Tạo đà cho kinh tế tuần hoàn lúa gạo

15:27 - Thứ Ba, 13/08/2024 Lượt xem: 2395 In bài viết

Hiện nay, lượng phụ phẩm trong sản xuất và chế biến lúa gạo ở nước ta rất lớn và đa dạng. Việc tái sử dụng phụ phẩm lúa gạo được đánh giá sẽ mang lại nguồn kinh tế cao, giảm phát thải khí nhà kính...

Thu hoạch lúa hè thu tại xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè, Tiền Giang. (Ảnh NGUYỄN SỰ)

Tuy nhiên, phần lớn nguồn phụ phẩm lại chưa được sử dụng hợp lý, gây lãng phí và ảnh hưởng xấu đến môi trường, khiến ngành lúa gạo gặp nhiều khó khăn trong mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hằng năm sản lượng lúa cả nước đạt khoảng 44-45 triệu tấn. Phụ phẩm chính trong sản xuất chế biến lúa gạo, gồm: Sản lượng rơm khoảng 45 triệu tấn, sản lượng trấu 8-9 triệu tấn và sản lượng cám khoảng 4-4,5 triệu tấn...

Chưa khai thác hết giá trị từ phụ phẩm

Giám đốc Hợp tác xã New Green Farm (phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ) Đồng Văn Cảnh cho biết: Hợp tác xã đang canh tác khoảng 100 ha lúa/vụ; mỗi héc-ta lúa cho khoảng 100 cuộn rơm. Hiện hợp tác xã đã sử dụng rơm để làm phân bón hữu cơ với giá bán khoảng 3,5 triệu đồng/tấn và khoảng 70.000 đồng/bao 20 kg. Khoảng 45 ngày, hợp tác xã sản xuất được một mẻ phân hữu cơ từ 30-60 tấn.

Theo Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ Phạm Thị Minh Hiếu, nếu canh tác lúa theo cách truyền thống thì 1 ha lúa người dân có lợi nhuận khoảng 86 triệu đồng/3 vụ/năm. Nhưng nếu tận dụng sản phẩm từ rơm rạ để trồng nấm, làm phân hữu cơ thì mức lợi nhuận sẽ lên tới 133 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, hiện nay số hợp tác xã sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm còn rất ít.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng cho biết: Việt Nam đang tập trung triển khai Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, cho nên vấn đề xử lý phụ phẩm sau thu hoạch lúa nhằm tăng nguồn thu cho nông dân và góp phần hạn chế tác động đến môi trường là vô cùng quan trọng.

Hiện nay, tại Đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm tạo ra khoảng 24,4 triệu tấn rơm rạ nhưng chỉ có 30% được thu gom, tương đương khoảng 7,4 triệu tấn, còn 70% được đốt hoặc vùi vào đồng ruộng. Chính việc này đã gây lãng phí nguồn phụ phẩm từ lúa gạo và gây ô nhiễm môi trường, tăng phát thải khí nhà kính. Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối nông nghiệp nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong tổng số hợp tác xã tham gia Đề án một triệu héc-ta lúa mới có 80% hợp tác xã có áp dụng biện pháp thu gom rơm ra khỏi đồng ruộng. Phần lớn rơm được thu gom ra khỏi đồng ruộng vào vụ đông xuân để tái sản xuất làm nấm rơm, nuôi gia súc, làm phân hữu cơ...

Trong vụ đông xuân, có 29% hợp tác xã thu gom hơn 70% lượng rơm và 28% hợp tác xã thu gom từ 50-70% lượng rơm ra khỏi đồng và 43% không thu gom rơm ra khỏi đồng ruộng mà sử dụng máy băm rơm

kết hợp phun chế phẩm sinh học để phân hủy rơm và cày vùi, còn một phần bà con đốt đồng. Trong vụ hè thu và thu đông, tỷ lệ không thu gom rơm chiếm đến 69,78% do vào mùa mưa nên khó thu gom. Hiện nay, máy cuộn rơm có thể sử dụng trong mùa nắng và mùa mưa rất thuận lợi. Tại một số địa phương, rơm được thu mua với giá dao động từ 400.000-800.000 đồng/ha; bán ra cho người sử dụng với giá 25.000-40.000 đồng/cuộn rơm.

