho người dân hiểu, đồng thuận. Đối với những cộng đồng, nhóm người không đồng thuận được tách riêng để tuyên truyền cá biệt; đồng thời tranh thủ vai trò của người uy tín trong cộng đồng thôn, bản tham gia.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 15 của HĐND tỉnh khóa XV diễn ra ngày 11/7 vừa qua, nhiều ý kiến đại biểu HĐND tỉnh đã thẳng thắn chỉ rõ một trong những nguyên nhân chính chậm tiến độ giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp là do chưa có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị; cấp ủy, chính quyền một số huyện, xã chưa sát sao. Thậm chí có nơi ngay từ đầu đã giao hết nhiệm vụ cho chính quyền xã và cấp thôn, bản.

Người dân xã Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé) bảo vệ diện tích rừng sau khi được tuyên truyền, thực hiện giao đất, giao rừng.

Một nguyên nhân có ý nghĩa quyết định khác, theo các đại biểu HĐND tỉnh, là công tác tuyên truyền từ cấp huyện đến cơ sở còn nhiều hạn chế, chưa giúp người dân hiểu việc giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp là để đảm bảo quyền lợi cho người dân, xác định được chủ thể, người dân có sổ, có tư liệu góp đất sản xuất. Vì thế bà con mới có suy nghĩ bị mất đất nương sản xuất.

Mục tiêu quan trọng nhất của Kế hoạch 2783/KH-UBND là khi hoàn thành việc giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp sẽ góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân, cho cộng đồng. Đồng thời xác lập đích danh quyền quản lý đối với diện tích đất lâm nghiệp đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác quản lý bảo vệ rừng. Vì vậy, trong thời gian tới cần tập trung tháo gỡ theo hướng: Nơi nào còn vướng mắc, còn tranh chấp, chưa xác định được chủ rừng sẽ khoanh lại, để tập trung thực hiện những chỗ thuận lợi trước, nơi nào khó thực hiện sau. Tiến hành xác định rõ nội dung, mốc thời gian, tiến độ triển khai, phân công cụ thể trách nhiệm tổ chức, cá nhân thực hiện… để kiểm tra, giám sát. Công tác tuyên truyền, vận động phải cụ thể, dễ hiểu; xác định đây là hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương, không được phó mặc cho đơn vị tư vấn.

Anh Lỳ Kỳ Tư, Trưởng bản Đoàn Kết, xã Chung Chải (huyện Mường Nhé) tuyên truyền người dân mục đích, ý nghĩa việc giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp.


Đối với diện tích đất chồng lấn, cần thu hồi các trường hợp đã được giao đất, giao rừng theo Nghị định 163/1999/ND-CP để tránh trường hợp một thửa đất giao cho nhiều chủ sử dụng và được cấp nhiều GCNQSDĐ. Lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực, phương tiện để hoàn thành khối lượng, đảm bảo chất lượng, kế hoạch giao.

Một nút thắt cần tháo gỡ đó là giao đất, giao rừng phải bàn giao ngoài thực địa. Những năm trước việc giao đất, giao rừng nhưng không bàn giao ngoài thực địa dẫn đến tranh chấp đất đai, khiếu kiện, nhất là khi được chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đây cũng là lý do khiến người dân thiếu hợp tác trong rà soát, kiểm đếm, đo đạc diện tích đất lâm nghiệp.

Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top