Vấn đề kỳ này

Quyết tâm giành vụ lúa mùa bội thu

17:55 - Thứ Hai, 12/08/2024 Lượt xem: 3058 In bài viết

ĐBP - Vụ mùa năm 2024 toàn tỉnh gieo cấy khoảng 21.274ha lúa ruộng; 23.477ha lúa nương. Xác định, sản xuất nông nghiệp (chủ lực là cây lúa ruộng) đang đem lại nguồn thu nhập chính cho bà con nông dân. Do vậy, ngay từ đầu vụ, bà con đã chủ động chọn các giống lúa mới phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thời gian sinh trưởng ngắn, cho năng suất, chất lượng cao, và đặc biệt là khả năng kháng sâu bệnh tốt đưa vào vào sản xuất. Cùng với đó, gieo trồng đúng lịch thời vụ, biện pháp chăm sóc khoa học, phù hợp để giành năng suất, sản lượng cao.

Hiện nay, lúa trà sớm đang giai đoạn làm đòng - đòng già; trà chính vụ giai đoạn làm đòng; trà muộn giai đoạn đứng cái. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến phức tạp, nắng ẩm, mưa nhiều, nắng mưa xen lẫn nhiều lần trong ngày, là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát triển, lây lan trên diện rộng.

Báo cáo của cơ quan chuyên môn cho thấy, tình hình sinh vật gây hại trên lúa vụ mùa có chiều hướng diễn biến phức tạp. Các đối tượng chính như tập đoàn rầy, bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá, bệnh khô vằn… gây hại trên diện tích 609ha, và nguy cơ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Mặt khác, thời tiết từ đầu tháng 7 đến nay mưa liên tục, gây khó khăn cho công tác phòng trừ, hiệu quả phòng trừ sâu bệnh đạt thấp.

Theo dự báo khí tượng thuỷ văn, từ nay đến cuối tháng 8, nhiệt độ trung bình phổ biến và tổng lượng mưa xấp xỉ và cao hơn so với trung bình nhiều năm. Dự báo lúa trà sớm trỗ tập trung trước ngày 20/8, trà chính trỗ tập trung từ 20 - 28/8, trùng với thời điểm tập đoàn rầy lứa 7 nở rộ, nguy cơ gây cháy cục bộ. Sâu cuốn lá nhỏ lứa 6, bệnh khô vằn, bạc lá tiếp tục tăng mạnh; bệnh đạo ôn cổ bông có nguy cơ phát sinh, gây hại trên trà sớm - chính vụ.

Để tập trung triển khai các biện pháp phòng chống sinh vật gây hại lúa vụ mùa năm 2024, nhằm bảo vệ an toàn sản xuất, giữ vững an ninh lương thực, ngành chủ quản là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các cấp, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cần tập trung bám nắm cơ sở, thường xuyên có dự tính, dự báo và kịp thời chỉ đạo cơ quan, đơn vị chuyên môn cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, bám đồng ruộng, điều tra phát hiện, nhận định tình hình, kịp thời chỉ đạo bà con nông dân phòng trừ sâu bệnh hiệu quả.

Trên trà lúa sớm và trà chính vụ, cần tập trung vào một số sinh vật gây hại như: rầy trưởng thành lứa 6 và rầy non lứa 7, tập trung từ trung tuần tháng 8 đến đầu tháng 9 - giai đoạn lúa trỗ bông, chín sữa. Tiếp tục chỉ đạo phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông khi lúa bắt đầu trỗ và sau khi khi trỗ đều, đặc biệt tại các huyện: Điện Biên, Mường Ảng, Tủa Chùa và thành phố Điện Biên Phủ... Tập trung tại những nơi áp lực bệnh cao (khu ruộng giáp với các diện tích nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông, giống nhiễm, chân ruộng thường xuyên khô hạn, tiền dịch, ruộng có bộ lá xanh tốt...). Đối với bệnh bạc lá, khi xuất hiện bệnh, bà con ngừng bón phân đạm, không phun kích thích sinh trưởng và luôn giữ đủ nước trong ruộng. Tại những vùng có nguy cơ cao, thời điểm trước hoặc ngay sau đợt mưa giông, có thể sử dụng thuốc trong danh mục để phun phòng sớm. Chủ động theo dõi, phòng trừ nhện gié, bệnh đen lép hạt, khô vằn…

Với trà lúa muộn, cần tiếp tục chỉ đạo nông dân phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, tập đoàn rầy từ đầu đến trung tuần tháng 9, giai đoạn lúa làm đòng - trỗ bông. Chỉ đạo bà con chăm sóc và bón phân tập trung, không bón đón đòng muộn để giảm thiểu sự phát sinh, gây hại của dịch hại. Thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc chính quyền cấp xã tập trung vào cao điểm dịch hại giai đoạn từ nay đến trung tuần tháng 9. Tăng cường công tác kiểm tra việc buôn bán vật tư nông nghiệp, không để tình trạng lợi dụng cao điểm phòng trừ dịch hại để găm hàng, tăng giá, tạo sốt ảo thiếu hàng cục bộ hoặc bán hàng không đảm bảo chất lượng.

Cùng với đó, phối hợp với các đơn vị chuyên môn trên địa bàn cấp huyện thường xuyên nắm bắt tình hình sinh vật gây hại và chỉ đạo dập dịch kịp thời. Tổ chức kiểm tra thực tế tại các địa bàn trọng điểm về sâu bệnh để có giải pháp hỗ trợ địa phương trong công tác điều tra, phát hiện, dự báo và khoanh vùng dập dịch. Một mặt, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân nắm bắt tình hình sinh vật gây hại và các biện pháp phòng chống một cách chủ động. Mục đích, cho vụ lúa mùa giành năng suất, chất lượng cao, đời sống nông dân được nâng lên, sẽ tiếp thêm động lực để bà con gắn bó hơn với đồng ruộng.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top