Hồ Thầu phát triển cây dược liệu

16:29 - Thứ Ba, 13/08/2024 Lượt xem: 1782 In bài viết

Xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì), tỉnh Hà Giang có độ cao trung bình trên 1.000 m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm, rất thích hợp cho các loại cây dược liệu phát triển. Nhận thấy đây là tiềm năng lớn để phát triển kinh tế, xã đã tập trung khuyến khích, vận động, hướng dẫn nhân dân mở rộng diện tích trồng cây dược liệu để nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.

Gia đình chị Xạ Thị Ơi, thôn Tân Thành, xã Hồ Thầu bắt đầu trồng cây Sa nhân từ năm 2017. Hiện, gia đình chị có gần 1 ha Sa nhân cho thu hoạch ổn định. Chị Ơi chia sẻ: Sa nhân là loài cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, chỉ cần một lần trồng và các năm tiếp theo áp dụng biện pháp kỹ thuật chăm sóc tốt thì có thể cho thu hoạch quả nhiều năm liên tiếp. Cây rất dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc, làm cỏ, chi phí đầu tư ít, sau khi trồng 2-3 năm là cho thu hoạch. Thương lái thường thu mua với giá từ 60 - 80 nghìn đồng/kg quả tươi, quả khô thì có thể đạt từ 150 - 200 nghìn đồng/kg. So với các cây trồng truyền thống như ngô, đậu tương thì thu nhập cao hơn nhiều, vì vậy hiện nay trong thôn ngày càng có nhiều hộ mở rộng diện tích trồng Sa nhân.

Mô hình trồng cây dược liệu trong nhà lưới của người dân thôn Chiến Thắng.

Toàn xã hiện có trên 48 ha Sa nhân, nhiều diện tích đã bắt đầu cho thu hoạch với giá bán khá cao, vì vậy bà con rất phấn khởi, tích cực chăm sóc và mở rộng diện tích. Theo lãnh đạo xã Hồ Thầu, cây Sa nhân rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, tận dụng được diện tích đất dưới tán rừng, tốn ít công chăm sóc, có thể thu hoạch trong thời gian 10 - 12 năm. Ngoài hiệu quả kinh tế, việc trồng Sa nhân dưới tán rừng còn góp phần chống rửa trôi và xói mòn đất, tạo nên thảm thực vật đa dạng, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng.

Ngoài cây Sa nhân, xã Hồ Thầu còn đẩy mạnh phát triển các loại dược liệu quý như: Sâm Vũ Diệp, sâm Ngọc Linh, Tam thất, Quế... Điển hình có thể kể đến mô hình trồng cây dược liệu của anh Lê Văn Thảo, thôn Chiến Thắng với quy mô hơn 1 ha, gồm các loại dược liệu: Sâm Ngọc Linh, sâm Vũ Diệp, cây Thất diệp nhất chi hoa. Đối với diện tích cây sâm Vũ Diệp và cây Thất diệp nhất chi hoa, gia đình anh Thảo đã trồng được trên 8 năm và bước đầu cho thu hoạch, đem lại hiệu quả kinh tế. Riêng cây sâm Ngọc Linh, gia đình anh mới trồng thử nghiệm hơn 1.000 cây từ cách đây hơn 3 năm; sau khi ươm mầm cho cây phát triển từ 1 đến 2 năm, gia đình mới tiến hành trồng dưới tán rừng; các loại cây dược liệu của gia đình anh hiện sinh trưởng và phát triển rất tốt. Trong đó đặc biệt là 2 loại sâm Ngọc Linh và sâm Vũ Diệp có giá trị kinh tế rất cao. Đến nay, gia đình đã bán ra thị trường cây Thất diệp nhất chi hoa với giá khoảng 3 triệu đồng/kg và sâm Vũ Diệp trên 5 triệu đồng/kg.

Người dân Hồ Thầu nhân rộng mô hình trồng Sa nhân.

Trong khi đó, gia đình ông Phượng Tài Thanh, thôn Đoàn Kết lại lựa chọn cây Quế làm hướng đi phát triển kinh tế. Với diện tích đất vườn đồi rộng, trước đây chủ yếu trồng rải rác một số loại cây ăn quả, giá trị kinh tế không cao, sau khi học hỏi kinh nghiệm ở một số địa phương và được sự tuyên truyền của chính quyền xã, năm 2021 gia đình ông đã mạnh dạn mua giống Quế về trồng với diện tích hơn 2 ha. Sau 3 năm trồng và chăm sóc, gia đình đã bắt đầu có thu nhập bằng việc tỉa cành và lá bán cho thương lái với giá từ 2 - 4 nghìn đồng/kg. Ông Thanh chia sẻ: So với các cây trồng khác như Keo, Bạch đàn thì cây Quế có thể khai thác tỉa nhiều lần, hơn nữa có thể tận dụng được cả cành, lá. Vì vậy, lợi ích kinh tế của cây Quế đem lại hoàn toàn vượt trội so với các loại cây lâm nghiệp khác.

Hiện, xã Hồ Thầu có trên 200 ha Quế; hơn 2 ha dược liệu quý như Sâm, Tam thất và hàng trăm ha Thảo quả dưới tán rừng. Cấp ủy, chính quyền xã tích cực phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn mới về dược liệu sạch và an toàn; tiếp tục mở rộng diện tích ở những nơi phù hợp. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh để phát triển cây dược liệu thành sản xuất hàng hóa, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Bài, ảnh: Yên Hoa
Bình luận

Tin khác

Back To Top