ĐBP - Sau trận lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên vào rạng sáng 25/7, đến nay cơ bản lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã di chuyển nhà cửa, tài sản của các hộ dân ra khỏi khu vực nguy cơ thiên tai, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho hộ dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đối với việc khôi phục đất sản xuất vẫn còn rất nhiều khó khăn, do lượng bùn đất khá dày (có nơi đất đá phủ dày đến 8m), người dân không thể tự khắc phục. Để đảm bảo sinh kế cho người dân, chính quyền địa phương cần sớm xây dựng các phương án phục hồi sản xuất.
Sau hơn 3 tuần kể từ khi xảy ra trận lũ quét, sạt lở đất đá, chúng tôi trở lại vùng lũ Mường Pồn, quang cảnh tan hoang, ngổn ngang đất đá và rác. Những thửa ruộng trước đây màu mỡ, từng là “bờ xôi, ruộng mật” của bà con nông dân giờ đây đất đá lấp đầy không thể tiếp tục canh tác. Điều trăn trở của người dân, chính quyền xã là làm thế nào để có ruộng vườn canh tác, sản xuất.
Gia đình chị Lò Thị Phong, bản Mường Pồn 1 là một trong số những hộ bị thiệt hại nặng nề do lũ quét, sạt lở đất. Trước đây, lương thực gia đình chủ yếu nhờ cấy lúa nước, nhưng sau trận lũ diện tích ruộng đã bị đất đá, rác vùi lấp. Chị Phong cho biết: "Mất ruộng, bây giờ chẳng biết làm gì ra lương thực. Mong Nhà nước, cơ quan chính quyền giúp người dân trong bản sớm khôi phục lại đất sản xuất".
Theo thống kê, trong cơn lũ vừa qua, xã Mường Pồn có 571 hộ dân ở các bản: Mường Pồn 1, Tin Tốc, Huổi Chan, Huổi Un có đất sản xuất bị vùi lấp, cuốn trôi, với tổng diện tích 123ha. Nhiều hộ dân bị mất đất có nguy cơ thiếu đói khi vụ sản xuất này đã mất trắng. Trước kia, người nông dân nơi đây tuy vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng cơ bản tự đảm bảo lương thực hàng ngày. Nay không còn đất sản xuất, họ có muốn vất vả với đồng ruộng cũng không được nữa.
Theo thống kê của UBND huyện Điện Biên, trong tổng số 123ha đất sản xuất bị ảnh hưởng thì có 66,5ha bị vùi lấp khối lượng lớn, người dân không thể khắc phục, gồm: Bản Mường Pồn 1 có 36,3ha bị đất, đá vùi lấp từ 3-8m; bản Lĩnh có 24,2ha bị vùi lấp từ 1 - 5m; bản Tin Tốc có 6ha bị vùi lấp từ 3-5m. Diện tích ruộng lúa bị đất đá vùi lấp khối lượng nhỏ, người dân có thể tự khắc phục là 48,5ha tại các bản: Cò chạy 1(1,74ha); Cò chạy 2 (4,8ha); Huổi Un (0,45ha); Huổi Chan 1 (4,1ha); Huổi Chan 2 (0,41ha); Pá Chả (0,06ha); Mường Pồn 2 (hơn 16,3ha); Tin Tốc (8,1ha); bản Lĩnh (hơn 12,5ha). Trong đó, 8ha ruộng lúa tại bản Lĩnh bị sạt lở, lũ cuốn trôi hoàn toàn. Ngoài ra, tại khe suối Na Un do mưa kéo dài, dòng chảy lớn gây sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ suối, nguy cơ cao ảnh hưởng đến 15ha ruộng của người dân.
Mường Pồn là xã thuần nông, đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp (lúa là cây trồng chủ yếu) nhưng mưa lũ đã làm mất đất sản xuất, ảnh hưởng không nhỏ đến đảm bảo lương thực trong thời gian tới. Trước mắt, để ổn định đời sống, đảm bảo lương thực cho người dân, chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể, nhà hảo tâm đã chung tay hỗ trợ, ủng hộ gạo, mỳ tôm và các nhu yếu phẩm khác. Tuy nhiên, về lâu dài cần sớm khôi phục đất sản xuất có thể phục hồi; đối với diện tích bị cuốn trôi, cần có phương án bố trí đất sản xuất nơi khác cho người dân.
Thông tin từ UBND huyện Điện Biên, để đảm bảo ổn định sản xuất cho người dân, huyện đang khẩn trương thực hiện các thủ tục để hỗ trợ trực tiếp cho các hộ bị thiệt hại về sản xuất nông nghiệp theo Quyết định số 21/2018/QĐ-UBND ngày 23/4/2018 của UBND tỉnh Điện Biên. Theo đó, hỗ trợ trực tiếp cho 571 hộ bị thiệt hại với tổng kinh phí 866 triệu đồng. Về phát triển sinh kế, hỗ trợ mô hình chăn nuôi gia cầm (gà, ngan, vịt…) thương phẩm tạo sinh kế cho 395 hộ dân trong thời gian đất canh tác, sản xuất bị đất, đá vùi lấp chưa thể khôi phục sản xuất (chu kỳ 3 lứa). Hỗ trợ vận chuyển một phần đất đá, hỗ trợ san gạt lớp mặt để khôi phục sản xuất tại các khu ruộng bị vùi lấp khối lượng lớn người dân không tự khắc phục (66,5ha); hỗ trợ mô hình trồng lúa, cải tạo đất, chỉnh trang bờ thửa ruộng lúa sau khi đã được san gạt, trả lại mặt bằng ruộng với diện tích 115ha.
Theo ông Lò Văn Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đối với diện tích đất sản xuất bị vùi lấp với độ dày từ trên 1m người dân không thể tự khắc phục được, trước mắt UBND huyện Điện Biên chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh nghiên cứu phương án khôi phục. Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế. Còn đối với diện tích bị thiệt hại nhẹ, người dân có thể khắc phục được, UBND huyện Điện Biên vận động người dân chủ động khắc phục; có phương án huy động lực lượng khẩn trương khắc phục về tưới, tiêu phục vụ sản xuất.
Lũ dữ đi qua, việc hỗ trợ ban đầu đã được triển khai tích cực, song về lâu dài, cần phương án khôi phục lại sản xuất, chăn nuôi một cách phù hợp, căn cơ. Những thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do mưa lũ gây ra không thể khôi phục trong một sớm một chiều. Trước mắt, chính quyền, đoàn thể địa phương cần tích cực tuyên truyền, vận động bà con anh em, họ hàng có người thân mất đất sản xuất san sẻ đất canh tác cho nhau để sản xuất lương thực. Để đảm bảo ổn định, lâu dài, cơ quan chuyên môn cần khẩn trương nhưng phải đảm bảo kỹ càng công tác khảo sát, đánh giá thiệt hại để xây dựng, thiết kế phương án khắc phục hiệu quả.