Phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến

14:56 - Thứ Năm, 22/08/2024 Lượt xem: 4054 In bài viết

ĐBP - Phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến là hướng đi phù hợp với thực tiễn của tỉnh, từng bước hình thành các chuỗi liên kết, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, ổn định thu nhập và đời sống của người nông dân. Chính vì vậy, những năm gần đây, tỉnh Điện Biên thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, liên kết sản xuất, tạo đầu ra ổn định cho nông sản, từ đó thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, bền vững.

Nhân viên Công ty Cổ phần cà phê Quốc tế Hồng Kỳ chế biến cà phê.

Sắn là loại cây trồng truyền thống ở nhiều vùng của tỉnh được người dân tích cực mở rộng diện tích trong những năm gần đây. Năm 2023, sản lượng sắn toàn tỉnh đạt gần 124.000 tấn, xếp thứ 2 về sản lượng cây lương thực của tỉnh (sau lúa nước). Năm 2024, tổng diện tích cây sắn toàn tỉnh đạt gần 17.000ha. Lý do mở rộng diện tích trồng sắn được xác định là do trồng sắn chi phí đầu tư ít, thị trường rộng lớn, giá trị kinh tế cao hơn so với các cây trồng truyền thống khác như: Ngô, lúa nương.

Từ trước đến nay, sản phẩm sắn tươi, sắn khô trên địa bàn tỉnh đều được bán cho các thương lái thu mua gom rồi bán lại cho nhà máy chế biến ở tỉnh Sơn La và một phần nhỏ cho nhà máy chế tinh bột sắn tại xã Hẹ Muông (huyện Ðiện Biên). Do đó, giá trị kinh tế của củ sắn chưa cao, dễ bị thương lái ép giá.

Ngày 15/3, Dự án Nhà máy chế biến tinh bột sắn BHL Ðiện Biên được UBND tỉnh cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Chế biến nông sản BHL Ðiện Biên, dự án được xây dựng tại thôn Tân Ngam (xã Núa Ngam, huyện Ðiện Biên). Nhà máy có quy mô công suất sản xuất 200 tấn tinh bột/ngày; 50 tấn bã sắn/ngày đêm. Ðây là bước đệm thúc đẩy sản xuất cây sắn theo hướng hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Mô hình sắn lòng vàng tại xã Chiềng Sinh (huyện Tuần Giáo) cho năng suất, sản lượng cao.

Theo nghiên cứu của nhà đầu tư, thổ nhưỡng và biên độ nhiệt giữa ngày và đêm, giữa mùa đông với mùa hè lớn đã giúp củ sắn ở Ðiện Biên có hàm lượng tinh bột cao hơn các tỉnh khác. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, tỉnh Ðiện Biên đã phát triển cây sắn theo hướng thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật, chọn các giống mới có năng suất và chất lượng cao như: KM94, KM95, KM98... Người dân trồng và chăm sóc cây sắn đúng thời vụ, kỹ thuật đã đem lại năng suất, chất lượng cao.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến nông sản BHL Ðiện Biên, trên cơ sở tiềm năng lợi thế về phát triển và kết quả nghiên cứu thị trường chế biến sản phẩm sắn trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên, Công ty đã quyết định đăng ký, xin chủ trương của UBND tỉnh đầu tư dự án nhà máy chế biến tinh bột sắn tại tỉnh. Hiện nay, Công ty đang hoàn thiện các bước chuẩn bị để triển khai thực hiện dự án. Dự án hoàn thành sẽ đảm bảo đầu ra ổn định cho vùng nguyên liệu sắn, giảm bớt khâu trung gian trong tiêu thụ, gia tăng giá trị sản phẩm, giúp tăng lợi nhuận của cây sắn. Bên cạnh đó, nhà máy cũng tạo việc làm ổn định cho lao động tại địa phương.

Người dân xã Chiềng Sinh (huyện Tuần Giáo) kiểm tra, định sản cây sắn.

Trên địa bàn xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên) hiện có gần 10 đơn vị thu mua sắn bán cho nhà máy chế biến tinh bột sắn ở Sơn La. Ðến mùa thu hoạch sắn, trên tuyến quốc lộ 12 đoạn qua xã Núa Ngam, mỗi ngày đều có 3 - 4 xe đầu kéo nối đuôi nhau bốc sắn chở về tỉnh Sơn La.

Chị Nguyễn Thị Hồng, người dân xã Núa Ngam cho biết: Giá thu mua sắn cao thấp tùy từng năm tuy nhiên củ sắn ở xã Núa Ngam nói riêng, các xã huyện Ðiện Biên, Ðiện Biên Ðông nói chung đều có giá bán thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Bởi vì, củ sắn từ nương người dân phải qua 2 - 3 khâu trung gian mới về đến nhà máy chế biến. Nếu Nhà máy chế biến tinh bột sắn BHL Ðiện Biên ở xã Núa Ngam đi vào hoạt động, người dân bán sắn trực tiếp cho Nhà máy thì giá bán sẽ cao hơn.

