ĐBP - Nhiều vướng mắc, khó khăn trong triển khai, tổ chức thực hiện các chính sách liên quan đến rừng đã được kiến nghị, làm rõ tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc Quốc hội với UBND huyện Mường Chà và các đơn vị liên quan, diễn ra sáng nay (8/8).
Báo cáo với đoàn công tác, lãnh đạo UBND huyện Mường Chà cho biết: Tính đến ngày 30/6/2024, địa phương đã thực hiện giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 81.627,35ha/92.677,2ha, đạt 88%. Diện tích khoanh nuôi tái sinh không trồng bổ sung 1.858,87ha. Từ năm 2019 - 2023, toàn huyện sử dụng trên 267,1 tỷ đồng để thực hiện các chính sách, tổ chức sản xuất trên diện tích đất, rừng được giao nhằm tạo sinh kế ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đã triển khai 37 dự án trồng sa nhân, với tổng diện tích gần 384ha, 350 hộ dân được hưởng lợi; 11 dự án trồng quế, với gần 195ha, 228 hộ hưởng lợi…
Thực hiện giao khoán phần diện tích đất có rừng cho các cộng đồng nhận khoán quản lý bảo vệ theo quy định. Trong đó, sản xuất vào mục đích lâm nghiệp 680ha, với 2.456 người tham gia; hợp đồng khoán bảo vệ rừng (không kết hợp với sản xuất khác) là 7.435ha, với 3.767 người tham gia.
Quá trình triển khai tại địa phương cho thấy, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần tạo thu nhập ổn định; tạo động lực, thay đổi tư duy của người dân về quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, một số chính sách còn chồng chéo, bất cập, vướng mắc, mức hỗ trợ thấp, sản phẩm đầu ra chưa có cơ sở tiêu thụ ổn định… chưa khuyến khích được đông đảo người dân tham gia. Bên cạnh đó, do tập quán canh tác của người dân xâm canh từ xã này sang xã khác, cùng với quá trình chia tách, sáp nhập địa giới hành chính đã dẫn đến tình trạng dân ở xã này nhưng lại canh tác ở xã khác.
Huyện Mường Chà kiến nghị các bộ, ngành trung ương tham mưu sửa đổi quy định về đối tượng được giao rừng quy định tại điểm c, điểm d, khoản 2, Điều 16 và điểm a, khoản 3, Điều 17, Luật Lâm nghiệp; sớm ban hành cơ chế, quy định triển khai về tín chỉ carbon rừng nhằm tăng nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng.
Sau khi nghe huyện báo cáo, thành viên đoàn công tác chia sẻ với những khó khăn của địa phương. Đặc biệt là những yếu tố mang tính đặc thù, như: Nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao… Đây là những rào cản, ảnh hưởng không nhỏ đến đến việc triển khai, tổ chức thực hiện các chính sách pháp luật liên quan. Đồng thời, trao đổi, làm rõ thêm những khó khăn, vướng mắc và kết quả thực hiện 4 nhóm vấn đề: Kết quả giao đất giao rừng; tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ khoanh nuôi, bảo vệ rừng; xây dựng nhân rộng mô hình phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp bền vững; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Trên cơ sở đó, đoàn công tác sẽ tổng hợp, làm căn cứ đề xuất, tham mưu cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, xây dựng các chính sách phù hợp với tình hình thực tế.