Xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo:

Khơi thông đầu ra, giữ đà tăng trưởng

09:24 - Thứ Ba, 13/08/2024 Lượt xem: 2536 In bài viết

Công nghiệp chế biến, chế tạo là một trong những ngành kinh tế chủ chốt, thúc đẩy xuất khẩu, song tính liên kết chưa cao, khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế.

Thực tế này đặt ra yêu cầu cần khơi thông đầu ra nhằm giữ đà cho tăng trưởng xuất khẩu.

Kiểm tra chất lượng thép xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: Thư Hà

Thiếu liên kết kìm hãm sự phát triển

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, 7 tháng của năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt gần 192 tỷ USD, chiếm 84,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều nhóm sản phẩm đạt tốc độ tăng trưởng cao, như: Máy ảnh, máy quay phim, linh kiện, tăng 51,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 30%...

Đặc biệt, trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường lớn sụt giảm, các doanh nghiệp nhóm hàng này đã thực hiện tốt việc đa dạng hóa thị trường. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang các nước châu Phi, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Á tăng trưởng.

Tuy nhiên, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm ngày 30-6 tăng 7,6% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 9,6% so với cùng thời điểm năm trước. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành tháng 6-2024 giảm 4,3% so với tháng trước và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước.

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anh chỉ rõ hạn chế của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đó là 88% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên đa số có trình độ công nghệ, quản lý thấp, nguồn nhân lực hạn chế, thiếu cơ hội tiếp cận khách hàng… Điều này dẫn tới các doanh nghiệp khó đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của đối tác về tiêu chuẩn, chất lượng, giá cả, thời gian giao hàng…

Ngoài ra, sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp cũng kìm hãm sự phát triển của ngành.

Tăng cường xúc tiến thương mại

Theo các chuyên gia, để giữ nhịp tăng trưởng cho nền kinh tế, việc mở rộng thị trường cho sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo được coi là quan trọng hàng đầu, nhất là khi lượng hàng tồn kho có xu hướng tăng.

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anh cho biết, thông qua “Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ”, Bộ Công Thương đã triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và có cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Cụ thể như hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; kết nối với các tập đoàn lắp ráp đa quốc gia và các nhà cung ứng thế giới nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài…

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm, dù đã xuất khẩu tới 113 thị trường, song ngành dệt may đang tiếp tục đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và tận dụng các hiệp định thương mại tự do. Thời gian tới, ngành mong muốn các cơ quan chức năng, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ nhiều hơn về thông tin thị trường, chính sách của nước sở tại... Ngành cũng kiến nghị Bộ Công Thương và các địa phương thúc đẩy thực hiện “Chiến lược Phát triển dệt may, da giày” của Chính phủ nhằm hình thành tổ hợp, khu công nghiệp dệt may lớn để có thể sản xuất nguyên, phụ liệu đáp ứng cho xuất khẩu.

Còn theo Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Trương Thị Chí Bình, yêu cầu về tái chế đang là thách thức của ngành. Do đó, các doanh nghiệp rất cần hỗ trợ thông tin, kinh nghiệm tại những thị trường về vấn đề này, đồng thời kết nối để mở rộng thị trường, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu.

Về vấn đề này, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng cho biết, thời gian tới, thương vụ sẽ tiếp tục phối hợp kết nối, giới thiệu để có thêm nhiều doanh nghiệp, ngành hàng tham dự các hội chợ chuyên đề, như hội chợ ngành công nghiệp hỗ trợ Fabtech 2024 tháng 10-2024 tại Orlando; Hội chợ IMTS do Hiệp hội Công nghệ sản xuất Hoa Kỳ tổ chức tại Chicago tháng 9-2024… Để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu, các doanh nghiệp cần tiếp tục đổi mới sáng tạo, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng công nghệ trong mỗi sản phẩm, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh.

Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường để các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo rộng đường xuất khẩu. Trong đó tập trung triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép… Cùng với đó, Bộ sẽ thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tăng năng lực phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top