Tăng cường phân tích theo chuỗi mua bán hóa đơn, hàng hóa

14:40 - Thứ Hai, 12/08/2024 Lượt xem: 2285 In bài viết

Tổng cục Thuế cho biết, triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là một định hướng lớn cho năm 2024 và các năm tiếp theo. Theo đó, khu vực kinh tế cá thể đã và đang phát triển đa dạng, góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động, thực hiện xóa đói, giảm nghèo và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN).

Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của khu vực này khá phức tạp, khả năng tuân thủ pháp luật nói chung và pháp luật thuế nói riêng của các hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh chưa cao, ảnh hưởng đến công tác quản lý thuế, gây thất thu NSNN. Tổng cục Thuế đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường công tác quản lý hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (HKD, CNKD) để hạn chế tình trạng này.

Ngành thuế hỗ trợ người dân nộp thuế cá nhân điện tử.

Theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, cơ quan thuế các cấp đã rà soát đối tượng tại địa bàn để tránh bỏ sót HKD, CNKD; đồng thời, tổ chức khảo sát doanh thu và các yếu tố liên quan đến hoạt động kinh doanh thực tế của hộ kinh doanh để điều chỉnh doanh thu, mức thuế khoán sát với thực tế phát sinh. Ngành Thuế rà soát chuẩn hóa thông tin đăng ký thuế cá nhân, trong đó có thông tin của chủ hộ kinh doanh; rà soát cơ sở dữ liệu trên Cổng thông tin điện tử do các sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp. Từ các cơ sở dữ liệu đó, ngành tăng cường triển khai hóa đơn điện tử đối với hộ kinh doanh, nhất là tăng cường phối hợp với cơ quan, ban, ngành địa phương quản lý, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Song song với đó, toàn ngành tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thuế đối với HKD, CNKD; hướng dẫn HKD, CNKD thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế theo quy định pháp luật, trong đó lưu ý tập trung hướng dẫn một số nội dung cơ quan thuế đã triển khai nhằm hiện đại hóa trong công tác quản lý thuế đối với HKD, CNKD. Toàn ngành thực hiện bản đồ số hộ kinh doanh, bảo đảm thông tin minh bạch, tăng cường giám sát của người dân và các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương, giúp cho cơ quan thuế quản lý người nộp thuế nắm bắt tốt địa bàn nhằm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, chống sót hộ, chống thất thu ngân sách. Đến nay, đã có 31.766 hộ kinh doanh được đưa thêm vào quản lý thông qua triển khai Bản đồ số với số thuế tăng thêm là 12,7 tỷ đồng.

Không những thế, Bộ Tài chính đã gửi công văn đề nghị các đồng chí Bí thư, Chủ tịch tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan phối hợp với cơ quan thuế trong công tác chỉ đạo điều hành công tác thu NSNN trên địa bàn đối với hộ kinh doanh.

Tổng cục Thuế cũng cho biết, toàn ngành đang dốc sức hoàn thiện cơ chế quản lý rủi ro, nâng cao hiệu quả công tác chống thất thu NSNN. Với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khi số lượng cán bộ, công chức có hạn. Việc áp dụng quản lý thuế theo rủi ro sẽ giúp cơ quan nhà nước phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tập trung quản lý nhóm người nộp thuế có mức độ tuân thủ thấp nhất, khả năng gian lận về thuế cao nhất, từ đó có biện pháp giám sát chặt chẽ và xử lý kịp thời, nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế.

Tổng cục Thuế thực hiện thu thập, xử lý dữ liệu từ bên trong và từ các cơ quan, tổ chức bên ngoài, xây dựng các Bộ Chỉ số tiêu chí, quy trình và ứng dụng về phân tích, nhận diện rủi ro người nộp thuế; phân loại hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng và kiểm tra sau hoàn; giám sát chặt chẽ việc sử dụng hóa đơn. Ngành đã xây dựng cơ sở dữ liệu đối soát dữ liệu lớn với hóa đơn điện tử, xây dựng chức năng cảnh báo xuất hóa đơn vượt ngưỡng an toàn; bước đầu nghiên cứu, áp dụng AI vào phân tích dữ liệu hóa đơn điện tử để phát hiện rủi ro giá bất thường, phân tích chuỗi mua bán hóa đơn theo từng mặt hàng rủi ro hoặc theo chuỗi quan hệ mua bán của các doanh nghiệp trong nền kinh tế giúp tìm các chuỗi nghi ngờ (mua bán lòng vòng, chỉ mua không bán, chỉ bán không mua, xuất khống hóa đơn...).

Kết quả cho thấy, từ khi triển khai nâng cấp chức năng cảnh báo sử dụng hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc đến nay, đã có trên 1,8 triệu lượt cảnh báo với 402.500 lượt email cảnh báo đã được gửi tới người nộp thuế. Cơ quan thuế cũng đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra đối với 182 người nộp thuế; đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra 64 người nộp thuế và đã ban hành Quyết định thanh tra, kiểm tra 20 người nộp thuế. Đáng lưu ý, ngành đã chuyển hình thức sử dụng hóa đơn từ không mã sang có mã đối với 104 doanh nghiệp; 305 doanh nghiệp rủi ro cao cần thanh tra, kiểm tra về hóa đơn trong đó đã chuyển 137 doanh nghiệp vào danh sách thanh tra, kiểm tra trong công tác quản lý và sử dụng hóa đơn.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top