Dồn lực cho tăng trưởng những tháng cuối năm

06:32 - Chủ Nhật, 11/08/2024 Lượt xem: 3580 In bài viết

ĐBP - Nửa đầu năm 2024, kinh tế tỉnh Điện Biên đã đạt kết quả khá cao, các động lực kinh tế tiếp tục tăng trưởng, áp sát các chỉ tiêu, kịch bản phát triển kinh tế - xã hội đề ra. Những tháng cuối năm, tỉnh Điện Biên tiếp tục dồn lực, chú trọng khai thác tối đa các dư địa của các ngành, lĩnh vực và các động lực kinh tế, quyết tâm hoàn thành kịch bản tăng trưởng chung cả năm 2024 là trên 10,5%.

Các nhà máy thủy điện hoàn thành và đi vào hoạt động đóng góp tích cực cho tăng trưởng khu vực công nghiệp – xây dựng. Trong ảnh: Nhà máy Thủy điện Mường Luân 2 hoàn thành và đi vào hoạt động.

6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng ước đạt 8,75%, song vẫn thấp hơn kịch bản điều hành 1,39 điểm % (đã phê duyệt 10,14%). Trong đó, tăng trưởng của khu vực I (nông, lâm nghiệp và thủy sản) thấp hơn kịch bản 2,19 điểm % (kịch bản 3,91% - thực hiện 1,72%); khu vực II (công nghiệp và xây dựng) thấp hơn kịch bản điều hành 7,74 điểm % (kịch bản 13,74% - thực hiện 5,9%).

Những tháng cuối năm, tỉnh Điện Biên vẫn còn nhiều dư địa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song vẫn còn đó nhiều rủi ro, khó khăn, áp lực… Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 10,5% và thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã đặt ra, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Mặt khác, chỉ đạo quyết liệt 7 nhiệm vụ trọng tâm và 9 nhóm giải pháp chủ yếu đề ra trong Chương trình giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2024.

Giải ngân đầu tư công là động lực để “tăng tốc” cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vì, trong các động lực tăng trưởng, đầu tư công là động lực có thể chủ động “thúc đẩy mạnh mẽ” nhất. Song theo báo cáo của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 32,8%. Mục tiêu giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, toàn tỉnh đạt tối thiểu 95%. Như vậy, trung bình mỗi tháng, mỗi quý cần nỗ lực giải ngân gấp 3 lần so với tốc độ giải ngân của những tháng, quý đầu năm.

Công ty TNHH Sơn Nhị Điện Biên thi công Dự án Di chuyển dân cư bản Thẩm Huổi Đeng, xã Nậm Nèn (huyện Mường Chà).

Để tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư, ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh đã tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, địa phương coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm để tạo ra động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Đặc biệt là Chỉ thị 2384/CT-UBND ngày 29/5/2024 của UBND tỉnh về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, kết quả giải ngân vốn đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Thời điểm giữa tháng 3/2024, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt trên 12%; toàn tỉnh có 105 chương trình, dự án chưa giải ngân (tỷ lệ giải ngân bằng 0). Đến 30/6 tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn đã tăng lên hơn 32%, cao hơn mức bình quân cả nước (trên 30%); từ 105 dự án chưa giải ngân chỉ còn 15 dự án (chủ yếu là các dự án liên quan lĩnh vực đầu tư, công tác bảo vệ, phát triển rừng).

6 tháng đầu năm, huyện Mường Ảng đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 39% kế hoạch vốn, là một trong những đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn tốt của tỉnh. Những tháng cuối năm, huyện phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công, bao gồm: Vốn giao năm 2024 và vốn kéo dài từ năm 2023 sang 2024.

Mô hình nuôi ong mật tại xã Sam Mứn, huyện Điện Biên.

Ông Tạ Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: 6 tháng cuối năm, huyện chú trọng đôn đốc các chủ đầu tư bám sát hiện trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án. Tổ chức nghiệm thu ngay sau khi có khối lượng để hoàn thiện hồ sơ thanh toán. Huyện phấn đấu đến 30/9, tỷ lệ giải ngân vốn năm 2024 đạt trên 60% và tỷ lệ giải ngân vốn kéo dài đạt trên 70% kế hoạch vốn. Dự kiến đến 31/1/2025, tỷ lệ giải ngân vốn đạt 100%.

Tổng giá trị sản phẩm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản toàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm đạt 1.203,14 tỷ đồng, tăng 1,72% so với cùng kỳ năm trước, song vẫn thấp hơn kịch bản tăng trưởng 2,19 điểm % (kịch bản 3,91%). Năm 2024, ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng trên 3% so với năm 2023.

Ông Lò Văn Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Những tháng cuối năm 2024, Sở sẽ tập trung tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa. Tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản của từng địa phương theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Người dân bản Chá, xã Quài Nưa (huyện Tuần Giáo) thực hiện dự án trồng cây mắc ca theo hướng liên kết sản xuất.

Đối với lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, những tháng cuối năm, ngành Công Thương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thủy điện đang triển khai để sớm đưa vào vận hành khai thác trong năm 2024. Tiếp tục tạo điều kiện để các nhà đầu tư lớn có tiềm năng khảo sát, nghiên cứu phát triển các dự án năng lượng tái tạo như: Điện gió, điện sinh khối, thủy điện, trong đó trọng tâm là dự án Điện gió BCG Điện Biên 1 của nhà đầu tư Bamboo Capital Group tại huyện Điện Biên Đông với quy mô công suất 175MW; dự án điện gió Envision Nậm Pồ của nhà đầu tư Envision tại huyện Nậm Pồ.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động trong chuỗi hoạt động Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024, nhất là sự kiện bế mạc Chương trình Năm Du lịch quốc gia để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển các thành phần kinh tế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm.

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top