Loay hoay thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất (bài 3)

08:36 - Thứ Tư, 21/08/2024 Lượt xem: 3480 In bài viết

Bài 3: Để dự án hỗ trợ sản xuất phát huy hiệu quả

ĐBP - Trong những giai đoạn trước, việc hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh ở một số thời điểm, một số nơi còn mang tính cào bằng, dàn trải, dẫn tới một số mô hình sản xuất chỉ mang tính thời vụ, hết nguồn lực là mô hình cũng dừng theo. Để khắc phục tình trạng này và phát huy hiệu quả nguồn vốn, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần sớm tháo gỡ những khó khăn, bất cập. Nhất là hạn chế việc hỗ trợ cộng đồng nhỏ lẻ, manh mún; tập trung thực hiện mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết thông qua các hợp tác xã, doanh nghiệp.

Bài 2: Không quyết liệt khó hoàn thành kế hoạch

Bài 1: Bất cập về cơ chế, chính sách

Mô hình trồng cà gai leo theo hướng liên kết hỗ trợ trên địa bàn huyện Tủa Chùa từ nguồn vốn các chương trình MTQG.

Các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 có cách thức thực hiện các mô hình, dự án hỗ trợ sản xuất yêu cầu rất cao, phải hình thành được mô hình cộng đồng, liên kết, tập trung, có quy mô… không thực hiện hỗ trợ riêng lẻ như giai đoạn trước để tránh tình trạng sau khi hỗ trợ không phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, các địa phương đang gặp nhiều khó khăn như: Hỗ trợ trâu, bò thì vướng mắc các quy định của Luật Chăn nuôi; hỗ trợ gà, vịt, ngan thì nhỏ lẻ, không phát huy hiệu quả; đối với hỗ trợ liên kết thì khó tìm được các đơn vị chủ trì liên kết do các doanh nghiệp, hợp tác xã không đáp ứng quy định. Do vậy, trong quá trình thực hiện dự án hỗ trợ sản xuất, một số đơn vị được đề xuất hỗ trợ đã có đơn xin thôi không tham gia hỗ trợ.

Điều đáng nói là cùng chính sách và thời gian thực hiện nhưng năm 2024 một số huyện thực hiện khá tốt nội dung này. Điển hình như huyện Tuần Giáo trồng thành công hơn 3.000ha mắc ca và 123ha cà phê theo mô hình liên kết; huyện Nậm Pồ, Mường Nhé lựa chọn, triển khai trồng hàng nghìn héc ta quế và hàng chục héc ta rau màu...

Cán bộ xã Tả Phìn (huyện Tủa Chùa) hướng dẫn người dân thực hiện dự án hỗ trợ mô hình trồng ngô trên địa bàn.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân chủ quan là do các huyện chưa bám sát nội dung Nghị quyết 09 ngày 29/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09, Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã được UBND tỉnh ban hành. Theo đó, Nghị quyết 09, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09 và kế hoạch cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp với 3 đề án (kinh tế nông, lâm nghiệp; chăn nuôi gia súc; sản phẩm OCOP) đã chỉ rõ đến từng địa bàn là phát triển cây gì, con gì, thế mạnh của từng địa phương. Căn cứ điều kiện thực tế, các huyện lựa chọn mô hình phù hợp để phát triển thành vùng nguyên liệu.

Đơn cử, huyện Tuần Giáo năm 2024 được giao gần 245 tỷ đồng (bao gồm vốn từ năm 2022 kéo dài sang) vốn sự nghiệp thực hiện các chương trình MTQG. Trong đó, riêng nội dung hỗ trợ sản xuất thuộc 2 chương trình: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Giảm nghèo bền vững chiếm 154 tỷ đồng. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền cho đến các thôn, bản, quá trình triển khai nội dung hỗ trợ sản xuất thuận lợi, thu hút cộng đồng người dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia. Vì vậy, 7 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân chung vốn sự nghiệp đạt 32,5%; đối với nội dung hỗ trợ sản xuất thuộc chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân đạt gần 49%; nội dung hỗ trợ sản xuất thuộc chương trình giảm nghèo bền vững đạt hơn 68%.

Huyện Tuần Giáo ra quân trồng mắc ca tại xã Mường Mùn.

Theo bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo, huyện xác định cây mắc ca, cà phê là thế mạnh đã và đang mang lại hiệu quả cho người dân. Vì vậy, thực hiện nội dung hỗ trợ sản xuất của các chương trình MTQG, huyện không định hướng hỗ trợ trâu, bò, con giống mà tập trung vào các dự án liên kết mắc ca, cà phê. Thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ năm 2023 đến nay huyện đã triển khai được 90 dự án liên kết gắn với sản phẩm quả mắc ca (năm 2023 phê duyệt 32 dự án và năm 2024 triển khai 58 dự án). Đối với hỗ trợ sản xuất thuộc chương trình giảm nghèo bền vững, năm 2024 huyện đã triển khai 24 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với sản phẩm quả mắc ca và 3 dự án cây cà phê.

Để đạt được kết quả tích cực, huyện Tuần Giáo đã huy động từ cán bộ huyện, lực lượng vũ trang, giáo viên, hội đoàn thể cùng tham gia. Cùng đó, công tác chuẩn bị từ sớm, từ xa, như dự án triển khai năm 2024 thì khâu đào hố, cây giống phải chuẩn bị từ năm 2023, qua đó tạo niềm tin cho người dân.

Từ những khó khăn trong thời gian qua, lãnh đạo các huyện kiến nghị cần sớm có hướng dẫn, tháo gỡ để đại diện các nhóm cộng đồng có thể mua được con giống do người dân sản xuất trên địa bàn mà không phải áp dụng Luật Chăn nuôi. Đồng thời, cho phép UBND huyện triển khai việc hỗ trợ con giống bằng tiền để người dân tự mua con giống, giá con giống do UBND xã xác nhận, thú y xã có trách nhiệm kiểm tra chất lượng con giống.

Lãnh đạo cấp huyện kiến nghị sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án hỗ trợ sản xuất thuộc các chương trình MTQG.

Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho rằng, việc thực hiện các dự án liên kết sản xuất quy mô lớn, tập trung các huyện gặp nhiều khó khăn do không tìm được nhà đầu tư đủ năng lực. Vì vậy đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, xây dựng và triển khai một số dự án liên kết sản xuất cây ăn quả (dứa, mít, ổi…) theo chuỗi giá trị quy mô liên huyện để thúc đẩy việc mở rộng các vùng liên kết sản xuất tập trung. Bên cạnh đó, để giải quyết khó khăn liên quan đến các quy định của Luật Chăn nuôi, cần tham mưu UBND tỉnh ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật “hỗ trợ bò tạo sinh kế cho các hộ dân thuộc các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025”.

Để đẩy nhanh giải ngân vốn, Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 chỉ đạo các địa phương hạn chế thấp nhất hoặc không thực hiện dự án hỗ trợ cộng đồng về chăn nuôi (trâu, bò, lợn, gà), mà tập trung nguồn lực để phát triển các mô hình hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo tiềm năng thế mạnh từng địa phương. Như Mường Nhé, Nậm Pồ tập trung cây quế; Tuần Giáo tập trung mắc ca, cà phê; Mường Ảng ưu tiên phát triển cà phê... Xuyên suốt quá trình thực hiện, các huyện phải tăng cường đôn đốc, chỉ đạo, giám sát ngay từ khâu lựa chọn mô hình, cung ứng, sử dụng nguồn giống bảo đảm đúng quy định pháp luật; đồng thời thường xuyên kiểm tra thực địa, phân công cán bộ hướng dẫn, đồng hành với người dân.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top