Năm 2023, huyện Mường Nhé có tổng diện tích trồng sắn khoảng 4.000ha. Trên địa bàn huyện có 2 cơ sở thu mua, sơ chế củ sắn với tổng công suất 300 tấn sắn tươi/ngày song chỉ tiêu thụ được khoảng 50% sản lượng sắn toàn huyện. Số lượng còn lại, người dân tự tìm đầu ra cho sản phẩm.

Đầu tư nhà máy chế biến tinh bột sắn thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu sắn. Trong ảnh: Nhà máy chế biến tinh bột sắn tại xã Hẹ Muông (huyện Điện Biên).

Ông Tạ Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé đánh giá: Có nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh sẽ thúc đẩy các địa phương, trong đó có huyện Mường Nhé tập trung sản xuất cây sắn theo hướng bền vững, nâng cao giá trị. Chi phí trung gian đều giảm, giá củ sắn sẽ cao hơn, giúp người trồng sắn gia tăng thu nhập.

Tương tự, Nhà máy chế biến mủ cao su đang được Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên triển khai thực hiện. Nhà máy có công suất thiết kế 5.000 tấn/năm (lò sấy 2 tấn/giờ); đảm bảo chế biến hết sản lượng mủ khai thác từ các vườn cây cao su đại điền và tiểu điền trong tỉnh.

Ông Trần Văn Nam, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé cho biết: Tổng diện tích đất Công ty quản lý 1.420,55ha. Cơ bản 100% diện tích đã cho thu hoạch, sản lượng và chất lượng mủ tốt. Hiện nay, toàn bộ mủ cao su của Công ty đều phải bán thô và vận chuyển về nhà máy chế biến tại các tỉnh khác để tiêu thụ. Khi Nhà máy chế biến mủ cao su tại xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên) hoàn thành và đi vào hoạt động, toàn bộ chi phí vận chuyển sản phẩm trước đây gần như được cắt giảm, từ đó lợi nhuận sản phẩm cao hơn, doanh thu của Công ty và thu nhập người dân góp đất, người lao động đều tăng lên. Theo tính toán, nếu được sơ chế tại địa bàn, giá trị sản phẩm tăng 1,5 - 2 lần so với bán sản phẩm thô.

Công nhân Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên cạo mủ cao su

Ngoài sắn và cao su, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 3 doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến sản phẩm gạo chất lượng cao, với công suất 135 tấn/ngày; 4 doanh nghiệp chế biến chè, công suất ước đạt 3 tấn chè tươi/tháng; 5 doanh nghiệp chế biến cà phê, công suất đạt 5 tấn cà phê bột/tháng; 5 doanh nghiệp, cơ sở chế biến mắc ca, công suất 400kg nhân/ngày; 5 cơ sở chế biến miến dong; 3 cơ sở chế biến dứa. Ðây là cơ sở thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng.

Ðơn cử như sản phẩm cà phê, với sự phát triển của công nghiệp chế biến trên địa bàn, diện tích, năng suất và sản lượng cây cà phê liên tục tăng trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2023, diện tích cà phê toàn tỉnh ước đạt 2.758,56ha (trong đó: Diện tích trồng mới đạt 119,26ha tại các huyện Mường Ảng 31,5ha, Tuần Giáo 74,5ha, Ðiện Biên Ðông 13,26ha); sản lượng cà phê nhân ước đạt 4.393 tấn. 6 tháng đầu năm 2024, riêng diện tích trồng mới cây cà phê tại huyện Tuần Giáo đã tăng 780ha, cao gấp 6,5 lần so với năm 2023.

Lãnh đạo UBND huyện Tuần Giáo kiểm tra mô hình phát triển cà phê bền vững tại xã Tỏa Tình.

Ông Phạm Hữu Chiến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: Với đầu ra ổn định, giá trị sản phẩm cà phê ngày càng tăng, người dân trên địa bàn đã chủ động chuyển đổi từ cây trồng giá trị kinh tế thấp sang trồng cà phê. Năm nay, 100% diện tích cà phê trồng mới của huyện Tuần Giáo đều do người dân tự bỏ kinh phí đầu tư, tự trồng và chăm sóc, đặc biệt là xã Tỏa Tình trồng mới 274,5ha; xã Pú Nhung 211,25ha; xã Quài Tở 102,38ha.

Hiện nay, thực hiện Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh Ðiện Biên đang đẩy mạnh thu hút đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp vào lĩnh vực chế biến nông sản, nhất là sản phẩm lúa gạo, mắc ca và sản phẩm lâm nghiệp như chế biến gỗ, dược liệu dưới tán rừng. Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức song đó là hướng phát triển nông nghiệp bền vững.

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top