Để nâng cao giá trị kinh tế tại những diện tích đất nông nghiệp gặp khó khăn về nước tưới, người dân ở huyện vùng cao Võ Nhai đã chủ động lựa chọn những cây trồng phù hợp đưa vào sản xuất. Năm 2023, huyện chuyển đổi 115ha đất cấy lúa sang trồng cây hằng năm, dự kiến năm 2024 sẽ chuyển đổi thêm 44ha. Điều này đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Việc chuyển từ lúa sang trồng cây lạc đỏ đã giúp gia đình bà Ngô Thị Hoa (xóm Làng Áng, xã Lâu Thượng, Võ Nhai) không còn phải lo nguồn nước tưới vụ xuân. |
Võ Nhai là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh, địa hình đồi núi dốc, nhiều nơi việc đầu tư hệ thống thủy lợi còn gặp nhiều khó khăn nên sản xuất nông nghiệp của người dân phụ thuộc nhiều vào nguồn nước tự nhiên. Những năm trở lại đây, thời tiết ngày càng khắc nghiệt đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất cây trồng, đặc biệt là cây lúa. Để khắc phục, người dân nơi đây đã tích cực học hỏi và mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đơn cử như các hộ dân ở xã Lâu Thượng, Liên Minh đã chuyển từ cấy lúa sang trồng lặc, ngô...
Do ruộng nằm xa hệ thống thủy lợi, lại là chân ruộng cao nên cứ vào vụ xuân là 2 sào đất lúa của gia đình bà Nguyễn Thị Dung, xóm Làng Ánh, xã Lâu Thượng, lại gặp khó khăn về nguồn nước. Vụ xuân vừa qua, bà Dung mạnh dạn đưa cây lạc đỏ địa phương vào trồng thay thế. "Qua vụ đầu tiên trồng lạc tôi nhận thấy cây phát triển tốt. Giống lạc này cũng không mất nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh hại hơn lúa" - bà Dung cho hay.
Ngay sát mảnh ruộng của bà Dung là ruộng lạc của gia đình bà Ngô Thị Hoa. Chia sẻ về hiệu quả kinh tế mà cây lạc đem lại, bà Hoa cho biết: Mỗi sào cho thu 1 tạ lạc khô chưa bóc vỏ, tôi bán với giá 50 nghìn đồng/kg, lãi được hơn 2 triệu đồng, cao gấp 3 lần cấy lúa. Lạc rất dễ bán, khách hàng vào tận nhà để thu mua. Tôi sẽ chuyển đổi thêm những chân ruộng cao đang cấy lúa sang trồng lạc.
Còn gia đình bà Đào Thị Thu, ở xóm Vang, xã Liên Minh, lại chuyển hơn 5 sào đất lúa sang trồng ngô lai. Bà Thu chia sẻ: 5 sào ruộng của gia đình đều thuộc chân ruộng cao, thường xuyên thiếu nước nên năng suất thấp. Trung bình mỗi vụ chỉ đạt 1,1-1,3 tạ thóc/sào, trừ chi phí gia đình thu về khoảng 300-400 nghìn đồng. Sau 5 vụ chuyển đổi sang trồng ngô lai thì thu nhập đã tăng gấp 2-3 lần so với lúa.
Có thể thấy, chuyển đổi cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả đã góp phần khắc phục được tình trạng khó khăn về nguồn nước tưới, nâng cao thu nhập cho người dân và giá trị trên một diện tích đất nông nghiệp. Nếu như năm 2015, giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp của huyện Võ Nhai chỉ đạt trên 57 triệu đồng thì đến hết năm 2023 đã tăng lên 104 triệu đồng.
Theo ngành Nông nghiệp, hiệu quả chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa kém hiệu quả đã khẳng định là hướng đi đúng. Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Trong những năm qua, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện vùng cao Võ Nhai nói riêng đã mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất, từng bước phá thế độc canh cây lúa. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn thay thế cây trồng truyền thống bằng những giống mới có giá trị kinh tế cao. Đây cũng là một trong những nội dung chính của Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Năm 2023, toàn tỉnh Thái Nguyên chuyển đổi khoảng 1.100ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Riêng 6 tháng đầu năm 2024 đã chuyển đổi được khoảng 720ha. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã góp phần tăng giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt, cụ thể, năm 2023 đạt 128,7 triệu đồng/ha. |
|