Thời gian qua, kinh tế của tỉnh Hà Giang đạt tốc độ tăng trưởng khá, đứng thứ 6/14 tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc, 41/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 giảm 1,17% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng giảm 53,95%, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,08%... Điều này ảnh hưởng sâu sắc đến việc phục hồi và phát triển kinh tế chung của tỉnh.
Những ngày đầu tháng 8, phân xưởng sản xuất của Nhà máy chế biến gỗ công nghiệp Vị Xuyên - Công ty Cổ phần Công nghiệp và Xuất nhập khẩu lâm nghiệp Hà Giang (Khu Công nghiệp Bình Vàng) rộng hàng nghìn m2 với hệ thống dây chuyền đồng bộ, khép kín nhưng chỉ có vài chục công nhân trong ca làm việc. Đại diện Công ty cho biết, 100% sản phẩm gỗ ván ép công nghiệp dành cho xuất khẩu, thời gian gần đây nhà máy chưa thể vận hành hết dây chuyền sản xuất bởi sức hấp thụ của thị trường chưa lớn, làm nhiều rơi vào tồn kho, kéo theo khó khăn về vốn lưu động.
Nhà máy chế biến quặng sắt (Thuận Hòa - Vị Xuyên) của Công ty Cổ phần Khoáng sản Nam Lương chưa thể hoạt động do vướng thủ tục thuê đất. |
Nhà máy chế biến gỗ công nghiệp được Công ty Cổ phần Công nghiệp và Xuất nhập khẩu lâm nghiệp Hà Giang đầu tư với tổng vốn trên 295 tỷ đồng gồm 3 dây chuyền sản xuất ván MDF, ván dán, ván thanh. Trong đó, dây chuyền sản xuất ván MDF, công suất 80 nghìn m3/năm, tổng mức đầu tư 163 tỷ đồng. Thời gian qua, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn do đứt gẫy chuỗi cung ứng, sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm, một số dây chuyền hoạt động cầm chừng nên ảnh hưởng nhiều đến đời sống người lao động. Mặc dù những khó khăn về thị trường xuất khẩu, nguyên liệu gỗ đầu vào và chuỗi logistic bị ảnh hưởng, nhưng ban lãnh đạo Công ty luôn chủ động tìm kiếm thị trường, cố gắng duy trì sản xuất. Từ sự linh hoạt đàm phán, tìm kiếm đối tác cung ứng nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm nên từ đầu năm đến nay, dây chuyền sản xuất ván dán hoạt động ổn định, tạo công ăn việc làm cho 180 lao động, với mức thu nhập bình quân 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Đó là những cố gắng vượt bậc của doanh nghiệp để duy trì hoạt động sản xuất chế biến gỗ - ông Nguyễn Thanh Xuân, Giám đốc Công ty cho biết.
Dự án khai thác và tuyển quặng sắt Nam Lương - Công ty Cổ phần Khoáng sản Nam Lương được UBND tỉnh chấp thuận, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép với diện tích 23,6 ha, trữ lượng khai thác trên 2,1 triệu tấn, thời hạn 16 năm. Từ năm 2020, doanh nghiệp đã đầu tư 160 tỷ đồng xây dựng nhà máy, lắp đặt dây chuyền tuyển quặng sắt và bãi tập kết tại xã Thuận Hòa (Vị Xuyên). Quá trình đầu tư đã hoàn thành từ năm 2022, nhưng nhà máy vẫn chưa thể đi vào hoạt động do còn vướng thủ tục liên quan đến đất đai. Đầu năm 2024, UBND tỉnh có quyết định cho thuê đất và giao ngành chức năng hoàn thiện thủ tục, nhưng đến nay Công ty vẫn chưa được ký hợp đồng thuê đất, điều này đồng nghĩa với việc chưa thể đưa nhà máy vào hoạt động.
Công nhân Công ty Cổ phần Công nghiệp và Xuất nhập khẩu lâm nghiệp Hà Giang kiểm tra sản phẩm trước khi đóng gói. |
Vừa qua, chúng tôi có chuyến thực tế tại nhà máy, toàn bộ dây chuyền thiết bị sau thời gian vận hành thử đã nằm im, phơi sương, phơi nắng, bắt đầu gỉ sét, cỏ mọc um tùm. Ông Bùi Xuân Thủy, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty Cổ phần Khoáng sản Nam Lương cho biết, nhìn đống tài sản cả trăm tỷ đồng đang hoen gỉ theo thời gian ai cũng xót xa, nếu không sớm được đưa vào hoạt động nó sẽ trở thành đống sắt vụn và khi vận hành lại doanh nghiệp sẽ mất số tiền rất lớn cho khâu bảo trì, bảo dưỡng máy móc. Trong thời gian chờ làm thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, Công ty đã hoàn thiện các phần việc theo khuyến nghị của ngành chức năng, cải tạo lại tuyến đường đến khu khai thác quặng tại xã Thái An (Quản Bạ), hoàn thiện hạ tầng khu vực bãi chứa chất thải... đảm bảo đủ điều kiện đưa dự án vào hoạt động. Ban lãnh đạo Công ty rất mong các thủ tục hành chính được ngành chức năng vào cuộc, giải quyết sớm để dự án khai thác, chế biến khoáng sản đi vào hoạt động nhằm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, nộp ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho người lao động.
Những dẫn chứng trên chỉ là lát cắt nhỏ trong tổng thể bức tranh công nghiệp tỉnh ta thời gian qua, nhưng tác động của nó lại rất lớn. Theo đánh giá của UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 3.555 tỷ đồng, tăng 0,41% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất lợi nên chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 1,17% so với cùng kỳ năm 2023. Giảm sâu nhất là công nghiệp khai khoáng (53,95%) do thị trường tiêu thụ chưa ổn định, lượng tồn kho lớn dẫn đến sản xuất cầm chừng, một số mỏ đang hoàn thiện thủ tục pháp lý nên tạm dừng hoạt động. Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,08% do một số doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Vũ Văn Tiến, Phó Trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh, hoạt động công nghiệp trên địa bàn tỉnh ta đang dần chuyển từ sản xuất sản phẩm thô sang sơ chế và tinh chế để nâng cao giá trị; các dự án khai khoáng đã phát huy được lợi thế so sánh về tài nguyên. Tại Khu Công nghiệp Bình Vàng, 6 tháng đầu năm hoạt động sản xuất công nghiệp được phục hồi, nhiều nhà máy như: Sản xuất gỗ ván ép xuất khẩu của Công ty TNHH Chiến Mai; nhà máy bê tông đúc sẵn của Công ty TNHH Phúc Lâm, Công ty TNHH Hải Phú đã và đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Đến thời điểm hiện tại, Khu Công nghiệp Bình Vàng thu hút được 24 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên 3,5 nghìn tỷ đồng.
Nhằm thúc đẩy sự phục hồi, tăng trưởng sản xuất công nghiệp theo Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh ta đã, đang tập trung chỉ đạo, nắm bắt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh việc triển khai các hoạt động sản xuất công nghiệp. Duy trì hoạt động các mỏ sắt, chì - kẽm, antimon tại các địa phương; các nhà máy chế biến gỗ, khoáng sản tại Khu Công nghiệp Bình Vàng, Cụm Công nghiệp Nam Quang (Bắc Quang), Tân Bắc (Quang Bình), các nhà máy thuỷ điện, chế biến chè... Thực hiện tốt chính sách khuyến công, áp dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất; nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần gia tăng giá trị ngành công nghiệp của tỉnh.