Gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp

08:36 - Thứ Sáu, 09/08/2024 Lượt xem: 8366 In bài viết

ĐBP - Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp quan trọng thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tạo điều kiện cho người dân tận dụng tối đa lợi thế về đất đai để phát triển kinh tế. Những năm gần đây, việc chuyển đổi cơ cấu từ các giống cây trồng kém hiệu quả sang những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đã được các địa phương, hộ sản xuất đẩy mạnh, giúp nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích canh tác.

Người dân xã Tỏa Tình thu hoạch cà phê.

Cà phê là loại cây được huyện Tuần Giáo tiên phong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đến hết năm 2023, huyện có 614,1ha cà phê; trong đó có 325,43ha cà phê kinh doanh. Cây cà phê được trồng tại các xã: Tỏa Tình, Quài Tở, Pú Nhung, Mường Thín, Quài Nưa... trong đó phần lớn diện tích tại xã Tỏa Tình - nơi hình thành vùng sản xuất, vùng nguyên liệu tập trung của huyện.

Năm 2023, xã Tỏa Tình có 405,65ha cà phê (chiếm gần 70% tổng diện tích cà phê toàn huyện), gồm: 225,8ha cà phê kinh doanh và 179,85ha cà phê giai đoạn kiến thiết. Sản lượng cà phê trong năm 2023 đạt 1.919,3 tấn. Hiện nay, cây cà phê đã trở thành cây trồng chủ lực và mang lại giá trị kinh tế cho người dân xã Tỏa Tình. Nguồn thu từ cây cà phê đã giúp rất nhiều hộ dân Tỏa Tình không những giảm nghèo bền vững mà còn có “của ăn, của để” và vươn lên làm giàu.

Với người dân Tỏa Tình, thời gian 2 tháng cuối năm là mùa vất vả song cũng là thời gian vui nhất trong năm vì vào vụ thu hái cà phê, là ngày hưởng thành quả sau 1 năm chăm bón. Năm 2023, cà phê được mùa, được giá, bà con rất phấn khởi. Giá cà phê bình quân đạt 12.000 đồng/kg, lúc cao điểm đạt 15.000 đồng/kg. Xã Tỏa Tình có 7 bản, đến nay đều đã trồng cà phê. Những nương ngô, sắn, lúa nương ngày nào đã được thay thế bởi cây cà phê. Điển hình như bản Hua Sa B, cả 46 hộ đều chuyển đổi cây trồng trên nương sang trồng cà phê. Hộ ít vài nghìn mét, hộ nhiều trồng được vài ba héc ta.

Ông Vừ Gà Nếnh, bản Hua Sa B có trên 4ha cà phê, trong đó hơn 3ha cà phê kinh doanh. Gia đình ông Nếnh đã chuyển đổi khoảng 3/4 diện tích nương của gia đình để trồng cà phê. Sự mạnh dạn trong sản xuất nông nghiệp đã giúp gia đình ông Nếnh thu quả ngọt.

Người dân xã Huổi Lèng (huyện Mường Chà) chuyển đổi cây trồng truyền thống như ngô, sắn sang trồng cây quế.

Ông Vừ Gà Nếnh khẳng định: “Cây cà phê rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Tỏa Tình, cây phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất và chất lượng tốt. Về giá cà phê thay đổi theo thị trường từng năm song giá trị kinh tế mang lại cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng truyền thống. Năm 2023, tôi có 3ha cà phê kinh doanh cho sản lượng hơn 25 tấn quả, với giá trung bình 11.000 đồng/kg, tôi thu nhập gần 300 triệu đồng.”

Thành công với cây cà phê, người dân xã Tỏa Tình đã tích cực, chủ động chuyển đổi, mở rộng diện tích. Các hộ dân chủ động nguồn vốn, tìm hiểu, lựa chọn và mua cây giống về trồng. Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo, năm 2024 xã Tỏa Tình đã trồng mới 247,44ha, nâng tổng diện tích cà phê toàn xã đạt 653,09ha.

Ông Phạm Hữu Chiến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: “Huyện định hướng xây dựng xã Tỏa Tình trở thành vùng sản xuất chuyên canh, vùng nguyên liệu cà phê tập trung. Thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục sát sao trong công tác hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê cho người dân. Đồng thời, linh hoạt các nguồn vốn để hỗ trợ người dân trong quá trình phát triển cây cà phê trên địa bàn.”

Những năm gần đây, các huyện đã và đang tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương, từ các loại cây kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đơn cử như: Các dự án trồng cây quế tại Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ; mô hình trồng bí xanh tại huyện Nậm Pồ và Mường Chà. Các dự án, mô hình bước đầu mang lại hiệu quả và nhận được sự đồng thuận của người dân.

Nguời dân xã Mường Mươn (huyện Mường Chà) chăm sóc vườn bí xanh.

Khoảng 3 năm gần đây, huyện Mường Chà triển khai chuyển đổi đất nương, đất lúa 1 vụ kém hiệu quả sang trồng bí xanh. Đến nay, toàn huyện đã có trên 30ha bí xanh. Những vụ bí đầu tiên cho thấy hiệu quả kinh tế so với các loại cây trồng trước đây. Hiện nay huyện Mường Chà đang triển khai các giải pháp để phát triển bền vững vùng nguyên liệu bí.

Tại xã Mường Mươn, sau nhiều cân nhắc, năm 2022 UBND xã đã triển khai dự án trồng bí xanh từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững. Dự án được thực hiện tại bản Púng Giắt 1, Púng Giắt 2 trên diện tích 2,6ha, 10 hộ dân tham gia. Sau 1 vụ thu hoạch, nhận thấy cây bí xanh cho hiệu quả kinh tế cao, mô hình tiếp tục được người dân nhân rộng. Đến nay, xã Mường Mươn đã có hơn 20ha bí. Toàn bộ diện tích đều được Hợp tác xã Nam Dương bao tiêu sản phẩm.

Ông Quàng A Lềnh, người dân bản Púng Giắt 2 cho biết: “Trước đây, bà con trồng 1 vụ lúa/năm nhưng năng suất thấp. Chuyển sang trồng bí xanh thì thay đổi hẳn. Mỗi năm thu 2 vụ bí, 1 vụ cắt 10 lượt quả. Với giá bán 5.000 - 10.000 đồng/kg tùy thời điểm, cây bí xanh cho thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa 1 vụ.”

Người dân bản Co Nỏng, xã Búng Lao (huyện Mường Ảng) chăm sóc diện tích xoài Đài Loan.

 Cùng với cây bí xanh, thời gian qua huyện Mường Chà đã chuyển đổi hơn 1.500ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao như: Dứa, khoai tây, mắc ca, quế...

Thực tế cho thấy, nhiều dự án, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả và từng bước khẳng định giá trị kinh tế. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương, phù hợp quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tỉnh Điện Biên đã hình thành các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu tập trung như: Cà phê tại Mường Ảng, Tuần Giáo; lúa gạo tại huyện Điện Biên; cây ăn quả tại huyện Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo; chè tại huyện Tủa Chùa… Qua đó từng bước hoàn thành các mục tiêu trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top