Tuy nhiên các vùng sản xuất lúa chuyên canh ở gần vườn cây ăn trái thì khá thuận lợi do nhà vườn có nhu cầu rơm rạ. Ngược lại những vùng chỉ canh tác lúa trên diện tích lớn thì nhu cầu rơm rạ ít, thường là tự cung tự cấp, rơm rạ lại khá cồng kềnh khó vận chuyển, giá chuyên chở từ nội đồng ra chi phí lớn nên hợp tác xã vẫn chưa tăng thêm lợi nhuận từ mua bán rơm rạ.

Ngoài rơm thì hiệu quả kinh tế từ sử dụng phụ phẩm trấu, cám cũng rất lớn nhưng đều chưa được tận dụng triệt để. Cụ thể như chế biến thức ăn chăn nuôi từ trấu; chế biến củi trấu xuất khẩu...

Đối với chế biến các sản phẩm từ cám, chế biến dầu cám cho hiệu quả cao nhất với giá trị gia tăng đạt 25,5 triệu đồng/tấn, doanh nghiệp thu được lợi nhuận khoảng 14,5 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, tất cả các hình thức chế biến này đều có chi phí cao, đòi hỏi công nghệ tiên tiến, vì vậy hiệu quả sử dụng còn thấp do các doanh nghiệp chủ yếu đầu tư sản xuất mà chưa có điều kiện tập trung nguồn lực tài chính cho chế biến phụ phẩm.

Giải pháp công nghệ và chính sách

Ông Phan Văn Tâm - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền cho biết: Công ty đang từng bước xây dựng mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ phụ phẩm lúa như nghiên cứu sản xuất phân bón hữu cơ, giá thể, than sinh học từ rơm rạ. Công ty cũng hợp tác với Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) hỗ trợ hợp tác xã sản xuất phân compost từ rơm; xây dựng mô hình kinh doanh nông nghiệp tuần hoàn từ rơm (thu gom, trồng nấm, làm phân bón hữu cơ…); nghiên cứu giảm phát thải bằng cách xử lý rơm trên ruộng khô…

Để khai thác hiệu quả phụ phẩm thì cần chú trọng quan tâm đến cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ việc vận chuyển nguồn nguyên liệu phụ phẩm từ các vùng sản xuất đến các nhà máy chế biến nhằm giảm giá thành, tạo sức cạnh tranh cho các sản phẩm chế biến từ phụ phẩm.

Trước yêu cầu cấp bách chuyển đổi ngành lúa gạo Việt Nam theo mô hình kinh tế tuần hoàn, việc sử dụng, chế biến phụ phẩm cần được triển khai hiệu quả hơn nữa. Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng, thời gian tới, cần có các giải pháp về kỹ thuật, tài chính, cơ chế, chính sách mạnh mẽ tạo “đòn bẩy” cho hoạt động này.

Cụ thể, áp dụng công nghệ hiện đại, năng suất cao như sử dụng máy ép của Ấn Độ, Đài Loan trong sản xuất thanh nhiên liệu từ trấu để hạ giá thành, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm; đầu tư kho bảo quản cám tại các cơ sở xay xát lớn để nâng cao chất lượng cám, hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng ẩm mốc; tăng cường sử dụng cám đưa vào chế biến thức ăn chăn nuôi để thay thế một phần nguyên liệu nhập khẩu vì nhu cầu nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước còn rất lớn; xây dựng cơ sở trích ly, tinh luyện dầu cám tại các trung tâm xay xát lúa gạo lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Về khoa học, công nghệ và khuyến công, cần tập trung đầu tư nghiên cứu công nghệ, chế tạo các thiết bị dây chuyền chế biến phụ phẩm với công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến, suất đầu tư hợp lý, phù hợp với quy mô vùng nguyên liệu; chuẩn hóa các thiết bị, dây chuyền chế biến phụ phẩm quy mô nhỏ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các đề tài, dự án nghiên cứu về sử dụng phụ phẩm nông nghiệp; chú trọng phát triển các công nghệ đã minh chứng hiệu quả kinh tế và môi trường.

Theo đó, các cơ quan chức năng cần xây dựng cơ chế, chính sách riêng để khuyến khích phát triển các doanh nghiệp chế biến phụ phẩm nông nghiệp quy mô nhỏ và vừa để tiêu thụ phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ cho nông dân; hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư đối với từng địa bàn có tính đặc thù của các vùng, miền, ngành hàng theo tinh thần của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời có chính sách hỗ trợ vốn vay đối với nhóm danh mục máy, thiết bị sơ chế, bảo quản, chế biến nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chế biến phụ phẩm nông nghiệp.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top